Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ
Ngày 3-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
- 06-12-2023Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11: Thảo luận nhiều nội dung quan trọng
- 04-06-2023Phiên họp Chính phủ tháng 5: Các địa phương thông báo hàng loạt chỉ số, tín hiệu tích cực
Phiên họp sẽ tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2024; tình hình giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình triển khai Nghị quyết 01 năm 2024 của Chính phủ...
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình tháng 3 và quý I. Trong đó, đi sâu vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các đại biểu chỉ rõ những kết quả đạt được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong công tác điều hành, chỉ đạo thời gian qua. Từ đó, đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Về tình hình kinh tế quý I, theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 tăng 5,66%, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm từ 2020 - 2023.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,8%; công nghiệp và xây dựng là 35,7%; còn dịch vụ 43,5%. Theo kịch bản của Nghị quyết 01 của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6% - 6,5%. Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% (kịch bản thấp) và 5,6% (kịch bản cao). Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%).
Cơ quan thống kê nhấn mạnh trong quý I, hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc, nhộn nhịp ngay từ những tháng đầu năm. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 178 tỉ USD trong 3 tháng qua. Mức này tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu thêm 17% (đạt 93,06 tỉ USD), nhập khẩu gần 14%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỉ USD.
Trong quý I/2024, cả nước có hơn 36.200 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 332.200 tỉ đồng. Số quay lại hoạt động là 23.600, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ. Như vậy, mỗi tháng có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp đóng cửa, giải thể vẫn tăng, bình quân một tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong 3 tháng đầu năm, kết quả thu hút vốn FDI cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam, đạt hơn 6,17 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng vốn FDI đăng ký quý I/2024 thì vốn đăng ký cấp mới chiếm 77,3%, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng 57,9%. Số liệu này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam.
Người lao động