MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng phê bình chậm giải ngân vốn đầu tư công; người dân phải trả thêm tiền điện

Thủ tướng phê bình 31 bộ, cơ quan T.Ư và 23 địa phương giải ngân thấp; GDP tăng vượt mọi dự báo thiệt hại bão số 3; chi tiết số tiền người dùng phải trả mỗi tháng khi tăng giá điện; cửa hàng SJC mở cửa nhưng không mua được vàng... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Thủ tướng phê bình 31 bộ, cơ quan T.Ư và 23 địa phương giải ngân thấp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 104 ngày 8/10 đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 .

Theo công điện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%), chưa đáp ứng kỳ vọng đặt ra.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương 13 bộ, cơ quan T.Ư và 40 địa phương đã nỗ lực phấn đấu, đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 trên mức trung bình của cả nước; đồng thời phê bình 31 bộ, cơ quan T.Ư và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước.

Thủ tướng phê bình chậm giải ngân vốn đầu tư công; người dân phải trả thêm tiền điện- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: PV.

Thủ tướng nhấn mạnh, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được T.Ư Đảng và Quốc hội giao, các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

GDP tăng vượt mọi dự báo thiệt hại bão số 3

Sáng 6/10, tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết, cơn bão số 3 đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, hạ tầng kinh tế - xã hội và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở các tỉnh phía Bắc.

Thủ tướng phê bình chậm giải ngân vốn đầu tư công; người dân phải trả thêm tiền điện- Ảnh 2.

Tổng cục Thống kê công bố, GDP quý III/2024 ước tính tăng 7,4%.

GDP quý III ước tính tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ngược lại, khu vực công nghiệp và xây dựng ; dịch vụ vẫn duy trì tăng trưởng khá. Sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

GDP 9 tháng năm nay ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 3 trong tháng 9 nên tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2024 cũng chỉ đạt 3,2%.

Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, nhiều diện tích lúa mùa bị mất trắng do ảnh hưởng của bão số 3. Trong đó, thiệt hại ghi nhận tại Bắc Giang 16,9 nghìn ha; Hải Phòng 10,1 nghìn ha; Nam Định 7,8 nghìn ha; Thái Bình 7,2 nghìn ha; Hưng Yên 5,2 nghìn ha; Thái Nguyên 5,5 nghìn ha; Lạng Sơn 4,1 nghìn ha; Yên Bái 2,4 nghìn ha; Vĩnh Phúc 1,7 nghìn ha; Hà Nam 0,8 nghìn ha...

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số địa phương có diện tích rau màu bị mất trắng như Hưng Yên 2,26 nghìn ha; Bắc Giang 1,25 nghìn ha; Hà Nam 0,45 nghìn ha; Thái Bình 0,3 nghìn ha; Lào Cai 0,38 nghìn ha; Thái Nguyên 0,36 nghìn ha...

Chi tiết số tiền người dùng phải trả mỗi tháng khi tăng giá điện

Giá điện tăng từ ngày 11/10. Về tác động của tăng giá điện đối với các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh dịch vụ và đơn vị hành chính sự nghiệp, theo ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cùng với giá điện sinh hoạt, mức giá bán lẻ điện mới áp dụng cho các ngành sản xuất cũng có sự điều chỉnh.

Cụ thể, cấp điện áp 22 kV đến dưới 110 kV, giá từ 1.749 - 3.242 đồng/kWh, tuỳ khung giờ. Cấp điện áp 6 kV - dưới 22 kV, giá bán từ 1.812 - 3.348 đồng/kWh, tuỳ khung giờ.

Thủ tướng phê bình chậm giải ngân vốn đầu tư công; người dân phải trả thêm tiền điện- Ảnh 3.

Giá điện tăng khiến các doanh nghiệp sẽ phải trả thêm bình quân từ 91.000 - 499.000 đồng/tháng.

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về mức tăng chi tiết từng nhóm khách hàng, ông Nguyễn Xuân Nam cho biết, tính toán của EVN cho thấy với các hộ sử dụng điện dưới 50 kWh (hơn 3,26 triệu hộ, chiếm 11,51% số hộ sinh hoạt) thì mức tiền điện tăng khoảng 4.350 đồng/hộ/tháng.

Với nhóm khách hàng sử dụng từ 51 kWh - 100 kWh (hơn 4,4 triệu hộ, chiếm 15,53% số hộ sinh hoạt), mức tăng tiền điện tăng khoảng 8.850 đồng/hộ/tháng. Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 101 kWh - 200 kWh (hơn 9,73 triệu hộ, chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt và là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện tăng khoảng 19.250 đồng/hộ/tháng.

Với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201 kWh - 300 kWh (hơn 5,25 triệu hộ, chiếm 18,5% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 32.350 đồng/hộ/tháng.

Với khách hàng sử dụng điện từ 301- 400 kWh (hơn 2,51 triệu hộ, chiếm khoảng 8,87% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng. Với khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh trở lên (hơn 3,2 triệu hộ, chiếm khoảng 11,28% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng.

Đà Nẵng: Cửa hàng SJC mở cửa, vì sao khách ôm vàng thất vọng ra về?

Sáng 10/10, cửa hàng số 193 Hùng Vương mở cửa từ sớm, nhiều người dân đã tới hỏi mua bán vàng. Bà N.M. (quận Thanh Khê) mang theo tiền tới mua vì cả chục ngày qua cửa hàng SJC đóng cửa không mua được.

“Sáng nay nghe mọi người kêu cửa hàng SJC mở rồi, tôi mừng quá chạy ra liền nhưng tới nơi thì không mua bán gì được cả, họ chỉ mở cửa vậy thôi”, bà thất vọng.

Tại đây, nhân viên cho hay do nhiều ngày qua khách hàng nóng lòng, hoang mang khi thấy cửa hàng treo bảng “tạm ngưng giao dịch”, liên hệ không được nên cửa hàng mở cửa để tiếp đón khách, thông báo cho khách hiện… vẫn chưa thể giao dịch được.

“Chúng tôi mở cửa để người dân tới hỏi thông tin có thể trả lời trực tiếp, hướng dẫn họ tới mua bán ở một số cửa hàng gần nhất. Trong sáng nay có khá nhiều khách tìm đến để mua bán vàng”, một nhân viên tại cửa hàng 193 Hùng Vương cho biết. Theo nhân viên này, dự kiến tuần sau chi nhánh SJC tại Đà Nẵng sẽ hoạt động bình thường trở lại, chưa biết chính xác ngày nào.

Thủ tướng phê bình chậm giải ngân vốn đầu tư công; người dân phải trả thêm tiền điện- Ảnh 4.

Cả hai chi nhánh SJC tại Đà Nẵng sáng 10/10 đã mở cửa, tuy nhiên khách hàng vẫn chưa thể giao dịch. Ảnh: Thanh Hiền.

Cửa hàng số 185 Nguyễn Văn Linh cũng mở cửa sáng nay, một số khách hàng tới mua bán vàng chưng hửng quay về vì được thông báo “cửa hàng đang kiểm kê nên chưa mua bán được”. Nhân viên tại đây cũng nói dự tính đến tuần sau có thể hoạt động giao dịch lại bình thường.

Là quốc gia xuất khẩu gạo , vì sao Việt Nam chi tới gần 1 tỷ USD nhập mặt hàng này?

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng qua, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 7 triệu tấn với trị giá 4,37 tỷ USD. Nếu tính về kim ngạch, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 23,5%.

Đáng chú ý, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta cũng tăng rất mạnh. Trong 9 tháng, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi gần 1 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng gạo, tăng tới 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao kỷ lục của ngành gạo từ trước đến nay.

Thủ tướng phê bình chậm giải ngân vốn đầu tư công; người dân phải trả thêm tiền điện- Ảnh 5.

Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Nguyễn Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phước Thành IV - cho rằng, trong những năm qua, Việt Nam thường nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, Campuchia để phục vụ chế biến và tiêu dùng trong nước.

Năm nay, các doanh nghiệp tăng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, xuất phát từ nhu cầu sử dụng gạo cho nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi (gia súc, thủy sản) và chế biến bột, bánh, bún, thực phẩm… tăng mạnh. Những loại gạo này thuộc phẩm cấp thấp, thường có giá rẻ.

Cùng với đó, thói quen của người dân và doanh nghiệp trong nước thường bán lúa tươi, sản xuất đến đâu bán đến đó và chưa chú trọng việc dự trữ do yêu cầu phải có nguồn vốn lớn. Điều này khiến các doanh nghiệp ít mặn mà. Nhiều doanh nghiệp chọn cách nhập khẩu gạo giá rẻ để tối ưu hiệu quả và đỡ tốn chi phí dự trữ.

Theo Duy Phạm

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên