MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Thay thế kịp thời cán bộ yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh: Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh: Nhật Bắc).

Để thực hiện hiệu quả việc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) kiến nghị thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư công và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 là gần 711,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng so với 2022. Do đó, nếu không có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm, gây lãng phí, đội vốn, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển.

Nêu rõ mục tiêu giải ngân trong năm 2023 phải đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng, Thủ tướng đề nghị các đại biểu báo cáo, thảo luận về tình hình giải ngân; phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan; các bài học kinh nghiệm, giải pháp hay, cách làm tốt; từ đó thống nhất nhận thức, tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

Thủ tướng: Thay thế kịp thời cán bộ yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Bộ KH&ĐT, năm 2023 thực hiện đầu tư công có thuận lợi hơn so với các năm trước do hầu hết các dự án lớn đã hoàn thiện thủ tục, giao đủ vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, khối lượng công việc nhiều hơn, quy mô vốn đầu tư công tăng khoảng 23% (khoảng 130 nghìn tỷ đồng) so với năm 2022. Bên cạnh đó, các yếu tố như giá cả nguyên nhiên vật liệu dự báo biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu…cũng có thể tác động không thuận đến công tác giải ngân.

Để thực hiện hiệu quả việc giải ngân vốn đầu tư công và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&ĐT yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công… Bộ cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thi công; hình thức hợp đồng phù hợp theo quy định, tránh để tình trạng các nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh giá đối với hợp đồng trọn gói thi công.

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt cần thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền…

Theo Văn Kiên

Tiền Phong

Trở lên trên