Thu về ghé ngay: Hàng bánh rán mặt tiền chỉ 1m, bán đúng 2 loại bánh nhưng đỉnh điểm tiêu thụ hết hơn 10.000 cái/ngày
Vào những ngày chiều mùa thu gió dịu dàng, mua vài chiếc bánh rán, hàn huyên dăm ba câu chuyện giữa phố phường, chẳng phải là cái thú với nhiều người đấy sao.
- 16-08-2024Người phụ nữ đằng sau những bát "phở treo" giữa lòng Hà Nội: Mỗi ngày quán treo 30 bát, khách bắt đầu treo từ bát thứ 31
- 13-08-2024Quán cà phê tung "packaging" mới lạ: Cứ ngỡ tạo trend nhưng lại bị chỉ trích nặng nề vì phá hoại môi trường
- 27-06-2024Quán bánh rán mặn hơn 30 năm ở Hồ Tây không biển hiệu vẫn hút khách
Hà Nội bắt đầu bước sang những ngày trời thu, tiết trời man mát, đôi khi có cơn gió se se, nhưng nắng vẫn nhuộm một màu vàng ruộm trên khắp các nẻo đường. Trong những ngày này, còn gì thích thú hơn khi được thưởng thức những món quà chiều nhẹ bụng, vừa nhâm nhi vừa nói dăm ba câu chuyện và tận hưởng cái tiết trời dễ chịu đến thế.
Nhắc đến những thức quà chiều ở Hà Nội, bánh rán là một trong những món ăn được lòng từ người lớn đến trẻ nhỏ. Nếu như bánh rán mặn thường người ta sẽ chọn ngồi lại để thưởng thức trọn vẹn chiếc bánh nóng hổi thì bánh rán ngọt lại thường bán mang đi. Những chiếc bánh rán ngọt được bán rong ruổi trên chiếc chiếc xe đạp, xếp ngay ngắn tại vài ba gánh hàng rong hay núp sau tủ kính của một quán ven đường... Đơn giản vậy thôi nhưng làm biết bao người say đắm.
Có quán bánh rán nho nhỏ, mặt tiền chỉ rộng chừng hơn 1 mét, những ngày trời lạnh bán được hơn 10.000 cái
Con phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội có biết bao nhiêu là quán ăn, nhưng vào mỗi chiều chiều, tại một quán bánh rán bé xíu mặt tiền chừng hơn 1 mét, nằm lọt thỏm giữa những hàng quán khác, lại có rất nhiều người đứng xếp hàng để mua. Đó là cửa hàng với chiếc biển ghi dòng chữ "Bánh rán cổ truyền, mật - đường" gần đoạn ngã tư Thái Thịnh giao với Yên Lãng.
Cửa hàng bán bánh rán với bề ngang chỉ hơn 1 mét nằm nép mình ở phố Thái Thịnh, Hà Nội.
Bánh rán ngọt phổ biến nhất là bánh rán đường và bánh rán mật, và cửa hàng này chỉ bán duy nhất hai loại bánh đó. Những chiếc bánh sau khi rán xong được chuyển qua đảo đường hoặc đảo mật để lớp vỏ của bánh được bám đều mật hoặc bám đường xung quanh. Bánh rán đường thì được sử dụng đường kính trắng, còn bánh mật được làm từ mật mía. Tại đây, bánh rán mật có phần được yêu thích hơn bánh đường một chút. Anh Hưng, chủ cửa hàng cũng tự hào món bánh rán mật là món bán chạy nhất: "Anh nổi tiếng về bánh mật, mật này là mật mía, anh lấy trên Sơn La, Mộc Châu, mà mỗi lần lấy là phải lấy nguyên cả xe tải".
Những chiếc bánh rán mật và bánh rán đường tại cửa hàng này.
Chiếc bánh rán mật với lớp mật được bao quanh, phủ đều khắp chiếc bánh sao cho lớp mật không quá cứng mà cũng không bị chảy. Cắn miếng bánh rán phần mật mía bên ngoài có độ giòn nhẹ, hương vị ngọt đậm nhưng lại không hề gắt, hòa quyện với phần bánh deo dẻo cùng lớp đậu xanh có chút mằn mặn, vị mặn ngọt đó lại tạo nên sự hài hòa với nhau, khiến cho chiếc bánh rán ăn hoài không bị ngán. Chỉ một miếng bánh rán thôi là đủ để chúng ta cảm nhận được sự hòa quyện của các hương vị và kết cấu, khiến chúng ta cứ tiếp tục muốn ăn thêm vài miếng nữa. Ăn chiếc bánh rán xong mà dư vị thơm bùi, ngọt nhẹ của vỏ bánh quyện cùng của nhân đậu xanh thơm béo dường như vẫn còn đó.
Lớp mật mía được áo áo đều quanh chiếc bánh rán.
Còn với bánh rán đường cũng rất ngon với lớp đường trắng được phủ bên ngoài. Giống như bánh rán mật, nhận đậu xanh bên trong có độ mặn nên khi ăn sẽ cảm nhận bánh rất vừa ăn. Chỉ với hai loại bánh thế thôi nhưng quán bánh rán của anh Hưng chẳng ngày nào vắng khách. Chừng khoảng 7 giờ sáng sau khi mở bán đã có người qua mua bánh rán, buổi chiều khách đến mua liên tục, có những khi đông khách mà mẻ bánh chưa xong thì người mua còn phải xếp hàng.
Bên cạnh bánh rán mật thì bánh rán đường cũng rất ngon.
Anh Hưng, chủ quán bánh rán ở phố Thái Thịnh, cho biết: "Giờ vào vụ rồi có khi nhà bánh ngày nhà anh bán hơn một vạn bánh. Bình thường thì mùa hè mỗi ngày vàn nghìn, khoảng 5.000 - 7.000 bánh. Người làm nhà anh 4 rưỡi 5 giờ là đã dậy làm rồi, thường thường 7 giờ sáng nhà anh có bánh, bán đến 5 - 6 giờ chiều. Cũng chẳng bao giờ nhà anh bị ế cả, chứ bánh nhà anh sản xuất còn không kịp bán".
Mỗi chiếc bánh rán có kích thước khá lớn, bằng lòng bàn tay, mà có giá bán chỉ 6.000 đồng. Mỗi người ăn 2 - 3 cái là đã rất no. Chiếc bánh rán ngon là thế, dễ ăn là thế mà lại có giá chỉ vài nghìn đồng, nên cứ thế người ta chỉ cần mua vài chiếc thôi là đủ. Đủ để cho một bữa quà chiều vui vẻ, chẳng khiến no bụng mà lại vui miệng.
Lớp nhân đậu xanh bên trong chiếc bánh rán có vị mặn nhẹ giúp chiếc bánh đỡ ngọt và ngán.
Người làm ra chiếc bánh gato nổi tiếng ở trên phố Thợ Nhuộm cho đến những chiếc bánh rán vạn người mê
Hỏi ra mới biết, anh Hưng, chủ cửa hàng bánh rán ở trên phố Thái Thịnh, trước đây vốn làm nghề bánh gato. Với những người thế hệ 8X thì ngày xưa sinh nhật mà được bố mẹ mua cho chiếc bánh gato bánh 2 tầng được trang trí bằng những bông hoa, đường riềm đủ màu... là vui lắm. Anh Hưng chính là người làm ra những chiếc bánh gato nức tiếng trên phố Thợ Nhuộm hồi ấy.
"Anh có nghiệp mà, nghiệp làm bánh. Hồi xưa là anh làm bánh gato trên Thợ Nhuộm từ những năm 80, nhà anh cũng là những nhà đầu tiên làm bánh gato ở Hà Nội", anh Hưng tâm sự. Khi mà những chiếc bánh gato kiểu truyền thống ngày ấy dần không còn được ưa chuộng nữa, anh Hưng chuyển qua làm bánh rán. Vốn là người đã có nghề với bột, với bánh, những chiếc bánh rán của anh được bán trên phố Hàng Bè cũng được nhiều người yêu thích.
"Ở Thái Thịnh này thì anh bán được 5 - 6 năm rồi, trước trên anh bán trên Hàng Bè, anh thuê cái vỉa hè để bán. Không thuê được nữa thì anh mới chuyển về đây, hồi đấy anh bán cũng đắt khách lắm, hai bố con chở bánh ra không kịp bán" - anh Hưng kể.
Các công đoạn để làm ra những chiếc bánh rán vạn người mê.
Nói với cửa hàng có mặt tiền chỉ hơn 1 mét, anh Hưng chia sẻ: "Trước nhà này họ mãi không cho thuê được vì mặt tiền nhỏ quá, nhiều người về thuê cứ vài tháng lại không thuê nữa. Anh về đây như là cái duyên, ở đây 5 - 6 năm rồi". Có lẽ, bởi chỉ là món đồ ăn mang đi, nên mặt tiền nhỏ nhưng đáp ứng đủ nhu cầu bán hàng cho khách. Nhưng thực ra đi sâu vào căn nhà mới biết phía bên trong rộng hơn và chính là nơi làm bánh. Mọi công đoạn làm bánh từ trộn bột, nặn bánh, rán bánh, đảo bánh với đường và mật... đều được làm tại căn nhà này.
Chiếc bánh rán nhỏ bé nhưng để làm ra cũng không dễ. Anh Hưng tâm sự, công việc này thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm. Bột bánh cũng phải làm kỳ công, trước không có máy mọi người phải làm bột bằng tay, 2 năm trở lại đây có máy thì nhàn hơn. Bánh rán để để lớp vỏ có đủ độ giòn phải trải qua 3 lần chiên ở 3 chảo dầu. Khu vực rán bánh thì lúc nào nào cũng nóng như cái lò.
Giờ anh Hưng cũng chuyển dần cửa hàng bánh rán cho con trai và con dâu cùng tiếp quản. Nhưng không khó để bắt gặp anh Hưng ở quán bởi anh luôn có mặt để đảm bảo chất lượng của những chiếc bánh rán.
Cửa hàng bánh rán anh để tên HK, hỏi ra thì biết đó có nghĩa là Hà và Khánh, tên con gái và con rể của anh Hưng. Điều thú vị là nhà con rể anh Hưng cũng có nghề làm bánh rán ở phố Đội Cấn. Đúng là cái bánh nó là duyên nợ với anh Hưng.
Bánh rán quả là một thức quà chiều hợp với những ngày mùa thu se lạnh.
Vào những ngày chiều mùa thu gió dịu dàng, mua vài chiếc bánh rán, hàn huyên dăm ba câu chuyện giữa phố phường, chẳng phải là cái thú với nhiều người đấy sao.
Tổ quốc