MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thúc đẩy đầu tư công: Nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn

Thúc đẩy đầu tư công: Nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn

Mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân đầu tư công 95% đòi hỏi quyết tâm rất lớn trong thực hiện và quyết tâm này phải cao hơn trước nhiều mới có thể đạt được.

"Vốn đầu tư công" vừa là nguồn lực rất quan trọng, vừa là động lực của sự phát triển. Chính vì vậy, nếu không xử lý được các bất cập tồn tại bấy lâu nay để thúc đẩy đầu tư công sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra.

Trang nhất của báo Lao động đã đưa thống kê về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 năm đã qua cùng dự báo con số phấn đấu là 95% cho năm 2023 này. Đây chính là mục tiêu Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế - xã hội diễn ra trong tuần. Một mục tiêu khẳng định quyết tâm lớn của Chính phủ và các địa phương.

Năm 2022, tỷ lệ giải ngân đạt gần 93,5% kế hoạch và là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất từ trước đến nay.

Còn năm nay, kế hoạch vốn được Quốc hội Quyết nghị là hơn 711.000 tỷ đồng. Dù mục tiêu giải ngân cải thiện không lớn về tỷ lệ khi chỉ hơn ít nhất 1,5% so với năm ngoái nhưng là rất thách thức khi con số giải ngân tuyệt đối tối thiểu phải đạt là khoảng 676.000 tỷ đồng, tức là tăng thêm tới hơn 134.000 tỷ đồng so với năm 2022, thông tin trên tờ Lao động.

Mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân đầu tư công 95% đòi hỏi quyết tâm rất lớn trong thực hiện và quyết tâm này phải cao hơn trước nhiều mới có thể đạt được. Bởi những năm gần đây, dù năm nào cũng quyết tâm, cuối cùng, vì nhiều lý do cả khách và chủ quan, kết quả giải ngân vẫn chưa đạt được như kế hoạch.

Giải ngân vốn đầu tư công: Thông đầu này lại tắc đầu khác

Thúc đẩy đầu tư công: Nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn - Ảnh 1.

Để đạt được mục tiêu giải ngân 95%, tinh thần kỷ luật, kỷ cương, tinh thần quyết tâm và quyết liệt hành động, phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cá nhân… càng phải được đề cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trên tờ Tiền phong: "Những vướng mắc hiện tại là do chúng ta tự mình gây ra thôi, tự mình đem đá buộc chân mình thôi vì thuộc thẩm quyền và những vấn đề chúng ta giải quyết".

Đề cập một số giải pháp trong thời gian tới, trên tờ Thời báo Tài chính, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính Dương Bá Đức cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc việc phân bổ vốn theo nguyên tắc, tiêu chí phân bổ. Thứ nhất là phải ưu tiên thu hồi vốn ứng trước. Thứ hai là thanh toán toàn bộ các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đang chờ quyết toán; dự án đã quyết toán đang còn thiếu vốn; dự án hoàn thành trong kế hoạch 2023. Đây chính là yếu tố để cho "tiền đi ngay" và tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ông Đức cũng nhấn mạnh giải pháp mạnh nhất, căn cơ nhất vẫn nằm ở chính sự quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện.

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công: Nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn

Tờ Lao động nhấn mạnh: "Thúc đẩy đầu tư công rất cần các cấp, các ngành phải nhanh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn". Chỉ khi có 3 cái "hơn" này, một nguồn lực quan trọng mới thật sự trở thành động lực cho phát triển.

Tờ Hà Nội mới bình luận, thực tế đã cho thấy, với dự án có tỷ lệ giải ngân vốn thấp, rõ ràng, cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát, cụ thể, chưa tập trung xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc. Dự án đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa cao, sự phối hợp thiếu chặt chẽ, kịp thời. Do đó, để đạt được mục tiêu giải ngân 95%, tinh thần kỷ luật, kỷ cương, tinh thần quyết tâm và quyết liệt hành động, phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cá nhân… càng phải được đề cao.

Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm lớn tới thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho những dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, đề xuất bổ sung cơ chế, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu…

Nhờ vậy, nhiều nút thắt được xử lý, tiến độ nhiều công trình quan trọng được đẩy nhanh, nhất là trong giai đoạn nửa cuối năm 2022.

Tại hội nghị đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công diễn ra trong tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục rà soát vướng mắc về thủ tục pháp lý, lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để giải quyết và cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà.

Theo Ban Thời sự

VTV

Trở lên trên