Thúc đẩy giải ngân đầu tư công - Chuyện không chỉ của cuối năm
Cách đây ít ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nghiêm khắc kiểm điểm và tự nhận hạ một bậc thi đua, không nhận xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.
- 11-02-2023Chậm sửa Thuế Thu nhập cá nhân: Chờ đến bao giờ?
- 11-02-2023Malaysia công bố kết quả tăng trưởng năm 2022, cao hơn Việt Nam, Singapore và Indonesia
- 11-02-2023Phê duyệt Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040
Lý do theo ông là bắt nguồn từ tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM trong cả năm 2022 chỉ đạt 68% so với chỉ tiêu đề ra. Điều này một lần nữa cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến chủ trương giải ngân vốn đầu tư công và cần có những cách làm mới trong vấn đề này.
Tại hội nghị tổng kết tình hình kinh tế xã hội tháng 1 và triển khai nhiệm vụ tháng 2/2023 diễn ra cách đây ít ngày, bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM cho biết, kết thúc niên độ năm 2022, TP.HCM chỉ giải ngân được khoảng 68% chỉ tiêu vốn đầu tư công, tương đương với khoảng 25.500 tỷ đồng. Con số này tuy có cao hơn năm 2021 hơn 5700 tỷ đồng nhưng vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch đề ra từ đầu năm là 95% trong tổng số hơn 37.000 tỷ đồng được giao.
Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM cho biết thêm, tình trạng giải ngân đầu tư công không đạt diễn ra ở hầu hết các đơn vị được giao vốn lớn như Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, Ban quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và một số địa phương … Đáng chú ý, có một số chủ đầu tư giải ngân 0 đồng trong suốt năm 2022.
Trước thực tế đó, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: "Tôi, chị Mai, phó giám đốc phụ trách đầu tư công, các trưởng ban các ban lớn và người đứng đầu các chủ đầu tư giải ngân 0 đồng thì không được xếp loại xuất sắc trong năm 2022, cá nhân tôi tự nhận giảm bậc. Chúng ta phải nghiêm túc thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng, của Ủy ban về giải ngân đầu tư công. Chúng ta phải siết kỷ cương kỷ luật đối với đầu tư công vì đây là một cái dẫn dắt quan trọng cho đầu tư xã hội".
Nguyên nhân khách quan khiến cho tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của TP.HCM không đạt như kế hoạch đề ra là do những diễn biến bất lợi của dịch COVID-19, tình hình địa chính trị trên thế giới có nhiều bất ổn, lạm phát có dấu hiệu lan rộng ở nhiều quốc gia…tuy nhiên, yếu tố chủ quan cũng xuất phát từ công tác quản lý, phối hợp của các sở ngành, chủ đầu tư còn chưa tốt, còn tâm lý e ngại sợ trách nhiệm của một số cá nhân tập thể.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương – phó viện trưởng viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng phân tích thêm: "Về chính tài khóa của chúng ta là đúng nhưng về thực thi thì TP.HCM vướng rất nhiều về vấn đề đền bù giải tỏa, giá xăng dầu tăng dẫn đến giá đầu vào tăng khiến cho các nhà thầu gặp khó khi thực hiện các dự án nhóm công.
Hiện nay chúng ta chưa có hành lang pháp lý mà vẫn phải thông qua các bộ ngành tới lui mà không ra được một cơ chế cho TP.HCM. Tôi nghĩ rằng với bối cảnh năm nay có nhiều biến động từ kinh tế thế giới thì để đạt được chỉ tiêu giải ngân năm nay là rất thử thách".
Năm 2023, TP.HCM được giao kế hoạch vốn là hơn 70.000 tỷ đồng, trong đó riêng phần ngân sách địa phương là hơn 55.000 tỷ đồng cao gấp đôi so với kế hoạch năm 2022. Ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, đây thực sự là một thử thách cho công tác điều hành và triển khai các dự án đầu tư công nếu nhìn vào kết quả giải ngân năm trước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các tập thể, cá nhân của thành phố phát huy được tính năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm để có thể thực hiện được kế hoạch phát triển hạ tầng, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội XI Đảng bộ TP.HCM đã đề ra.
Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu: "Chúng ta phải khởi động nhanh những hoạt động đòi hỏi sự điều hành, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt và phải cụ thể hơn. Phân cấp, giao quyền, siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả các hoạt động công vụ. Vừa tập trung thúc đẩy nhiệm vụ thường xuyên và ứng phó với những cấp bách có thể xảy ra. Chú trọng nhân tố quan trọng nhất của chúng ta là đầu tư xã hội".
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu năm vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cho biết, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là rất lớn với tổng kế hoạch vốn vào khoảng 700.000 tỷ đồng. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương cần phải khẩn trương triển khai các giải pháp giải ngân vốn ngay từ đầu năm, tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm.
Cần khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; các Bộ ngành địa phương cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn…
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: "Phải nắm chắc tình hình thực tế, bám sát những chủ trương, đường lối pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của các cấp, để trên cơ sở đó có phản ứng chính sách kịp thời sát với thực tiễn, nhất là từ những biến động bên ngoài, rồi những cái khó khăn, thách thức từ bên trong.
Tuyệt đối không lơ là, chủ quan mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang dao động, thiếu tự tin, phải luôn luôn bình tĩnh chủ động, linh hoạt sáng suốt tháo gỡ những khó khăn, vượt qua những thách thức, để thực hiện các mục tiêu chúng ta đã đề ra; phát huy tinh thần đoàn kết kỷ luật, kỷ cương, chung sức đồng lòng đề cao trách nhiệm và tinh thần và tính chủ động sáng tạo của người đứng đầu ở các cấp…"
Thoát khỏi lối mòn “èo uột đầu năm, tấp nập cuối năm”
Có thể thấy việc người đứng đầu chính quyền TPHCM chủ động tự phê bình và nhận trách nhiệm của người đứng đầu khi chưa hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công là điều khá mới mẻ. Tuy vậy, việc nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công không chỉ dừng ở đó mà cần có nhiều cách làm mới, tư duy mới của cả hệ thống chính trị.
Ảnh minh họa: baochinhphu.vn
Câu chuyện về tiến độ và hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công từ lâu đã không phải là điều gì quá mới mẻ. Dù luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phát triển kinh tế- xã hội song công tác giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua lại có dấu hiệu đi vào lối mòn với điệp khúc “èo uột, ảm đảm đầu năm, ồn ào, tấp nập vào cuối năm”.
Đáng tiếc thay, điệp khúc này một lần nữa đã khiến TP.HCM cùng một số bộ ngành, địa phương khác đã không thể hoàn thành mục tiêu đề ra.
Việc chủ tịch UBND TP.HCM nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm vai trò người đứng đầu và tự xin hạ bậc thi đua vì chưa hoàn thành nhiệm vụ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 có thể được xem là một điểm sáng trong đời sống chính trị nước ta. Việc này sẽ tạo ra một tiền lệ cần thiết về ý thức tự giác, lòng tự trọng của đội ngũ cán bộ công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nói chung, giải ngân vốn đầu tư công nói riêng trong thời gian tới.
Với những gì đã diễn ra trong năm 2022 cùng với chỉ tiêu được giao xấp xỉ 10% tổng mức đầu tư của cả nước trong năm nay thì không khó để nhận ra TP.HCM còn quá nhiều việc cần làm và phải làm ngay từ đầu năm nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ.
Đầu tiên là siết chặt kỷ cương trong quản lý điều hành, nỗ lực hơn trong cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác phối kết hợp giữa các đơn vị để nâng cao hiệu quả trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, rút ngắn thủ tục đầu tư, tiến tới đẩy nhanh tiến độ dự án, nâng cao hiệu quả giải ngân nhưng không được bỏ qua yếu tố chất lượng công trình.
Bên cạnh đó, từ tiền lệ của Chủ tịch UBND TP.HCM thì cần định tính, định lượng công việc chi tiết cụ thể công khai đối với từng tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác giải ngân vốn. Việc này vừa giúp công tác giám sát của người dân được thuận lợi, vừa là cơ sở để thực hiện chủ trương “xử lý trách nhiệm người đứng đầu”.
Ở một khía cạnh khác, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu đề xuất một cơ chế đặc thù cho TP.HCM trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, qua đó tạo tiền đề hấp thu nhiều hơn nữa nguồn lực đầu tư từ xã hội, giúp địa phương này phát huy tốt hơn vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước.
Không chỉ vậy, các bên liên quan cần thực hiện nghiêm kết luận số 14 của Bộ Chính Trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Việc này nếu làm tốt sẽ xua tan tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm đã và đang tồn tại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ làm công tác giải ngân vốn.
Chỉ khi nào đẩy lùi được cách làm thụ động, quan liêu, cứng nhắc, thúc đẩy được tư duy sáng tạo, khuyến khích động viên kịp thời những cá nhân tổ chức dám nghĩ dám làm thì khi ấy công tác giải ngân vốn đầu tư công mới có cơ hội thoát khỏi lối mòn “èo uột đầu năm, tấp nập cuối năm”.
VOV