Thúc đẩy kinh tế cửa khẩu
Dư địa phát triển của Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là rất lớn để tỉnh Tây Ninh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Để sớm đánh thức tiềm năng này, rất cần sự quan tâm, định hướng của trung ương.
- 11-10-2023Hai địa phương lần đầu lọt CLB "tỷ đô vốn FDI" đang có tình hình kinh tế ra sao 9 tháng đầu năm?
- 10-10-2023Kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục
- 10-10-2023Đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế (*): Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, phát triển Khu Kinh tế (KKT) cửa khẩu Mộc Bài góp phần mở rộng không gian phát triển cho TP HCM và vùng Đông Nam Bộ gắn với củng cố quốc phòng - an ninh và đối ngoại của quốc gia.
Đóng góp nhiều nhưng chưa tương xứng
Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam, trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, nằm ngay trên trục đường Xuyên Á (Quốc lộ 22A), cách TP HCM 70 km và thủ đô Phnom Penh - Campuchia 170 km. Với quy mô trên 21.000 ha, KKT cửa khẩu Mộc Bài có diện tích lớn nhất khu vực châu Á, đứng thứ tư thế giới.
Thời gian qua, KKT cửa khẩu Mộc Bài đã thu hút 56 dự án đầu tư, trong đó có 19 dự án FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) và 37 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký lần lượt 401 triệu USD và 8.600 tỉ đồng. Đến nay, 33 dự án đã đi vào hoạt động, gồm 11 dự án FDI và 22 dự án vốn đầu tư trong nước. Tổng diện tích đất các dự án đăng ký sử dụng khoảng 1.900 ha.
Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài
Năm 2015, KKT cửa khẩu Mộc Bài nộp ngân sách 150 tỉ đồng, đến năm 2021 tăng lên 353 tỉ đồng - chiếm khoảng 3,5% tổng thu ngân sách toàn tỉnh Tây Ninh. Trong đó, phí qua lại biên giới được HĐND tỉnh thông qua, áp dụng từ năm 2014 và số thu không ngừng tăng lên qua từng năm. Cụ thể, năm 2014 thu trên 44 tỉ đồng, năm 2015: 129 tỉ, năm 2020: 218 tỉ và năm 2021: 254 tỉ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu Mộc Bài không ngừng tăng, năm 2005 khoảng 53 triệu USD, năm 2010: 120 triệu, năm 2015: 355 triệu và đến năm 2021 vọt lên 629 triệu USD. KKT này giải quyết việc làm cho khoảng 18.000 lao động; số lượt người qua lại cửa khẩu bình quân mỗi năm trên 2 triệu lượt…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, khẳng định qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, KKT cửa khẩu Mộc Bài đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển chung của tỉnh. Quan hệ giao thương với các nước ASEAN thông qua hoạt động xuất nhập khẩu ở Mộc Bài ngày càng được mở rộng; nhiều người dân được giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; góp phần bảo đảm an ninh trật tự khu vực cửa khẩu này cũng như biên giới Tây Ninh.
Tuy nhiên, KKT cửa khẩu Mộc Bài chưa phát triển như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đóng góp của KKT này vào nền kinh tế của Tây Ninh không tương xứng với quy mô của nó.
Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng nhận xét trong 26 KKT cửa khẩu cả nước, 3 nơi phát triển rất tốt là Lạng Sơn, Móng Cái và Lào Cai. Số còn lại, phần lớn chưa phát huy được tiềm năng, trong đó có KKT cửa khẩu Mộc Bài.
Còn nhiều dư địa phát triển
Theo các chuyên gia, KKT cửa khẩu Mộc Bài có địa hình tương đối bằng phẳng, địa chất tốt, ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, rất thuận lợi cho việc hoạch định chiến lược phát triển mới. Đặc biệt, KKT này đã được trung ương quan tâm đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 về phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chỉ ra rằng sau hơn 20 năm thành lập, KKT cửa khẩu Mộc Bài mới sử dụng khoảng 9% trong tổng số hơn 21.000 ha mặt bằng. Nghĩa là, nhiều diện tích vẫn ở dạng tiềm năng, phần lớn còn là ý tưởng quy hoạch và kỳ vọng ở tương lai.
TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng trong bối cảnh hạ tầng kinh tế - xã hội tại TP HCM và các trung tâm công nghiệp phía Nam đang quá tải, rất cần mở rộng không gian phát triển theo kiểu "đàn sếu bay". Làn sóng phát triển cần được lan tỏa theo kiểu trung tâm - vệ tinh trong một chuỗi liên kết trải rộng trên các địa bàn không gian rộng hơn. Hiện nay, ĐBSCL đối mặt nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên việc phát triển công nghiệp về vùng cao hơn là cần thiết và KKT cửa khẩu Mộc Bài là sự lựa chọn hợp lý.
Số người qua lại cửa khẩu Mộc Bài bình quân mỗi năm trên 2 triệu lượt
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, đánh giá KKT cửa khẩu Mộc Bài có vai trò rất quan trọng trong giao thương kinh tế giữa vùng Đông Nam Bộ với Campuchia. Do đó, Becamex đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tây Ninh, đề xuất mở tuyến đường 10 làn xe để kết nối công nghiệp giữa tỉnh này với Bình Dương. Tuyến đường này nếu được thực hiện sẽ kết nối từ huyện Bàu Bàng, huyện Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương với KKT cửa khẩu Mộc Bài qua huyện Dương Minh Châu của tỉnh Tây Ninh.
"Tuyến đường này sẽ đi qua một số khu công nghiệp, từ đó kết hợp phát triển các khu công nghiệp đô thị - dịch vụ tại Tây Ninh. Ngoài ra, Becamex còn nghiên cứu, triển khai đầu tư dự án khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ trên địa bàn Tây Ninh" - ông Phạm Ngọc Thuận gợi mở.
Cần cơ chế, chính sách ưu đãi
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết địa phương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ cho bổ sung nội dung liên quan quy hoạch thúc đẩy phát triển KKT cửa khẩu Mộc Bài vào nội dung trọng điểm chỉ đạo điều phối của hội đồng cũng như của Chính phủ.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc đề đạt: "Trung ương cần nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội để tạo điều kiện cho KKT cửa khẩu Mộc Bài phát triển đột phá theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh và bền vững; ưu đãi về đất đai, đầu tư; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp đầu đàn".
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, có nhiều lý do để đẩy mạnh phát triển KKT cửa khẩu Mộc Bài. Bởi lẽ, Mộc Bài nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế năng động, có tốc độ phát triển nhanh với đầu tàu là TP HCM. Khi kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành với KKT cửa khẩu Mộc Bài sẽ hình thành bộ ba cửa khẩu - cảng quan trọng, hội đủ yếu tố đường biển - đường hàng không và đường bộ của vùng.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng để thúc đẩy KKT cửa khẩu Mộc Bài phát triển, việc cần làm đầu tiên là sớm hoàn thành tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài. Đây là dự án giao thông quan trọng, huyết mạch, mang tính chiến lược về kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của vùng và quốc gia.
Dự án tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung tuyến đường này vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Tây Ninh đang chủ động, tích cực phối hợp với TP HCM hoàn tất thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Ngoài việc đầu tư tuyến cao tốc, để tăng cường kết nối chặt chẽ, đồng bộ về hạ tầng, ông Nguyễn Thanh Ngọc còn kiến nghị nghiên cứu hình thành tuyến đường sắt tốc độ cao Mộc Bài - TP HCM. Ngoài ra, nghiên cứu, sớm xúc tiến quy hoạch sân bay Tây Ninh trở thành cảng hàng không, sân bay dân dụng vệ tinh, nhằm giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng như kết nối Khu Du lịch quốc gia núi Bà Đen với các điểm du lịch trong nước và quốc tế...
Phát triển theo hướng xanh, bền vững
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng cần hướng tới phát triển KKT cửa khẩu Mộc Bài theo mô hình KKT đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, trọng tâm là hình thành trung tâm công nghiệp - đô thị - thương mại dịch vụ và logistics.
KKT cửa khẩu Mộc Bài cần phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp kết nối và đổi mới sáng tạo; xây dựng khu đô thị sinh thái, đáng sống, thông minh, vừa có đẳng cấp quốc tế, hội nhập vừa mang bản sắc Việt Nam. Bên cạnh đó, hình thành trung tâm dịch vụ cửa khẩu thông minh, hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ và logistics, nơi trung chuyển giao thương quốc tế của Tiểu vùng sông Mê Kông, kết hợp với phát triển các lĩnh vực tài chính, du lịch, nông - lâm nghiệp và nhiều ngành kinh tế khác.
Người lao động