Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng mật mã, an toàn thông tin vào chuyển đổi số tại Việt Nam
Quy tụ nhiều chuyên gia uy tín trong và ngoài nước, hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng Mật mã và An toàn thông tin - CryptoIS 2022” sẽ được Học viện Kỹ thuật Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì tổ chức ngày 28/4.
- 25-04-2022Kinh doanh bán hàng online đóng thuế thu nhập cá nhân như thế nào?
- 25-04-2022Cần chính sách dài hơi để phát triển kinh tế số
- 24-04-2022Đây là 5 công nghệ trong ngành vũ trụ nhưng đang được ứng dụng trong sản xuất xe hơi
Được tài trợ chính bởi Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup - VINIF, hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng Mật mã và An toàn thông tin - CryptoIS 2022” diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội, kết hợp với trực tuyến qua nền tảng số.
Theo Ban tổ chức, cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số, các cuộc tấn công vào hệ thống mạng, đánh cắp thông tin, làm lộ lọt, xuyên tạc thông tin… đang diễn ra hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn cho mỗi quốc gia. Vì vậy, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Diễn ra trong bối cảnh đó, hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng Mật mã và An toàn thông tin - CryptoIS 2022” hướng tới mục tiêu tạo dựng và phát triển môi trường trao đổi học thuật, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng về mật mã, an toàn thông tin tại Việt Nam.
Phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ mật mã và tạp chí An toàn thông tin tổ chức sự kiện này, Học viện Kỹ thuật mật mã muốn kết nối và hình thành cộng đồng các cơ sở nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về mật mã, an toàn thông tin; khẳng định tầm quan trọng của mật mã và an toàn thông tin trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số.
Theo các chuyên gia, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. (Ảnh minh họa: Antoanthongtin.vn)
Hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng Mật mã và An toàn thông tin - CryptoIS 2022” là diễn đàn cho các học giả trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi và trình bày các công trình khoa học và kết quả nghiên cứu mới của bản thân về những lĩnh vực liên quan; tạo cơ hội tăng cường, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa Học viện Kỹ thuật mật mã với các trường đại học trong khu vực và quốc tế.
Các diễn giả tại hội thảo là những chuyên gia hàng đầu thế giới và Việt Nam, họ sẽ trình bày những nghiên cứu mới nhất giúp định hướng và tìm kiếm ý tưởng cho cộng đồng nghiên cứu tại Học viện nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cụ thể, các diễn giả chính gồm có: Tiến sĩ Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, với tham luận “An toàn thông tin cho chuyển đổi số”; Giáo sư Phan Dương Hiệu, Trưởng nhóm An ninh mạng - Mật mã tại Viễn thông Paris thuộc trường Bách khoa Paris, trình bày báo cáo “Hướng tới mật mã phi tập trung”; Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ, mang đến báo cáo “Xây dựng khung kiến trúc tham chiếu bảo mật thông tin cho chính phủ điện tử Việt Nam”; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện trưởng Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia TP.HCM với tham luận về “An toàn thông tin và Trí tuệ nhân tạo”; Tiến sĩ Nguyễn Khoa, Giảng viên Cao cấp Khoa Máy tính và Công nghệ Thông tin - Đại học Wollongong (Úc), trình bày báo cáo “Tổng quan về mật mã hậu lượng tử”.
Theo kế hoạch, trong ngày 28/4, bên cạnh 5 báo cáo mời, hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng Mật mã và An toàn thông tin - CryptoIS 2022” còn có 2 phiên thảo luận song song về 2 chủ đề mật mã và an toàn thông tin với sự chủ trì của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và các diễn giả khách mời từ nước ngoài.
ICT News