Thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt: Tốt cho tất cả các bên
Mặc dù chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu cho thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là rất tốn kém, nhưng bù lại ngân hàng sẽ được hút thêm một nguồn tiền gửi thanh toán khổng lồ với chi phí thấp.
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Thủ tướng chính phủ mới đây ban hành quyết định số 2545/QĐ-TT về Phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016- 2020, với những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho các bên liên quan.
Cụ thể, đến cuối năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt; thực hiện mục tiêu của kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 (100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại có thể chấp nhận thiết bị thẻ…); tập trung phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020…
Thực tế, quyết định 2545 phần nào là một bước tiếp nối ở mức độ cao hơn của quyết định số 291/2006/QĐ ngày 29/12/2006 phê duyệt đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020. Ví dụ theo quyết định 291, đến năm 2020 phấn đấu đạt tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán khoảng 15% (theo quyết định 2525 là thấp hơn 10%), và tỷ lệ các siêu thị trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ khoảng 95% (theo quyết định 2525 là khoảng 100%). Điều này cho thấy quyết tâm của chính phủ trong việc thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt ở Việt Nam.
Lợi ích của thanh toán không sử dụng tiền mặt
Thanh toán không sử dụng tiền mặt trước hết giúp giảm chi phí giao dịch. Riksbank, Ngân hàng trung ương Thụy Điển, nước đã hầu như không sử dụng tiền mặt, từng có một nghiên cứu vào năm 2012 cho thấy thẻ ghi nợ (debit card) là phương tiện thanh toán rẻ nhất so với thẻ tín dụng (credit card) và tiền mặt. Hơn thế, càng tăng cường sử dụng thẻ ghi nợ so với sử dụng tiền mặt thì hiệu quả của hệ thống thanh toán càng tăng lên, càng giúp giảm chi phí giao dịch bằng thẻ ghi nợ. Một số nghiên cứu ở các nước như Đan Mạch cũng cho kết quả tương tự.
Hình thức thanh toán qua thẻ ghi nợ là rẻ nhất bởi cơ cấu chi phí khác nhau giữa các thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và tiền mặt. Với thẻ ghi nợ, chi phí gồm thực hiện giao dịch, công nghệ thông tin và viễn thông, dịch vụ khách hàng, ủy quyền thanh toán và sao kê/kiểm tra. Chi phí cho thẻ tín dụng gồm marketing, đánh giá tín nhiệm, dịch vụ khách hàng và các chương trình thưởng... Chi phí cho tiền mặt gồm in ấn, vận chuyển, gửi vào, rút ra, chi phí nhân lực liên quan đến kiểm đếm cuối ngày, quản lý… Ngoài ra thanh toán tiền mặt còn làm phát sinh thêm những chi phí gián tiếp như bảo hiểm cho giao dịch bằng tiền mặt, thiệt hại khi hệ thống thanh toán bằng tiền mặt bị trục trặc, ách tắc và thất thoát từ thu ngân, và khả năng bị cướp…
Khi hệ thống thanh toán bị chi phối chủ yếu bởi tiền mặt thì tất cả những chi phí liên quan nói trên sẽ được tính đầy đủ và rốt cuộc làm đội giá hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng phải trả, cao hơn mức đáng lẽ ra họ phải trả khi dùng thẻ, nhất là thẻ ghi nợ. Hơn nữa chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt thì không chỉ người tiêu dùng mà tất cả các bên liên quan đều có lợi.
Với người bán hàng hóa và dịch vụ, lợi ích này đến từ việc người tiêu dùng do mua hàng hóa, dịch vụ với giả rẻ hơn nên nhu cầu mua sẽ cao hơn, dẫn đến doanh số tiêu thụ lớn hơn, lợi nhuận cao hơn. Chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt làm cho việc giao dịch trở nên nhanh gọn, an toàn, và có chi phí tổng thể thấp hơn so với nhận thanh toán bằng tiền mặt, làm cho lợi nhuận người bán cũng vì thế mà tăng lên.
Với hệ thống ngân hàng, khối lượng giao dịch hưởng phí sẽ tăng tỷ lệ thuận với việc chuyển sang thanh toán không sử dụng tiền mặt. Mặc dù chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu cho thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là rất tốn kém, nhưng bù lại ngân hàng sẽ được hút thêm một nguồn tiền gửi thanh toán khổng lồ với chi phí thấp, đồng thời chi phí cho mỗi giao dịch sẽ giảm đi khi khối lượng giao dịch tăng lên, cũng giúp ngân hàng tăng lợi nhuận từ các dịch vụ thanh toán.
Với quốc gia, chi phí giao dịch giảm đi và lưu chuyển tiền tệ tăng lên sẽ giúp nền kinh tế cải thiện tính hiệu quả, tăng thêm sức cạnh tranh, thúc đẩy tiêu dùng xuất khẩu và gia tăng các hoạt động kinh tế, cải thiện tăng trưởng GDP, tạo thêm công ăn việc làm, tăng nguồn thu từ thuế. Thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy sự ra đời của các công ty sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán, tạo thêm những dịch vụ gia tăng như phân tích hành vi tiêu dùng qua dữ liệu chi tiêu bằng thẻ, đối thoại trực tiếp với khách hàng, từ đó xây dựng các chương trình bán hàng, khuyến mãi nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh nói chung. Quan trọng không kém, các hành vi như trốn thuế, rửa tiền và các hoạt động xã hội đen... cũng trở nên khó thực hiện hơn trong một xã hội không sử dụng tiền mặt, nhờ đó nhà nước có thể nâng cao hiệu quả quản lý và thu thuế, đồng thời cũng tăng tính hấp dẫn với đầu tư nước ngoài.
Thách thức trong phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt
Tuy thanh toán không sử dụng tiền mặt có nhiều lợi ích như vậy nhưng không mấy xã hội cơ bản chuyển sang không sử dụng tiền mặt như Thụy Điển bởi việc này vấp phải một số thách thức và trở ngại lớn.
Thứ nhất, thanh toán không dùng tiền mặt đòi hỏi phải có hệ thống cung cấp điện ổn định và đáng tin cậy, một cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn bị, sự ủng hộ, cổ vũ về văn hóa xã hội, và một khuôn khổ pháp luật hoàn chỉnh để đảm bảo một hệ thống thanh toán điện tử hiệu quả và thông suốt. Cũng vì thiếu vắng những yếu tố này mà ở những quốc gia như Nigeria, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực đẩy mạnh thanh toán điện tử trong một chiến lược có tầm nhìn đến năm 2020 ít nhiều tương tự như ở Việt Nam, nhưng thực tế cho thấy mức độ sử dụng tiền mặt còn rất cao.
Thứ hai, thanh toán không dùng tiền mặt làm dấy lên lo ngại về tính an toàn và bảo mật của từng giao dịch, vì thông tin có thể bị “hack” và được sử dụng như các mục đích xấu.
Thứ ba, hầu như ở xã hội nào, phát triển đến đâu cũng còn một bộ phận không nhỏ không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Ví dụ ở Mỹ, 20% hộ gia đình tuy có tài khoản ngân hàng nhưng lại được sử dụng cho các dịch vụ tài chính bên ngoài hệ thống ngân hàng, và 29% dân Mỹ không có thẻ tín dụng vào năm 2014. Do đó áp dụng triệt để ngay việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tác động không nhỏ tới cuộc sống của những người như vậy.
Với những thách thức và trở ngại như trên, việc thúc đẩy phát triển từng bước với các đối tượng mang tính lựa chọn như trong đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam là điều thận trọng, cần thiết để đảm bảo khả năng thực thi của nó.