MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực hư hãng gọi xe thuần Việt áp chiết khấu 35% với tài xế

Ứng dụng gọi xe thuần Việt – Be có mặt trên thị trường đã được một tuần, cuộc cạnh tranh trên thị trường này thêm gay gắt nhưng nhiều tài xế băn khoăn với mức tính chiết khấu 35%?

Ứng dụng gọi xe thuần Việt Be vừa ra đời đã phần nào tạo nên hiệu ứng trên thị trường. Theo đó, hãng này với đồng phục vàng (áo vàng, mũ bảo hiểm vàng) đã nhanh chóng có mặt trên thị trường, cạnh tranh với các ứng dụng khác như Grab (đồng phục xanh) và Go-Viet (đồng phục đỏ)…

Ông Bình (ngụ quận 8, TP HCM) vừa đăng ký là đối tác tài xế chạy xe ôm Be-Bike cho ứng dụng Be, cho biết ứng dụng này ra sau nhưng đưa ra mức chiết khấu cao nên khó thu hút tài xế. Khi thấy hãng mới, nhiều anh em tài xế trao đổi với nhau để chọn ứng dụng nào giữa Grab - Go-Viet - Be..., nhưng không ít người nghe mức chiết khấu cao đã rút lui.

Hiện tại, về chiết khấu tài xế của Grabbike đang áp dụng là 20%, trong khi GoViet chưa thu phần này, trong khi Be vừa ra mắt lại gây sốc ở phần chiết khấu thu đến 35% - theo lời các tài xế xe ôm Be.

Thực hư hãng gọi xe thuần Việt áp chiết khấu 35% với tài xế - Ảnh 1.

Đại diện Be Group khẳng định chiết khấu cho đối tác tài xế của hãng là 25%. Ảnh: Thái Phương

Ông Tâm (ngụ quận 4) vừa tham gia với Be, cho biết khách đặt xe cũng khá nhiều do được hãng xe này khuyến mãi thường xuyên ở mức cao. "Nhưng tính tới tính lui cũng thấy chưa thật sự hấp dẫn vì có nhiều khách nhưng bị hãng này chiết khấu cho tài xế lên đến 35% là quá cao so với các hãng khác" - ông Tâm thắc mắc.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện Công ty công nghệ Be Group, giải thích Be đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, một điểm khác biệt rất lớn so với các ứng dụng gọi xe hiện nay trên thị trường. Be có hoạt động hợp tác kinh doanh với các đối tác có đủ điều kiện kinh doanh vận tải để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Và theo quy định của Luật thuế GTGT hiện hành, đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam. Dịch vụ vận tải mà Be cung cấp sẽ là đối tượng chịu thuế với mức thuế suất GTGT hiện hành là 10% tính trên giá bán ra của hàng hóa, dịch vụ chưa có thuế giá trị gia tăng.

Với quy định này, thuế GTGT là thuế gián thu, người mua hàng hóa, dịch vụ cuối cùng phải chịu, giá bán dịch vụ đã bao gồm loại thuế này, người bán hàng hóa dịch vụ phải khai và nộp cho nhà nước.

"Do đó, thông tin tài xế phải chi trả 35%-36% chiết khấu là chưa chính xác. Bởi sau khi Be giữ lại phần nghĩa vụ nộp thuế GTGT 10% để nộp cho nhà nước, các bên chia sẻ kết quả kinh doanh còn lại sau thuế, trong đó chiết khấu dành cho đối tác tài xế là 25% (26,125% nếu tính luôn thuế thu nhập cá nhân) dành cho cả beBike và beCar, chứ không phải chiết khấu mức 35%" - đại diện Be Group khẳng định.

Chạy taxi công nghệ ngày càng "chua"

Việc thị trường có thêm nhiều ứng dụng gọi xe (cả xe ôm và taxi) khiến cạnh tranh thêm gay gắt. Các hãng thường xuyên giảm giá, khuyến mại để kéo khách giúp khách hàng hưởng lợi, nhưng tài xế lại than phiền thu nhập giảm. Anh Minh, tài xế chạy Grabcar, cho biết trước đây anh chạy cho Uber, sau khi hãng này rời khỏi Việt Nam, anh chuyển sang Grab nhưng gần đây thu nhập ngày càng giảm vì cạnh tranh.

"Chiết khấu hiện tại của Grab với tài xế ôtô khoảng 26,5%, trong khi các ứng dụng gọi xe ra sau hoặc chưa hoàn thiện, chưa có nhiều khách hoặc chiết khấu cũng không thấp hơn... Tôi thấy chạy taxi công nghệ giờ ngày càng "chua" quá" – anh Minh chia sẻ.

Theo Linh Anh - Nguyễn Hải

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên