MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực hư thông tin 8.000 doanh nghiệp ở Bình Dương phải giải thể

Thực hư thông tin 8.000 doanh nghiệp ở Bình Dương phải giải thể

Tại buổi họp báo do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức chiều nay (4/4), cơ quan chức năng cho biết, thông tin mạng xã hội cho rằng có 8.000 doanh nghiệp trên địa bàn giải thể do khó khăn là sai sự thật, gây hoang mang.

Liên quan đến thông tin đăng tải trên mạng xã hội cho rằng tại Bình Dương có đến 8.000 doanh nghiệp giải thể do khó khăn, ông Phạm Văn Tuyên - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Bình Dương khẳng định thông tin trên là sai sự thật.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bình Dương cho hay, tính từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có trên 600 doanh nghiệp giải thể, hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể trong năm 2022 thấp hơn so với năm trước.

Thực hư thông tin 8.000 doanh nghiệp ở Bình Dương phải giải thể - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên thông tin tại họp báo.

Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh chậm nộp, trốn tránh hoặc trì hoãn việc đóng bảo hiểm cho người lao động . Thậm chí, có nhiều trường hợp doanh nghiệp nợ đọng kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi giải quyết các chế độ. Một số doanh nghiệp chỉ nộp được một phần số nợ bảo hiểm, tiền chậm nộp chưa có khả năng nộp tiếp.

Về nguyên nhân, Bảo hiểm xã hội Bình Dương cho hay, qua nắm bắt thông tin về phía doanh nghiệp cho thấy, bị ảnh hưởng do dịch bệnh, khó khăn về tài chính dẫn đến tình trạng sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nguồn tài chính hạn hẹp. Một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất mới, năng lực cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, sản xuất dẫn đến thua lỗ, không có tiền để trích nộp.

Theo cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, hiện nay tổng số nợ đến thời điểm 31.3 là 949,6 tỷ đồng, trong đó có 818 đơn vị nợ trên 6 tháng với số tiền 175,75 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 838 đơn vị trong tình trạng giải thể, phá sản… nợ 145,2 tỷ đồng (chiếm 15,2 % tổng nợ).

Thực hư thông tin 8.000 doanh nghiệp ở Bình Dương phải giải thể - Ảnh 2.

Để thu nợ, cơ quan bảo hiểm xã hội Bình Dương đã áp dụng biện pháp tuyên truyền vận động, gửi văn bản nhắc nhở, phối hợp với các ngành xử lý nợ bảo hiểm kéo dài.

Trong tháng 3, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đã thực hiện gửi 3.171 lượt văn bản yêu cầu đơn vị đóng bảo hiểm cho người lao động, thu hồi nợ được 114,5 tỷ đồng. Lũy kế đến tháng 3/2023 có 6.202 lượt văn bản đôn đốc và thu hồi nợ, sau đôn đốc được 194 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội Bình Dương đã phối hợp với ngành công an làm việc trong công tác thu nợ bảo hiểm đối với 29 đơn vị nợ (tổng lao động là 244 người) trên địa bàn toàn tỉnh, tổng số tiền nợ là 2,6 tỷ đồng, thu hồi được số tiền nợ 743 triệu đồng (có 21/29 đơn vị khắc phục tiền nợ), đạt tỷ lệ thu hồi là 29,11%. Trong 3 tháng đầu năm 2023 tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất 23 đơn vị.

Theo Hương Chi

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên