Thuế quan mà ông Trump áp dụng sẽ vô dụng trong cuộc chiến với Trung Quốc?
Nếu Tổng thống Trump tiếp tục lạm dụng quyền lực trong lĩnh vực thương mại, nước Mỹ sẽ phải trả giá đắt trong bốn năm nhiệm kỳ của ông.
- 27-04-2017Có gì trong kế hoạch thuế mới nhất của Tổng thống Donald Trump
- 26-04-2017Tổng thống Trump sắp công bố kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 15%
- 12-03-2017Trung Quốc: Chiến tranh thương mại với Mỹ làm cả hai bên thiệt hại
Liệu thép hay nhôm nhập khẩu có phải là một mối đe doạ với an ninh quốc gia? Nhà Trắng có những nghi ngờ của riêng mình và có ý định thiết lập những quy chế phức tạp để điều tra những vấn đề này. Nếu kết quả điều tra cho thấy điều này là có khả năng, thì Tổng thống Donald Trump sẽ có quyền lực vô hạn trong việc cấm đoán và hạn chế nhập khẩu những mặt hàng trên.
Tuy nhiên, khác với những tuyên bố của chính quyền, giả thiết trên dường như chỉ là cái cớ để Trump áp dụng thuế quan ngoài hệ thống tranh chấp thương mại thông thường nhằm gây áp lực cho Trung Quốc.
Đây là một động thái không khôn ngoan. Thuế quan mới sẽ không khiến Trung Quốc thay đổi, nhưng ngược lại, sẽ tổn hại tới người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ. Thậm chí, điều này còn có thể đặt ra tiền lệ xấu cho những nhiệm kỳ sau.
Mỹ đã từng khiếu nại Trung Quốc cung cấp những khoản vay giá rẻ và trợ giá nguyên liệu đầu vào cho các nhà sản xuất nhôm với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bên cạnh đó, những người tiền nhiệm Trump cũng từng tố cáo 16 vụ việc liên quan tới thương mại chống lại Trung Quốc với WTO, và luôn chiếm ưu thế mỗi khi phán quyết được đưa ra.
Ngược lại, mục tiêu của Trump sẽ chỉ làm vấn đề xấu hơn. Trung Quốc đã cảnh báo sẽ trả đũa nếu Trump tăng thuế quan. Những quốc gia sản xuất khác có thể cũng sẽ làm điều tương tự, đe doạ đến các nhà xuất khẩu của Mỹ, kìm hãm sự phát triển và gây rối loạn thị trường tài chính. Thuế quan mới có lẽ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nền sản xuất mạnh mẽ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thuế quan mới sẽ góp phần đẩy giá tiêu dùng tại Mỹ, tổn hại tới các công ty sử dụng nguyên liệu đầu vào là thép và nhôm, và ảnh hưởng tới các nhà sản xuất có năng lực cạnh tranh kém. Trước đây, khi chính quyền của George W. Bush áp dụng thuế quan với thép vào năm 2002, giá cả tăng cao, gây tổn hại tới nhiều nhà sản xuất, “chọc giận” các đối tác thương mại và “xoá sổ” 200.000 việc làm. Rõ ràng, không có lý do gì để lặp lại sai lầm đó một lần nữa.
Lý do tăng thuế quan chính quyền Trump đưa ra cũng gây nhiều hoang mang. Chính quyền tuyên bố hành động này là để bảo vệ an ninh quốc gia theo Mục 232 thuộc Bộ luật Mở rộng Thương mại năm 1962. Tuy nhiên, điều này là bất hợp lý: Tổng lượng thép Bộ Quốc Phòng cần chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong sản lượng thép trong nước; bên cạnh đó, phần lớn lượng nhôm nhập khẩu tại Mĩ tới từ Canada, một quốc gia không phải là mối đe doạ tới an ninh của Mỹ.
Vậy tại sao chính quyền Trump lại lựa chọn biện pháp này? Một khả năng là Trump đang nhằm vào WTO. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông từng đe doạ sẽ rút khỏi WTO và khẳng định ông có thể sẽ không xem xét các quy định ràng buộc của tổ chức này.
Áp dụng ngoại lệ an ninh quốc gia tại WTO thường liên quan tới “lựa chọn hạt nhân”. Động thái này sẽ thúc đẩy tranh chấp thương mại song phương và làm suy yếu một hệ thống giải quyết tranh chấp đã được công nhận. Và đây dường như chính là điều mà chính quyền Trump mong đợi.
Vậy thì chính quyền Trump nên đối phó như thế nào với Trung Quốc? Câu trả lời là tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc tại WTO, bao gồm phủ nhận vị thế “nền kinh tế thị trường” của Trung Quốc cho tới khi quốc gia này giải quyết tình trạng thương mại bất công. Mạnh tay hơn khi xử lý những nhà xuất khẩu giảo hoạt của Trung Quốc cũng là một biện pháp tốt. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần lấp đầy những chỗ trống trong đội ngũ nhân viên thương mại liên bang.
Trên hết, điều cần làm rõ hiện nay là: Nếu Trump tiếp tục lạm dụng quyền lực trong lĩnh vực thương mại, nước Mỹ sẽ phải trả giá đắt trong bốn năm nhiệm kỳ của ông.