Thuốc gì trị bệnh 'trên nóng dưới lạnh' trong năm 2018?
Trò chuyện với Tiền Phong về thực trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên rải thảm, dưới rải đinh”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2018 Chính phủ quyết tâm khắc phục tình trạng trên. Theo đó, tất cả những trường hợp làm việc không hiệu quả, nhũng nhiễu, tiêu cực, “đánh võng” trong thực hiện nhiệm vụ sẽ bị thay thế, điều chuyển để dành vị trí cho người xứng đáng hơn.
Điều chuyển cán bộ yếu kém
Một trong những vấn đề được dư luận phản ánh nhiều trong thời gian qua là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, vậy năm 2018, Chính phủ sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Năm 2018, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết mà Trung ương đã ban hành thì Chính phủ cũng quan tâm đặc biệt đến vấn đề kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên chuyển dưới chưa chuyển. Cùng với đó là tình trạng, còn một bộ phận công chức không hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế về năng lực, yếu kém về đạo đức.
Thứ hai nữa là tranh thủ thời cơ để phát triển nhanh, bền vững, tạo ra chuyển động toàn bộ hệ thống. Năm 2017, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng với sự quyết tâm rất cao, sự cố gắng đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Niềm tin của thị trường, niềm tin của xã hội được nâng lên rất nhiều. Do đó, nếu chúng ta quyết tâm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới, thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2018 là hoàn toàn có thể đạt được. Không những thế, tăng trưởng ở đây là sự tăng trưởng bền vững, chất lượng.
Thủ tướng từng nói về việc Chính phủ kiến tạo phải thay ngay những cán bộ không làm được việc. Bộ trưởng cũng nói là để văn bản chạy nhanh thì cứ thay người. Trong hơn một năm hoạt động của tổ công tác, Bộ trưởng đã bao giờ tính đến việc phải có chế tài, kiến nghị thay người?
Doanh nghiệp nhà nước thoái vốn chậm cũng do người đứng đầu; các nhiệm vụ quá hạn, thậm chí ngay cả việc vấn đề mất đoàn kết nội bộ cũng do người đứng đầu cả mà ra. Do đó, nếu người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ mà không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì phải điều chuyển ngay. Vừa qua Văn phòng Chính phủ làm rất quyết liệt việc này và cũng đã điều chuyển một số cán bộ làm việc không hiệu quả. Cụ thể, trước đây giao cho anh từng này nhiệm vụ, nhưng nếu không làm được thì giảm bớt nhiệm vụ đi, giảm cũng không được thì chuyển sang việc khác. Riêng những cán bộ khi tham gia dự án này, dự án kia mà có “tư tưởng không tốt” thì sẽ không cho tiếp xúc với dự án nữa. Thủ tướng đề ra mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo. Do đó, nếu Văn phòng Chính phủ không chuyển động, không đáp ứng yêu cầu Thủ tướng, trở thành rào cản là không được. Văn phòng Chính phủ mà không chuyển động, không mẫu mực, gương mẫu thì không ổn.
Thôi nhiệm vụ của các ban chỉ đạo vùng là một trong những việc phục vụ chủ trương sắp xếp lại bộ máy.
“Bắn trúng đích - đi đúng đường”
Khi giao nhiệm vụ cho Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu rõ ràng là “phải bắn trúng đích chứ không bắn chỉ thiên”? Vậy hơn 1 năm qua, theo đánh giá của Bộ trưởng, công việc của Tổ công tác đã bắn được trúng đích như Thủ tướng yêu cầu chưa?
Việc đó cũng đạt được mong đợi ban đầu của Thủ tướng. Tổ công tác kiểm tra không phải “cưỡi ngựa xem hoa” mà kiểm tra có mục tiêu theo từng thời kỳ. Vào giữa năm 2017, khi Thủ tướng chỉ đạo về tăng trưởng thì Tổ công tác giúp Thủ tướng đi thực tế xuống các tập đoàn, địa phương, để thấy rằng cần có sự tháo gỡ về tăng trưởng. Tháng 8/2017 khi Thủ tướng đưa ra các nghị quyết về cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp, cắt bỏ rào cản trong kiểm tra chuyên ngành và các điều kiện liên quan, Tổ công tác đã đi thực tế xuống hải quan tại Hải Phòng, rồi khu vực 3 của TPHCM, đi xuống các bộ ngành có liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Trong 41 lần kiểm tra các bộ, ngành, địa phương, chúng tôi đã dành ra 9 cuộc kiểm tra chuyên ngành, từ đó có thể nói, các cuộc kiểm tra đã “bắn đúng chỗ, đi đúng đường”.
Có thể nói ban đầu đã đạt kỳ vọng, tất nhiên chúng tôi cũng mong muốn làm rất nhiều nhưng vì thời gian chỉ mới có hơn 1 năm thôi. Có thể nói với sự cố gắng của tập thể Tổ công tác và sự giúp đỡ của các bộ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, việc phát huy chức năng nhiệm vụ của Tổ công tác dần dần hoàn thiện hơn, anh em cũng đào sâu suy nghĩ và nghiên cứu, tập hợp nhiều tài liệu từ các kênh hơn để nắm bắt được những bộ, ngành làm tốt hoặc chưa tốt. Tổ công tác phải thận trọng để đưa ra đánh giá chuẩn, khách quan, công tâm, minh bạch, rõ ràng. Cái nào có sự nhũng nhiễu từ Văn phòng Chính phủ, chúng tôi cũng công tâm, sòng phẳng nhận rõ trách nhiệm.
Minh bạch để chống đưa và nhận hối lộ
Vừa qua Trung ương đã ban hành nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy, Chính phủ có giải pháp đột phá gì để thực hiện tốt yêu cầu trên?
Hiện Chính phủ đang xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 18, 19. Theo đó, Chính phủ sẽ rà soát toàn bộ đơn vị sự nghiệp, trong đó đơn vị nào tự chủ hoàn toàn, tự chủ một phần, đơn vị nào tự chủ cả chi phí chi thường xuyên và đầu tư phát triển cũng đang từng bước sắp xếp, cụ thể hoá từng bước. Đây là chương trình rất lớn liên quan, động chạm đến quyền lợi, việc làm của công chức, viên chức. Nhưng tinh thần là rất quyết liệt, làm đâu vào đấy, từ dễ đến khó.
Ngay cả việc sắp xếp các văn phòng UBND, HĐND, văn phòng Đoàn ĐBQH là làm luôn hay việc thôi nhiệm vụ của 3 ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nam bộ, Tây Nguyên. Ngoài ra, khi ban hành các văn bản hệ thống pháp luật thì tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không được đặt vấn đề tổ chức bộ máy trong các văn bản. Đấy là cái nghiêm cấm. Hiện các bộ ngành địa phương đang thực hiện.
Vừa qua khi trả lời chất vấn tại Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân không đưa hối lộ chính quyền. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc chống hối lộ quan trọng nhất phải bắt đầu từ phía chính quyền, ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cho là phải từ nhiều phía. Từ phía chính quyền việc đầu tiên là phải làm tốt công tác thể chế, phân cấp, phân quyền rõ ràng, xử lý minh bạch công khai tất cả các thủ tục hành chính. Nếu làm tốt, làm đúng thời gian quy định thì người dân, doanh nghiệp chả cần phải đến. Chính phủ điện tử thực hiện được cấp độ 4 (làm thủ tục, nhận và trả thủ tục qua mạng) thì người dân, doanh nghiệp cũng không phải xếp hàng, chờ đợi nữa.
Thủ tướng nói “các doanh nghiệp tư nhân không đưa hối lộ chính quyền” khi trả lời chất vấn trước Quốc hội là sâu sắc. Những doanh nghiệp mà ý tứ như thế đều có chuyện lợi dụng và tranh thủ hết. Nếu giải quyết tốt cho họ nhưng họ muốn vận dụng thế này thế kia mà không được nên họ muốn làm nhanh hơn, làm những gì đó ngoài quy định pháp luật hoặc muốn lợi dụng gì đó thì họ mới đến. Còn bình thường họ không đến làm gì. Thực tế cuộc sống còn nhiều việc có tác động nhiều phía, có cả phía nhận và phía đưa. Nhưng muốn không có việc ấy thì chúng ta giải quyết thủ tục minh bạch, rõ ràng, chất lượng và trách nhiệm.
Tiền Phong