Thương chiến Mỹ - Trung: Việt Nam nguy cơ trở thành nơi tiêu thụ hàng thừa, kém chất lượng của Trung Quốc
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cảnh báo Việt Nam cần phải tỉnh táo trước căng thẳng Mỹ - Trung. Bởi khi đồng nhân dân tệ giảm giá, Trung Quốc có khả năng sẽ tìm cách tuồn hàng thừa, hàng kém chất lượng vào Việt Nam.
- 05-09-2019Chiến tranh thương mại căng thẳng, đây là danh sách các "đại gia" nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam
- 30-08-2019Đừng lầm tưởng Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, những con số này chỉ ra một diễn biến khác!
- 25-08-2019Bloomberg: Bình luận chuyên gia về Việt Nam trước động thái mới nhất của chính quyền Trump và Trung Quốc trong chiến tranh thương mại
- 23-08-2019WSJ: Chiến tranh thương mại leo thang mở cơ hội cho Việt Nam trở thành công xưởng thế giới, nhưng vẫn cần thêm thời gian
"Việt Nam ham rẻ..."
Tại Hội thảo bàn về nội dung "Chiến tranh thương mại leo thang - Mừng lo của doanh nghiệp Việt", Nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã có những chia sẻ sắc bén về áp lực của nền kinh tế Việt Nam trong cuộc chiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo ông Trương Đình Tuyển, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ là bề nổi có thể nhìn thấy được. Điều đáng lưu tâm là những tranh đấu về chiến lược phát triển giữa hai quốc gia, một bên là quốc gia đang trên đà lớn mạnh và một bên đã là cường quốc về mọi mặt.
Thậm chí, mức độ cuộc chiến ngày càng căng thẳng, việc áp thuế nhập khẩu của 2 quốc gia này càng ngày càng leo thang và có nguy cơ dẫn đến nhiều tác động xấu cho nền kinh tế thế giới.
Đối với Việt Nam, có những tín hiệu tích cực như một số mặt hàng xuất khẩu như dệt may, công nghệ… tăng trưởng mạnh từ sau khi Mỹ - Trung bắt đầu căng thẳng. Sự thuận lợi là nhiều hàng hóa của Việt Nam sẽ thay thế hàng Trung Quốc tại thị trường Mỹ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu vào Mỹ.
Ngoài ra, do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc. Hai thị trường tiềm năng mới là Indonesia và Việt Nam được xem là nơi hút dòng vốn FDI nhiều nhất tại thời điểm này. Việt Nam cũng được dự đoán sẽ hút dòng vốn nhiều hơn nữa trong thời gian tới nếu chúng ta đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Tuy nhiên, hệ quả từ cuộc chiến này mang lại cho Việt Nam là không hề nhỏ. Ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất chính là việc phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc tại các thị trường ngoài Mỹ. Bởi lẽ, khi đồng nhân dân tệ giảm giá thì hàng hóa Trung Quốc tại các thị trường khác sẽ rẻ hơn và cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam.
Điều đáng cân nhắc hơn là khi đồng nhân dân tệ giảm giá, nhiều sản phẩm kém chất lượng hoặc dư thừa ở Trung Quốc sẽ bị đẩy sang Việt Nam. Nhằm đổi mới công nghệ trong cuộc chiến với Mỹ, Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy những công nghệ thấp, hàng hóa công nghệ dư thừa sang nước khác để dọn dẹp lại thị trường của họ. Và Việt Nam được xem là điểm đến rất thuận lợi để Trung Quốc tuồn hàng thừa.
Do đó, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cảnh báo Việt Nam cần tỉnh táo trước chiến lược này của Trung Quốc. Bởi nếu Việt Nam tiếp tục ham rẻ thì khả năng rất cao sẽ là nơi "hứng rác" của Trung Quốc, làm giảm chất lượng hàng hóa tại thị trường nội địa. "Đây là nguy cơ lớn", ông Trương Đình Tuyển nhận định.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển lo lắng Việt Nam sẽ là nơi tiêu thụ hàng dư thừa của Trung Quốc
Cẩn thận với nguy cơ bị áp thuế từ Mỹ
Theo Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, Việt Nam cũng cần thận trong trước những công ty nhăm nhe lợi dụng căng thẳng Mỹ - Trung để nhập hàng Trung Quốc về "đội mác" hàng Việt.
"Rất có khả năng một số doanh nghiệp Việt Nam nhập hàng Trung Quốc về dán nhãn Việt Nam, hoặc gia công 1 số công đoạn đơn giản và ghi nhãn mác xuất xứ tại Việt Nam. Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi khi Mỹ phát hiện ra điều này sẽ tiến hành áp thuế cho Việt Nam. Họ không thể chấp nhận một thị trường đưa hàng Trung Quốc về ghi "Made in VietNam" rồi xuất đi. Hiện tại thì chưa xảy ra nhưng nếu để điều này xảy ra và Trump áp thuế cho Việt Nam thì vô cùng nghiêm trọng", ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trương Đình Tuyển, nếu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 47,5 tỉ đô la, tăng 11,43% so với mức 41,6 tỉ của năm 2017 thì trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu vào Mỹ tiếp tục tăng mạnh với tổng kim ngạch 27,5 tỉ đô la, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Từ vị trí thứ 6 vào đầu năm 2018, hiện nay, Việt Nam đã lên thứ 4 trong 16 nước xuất siêu vào Mỹ.
Tuy nhiên, thời gian qua Mỹ cho rằng Việt Nam đã có sự tác động đến thị trường ngoại tệ theo cách phi thị trường, dấu hiệu là chúng ta đã mua vào lượng ngoại tệ lớn (hơn 2% GDP). Từ đó, Mỹ đã cảnh báo Việt Nam về các biện pháp hạn chế doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam.
Do đó, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng Việt Nam cần phải thay đổi cơ chế xuất nhập khẩu, hạn chế nhập hàng dư thừa từ Trung Quốc và tăng cường nhập hàng Mỹ để giữ mỗi quan hệ luôn tốt đẹp. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn.
Thứ nhất, giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao để tăng nhập khẩu các sản phẩm này từ Mỹ. Thứ hai, khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ. Đây là một tiềm năng to lớn cần khai thác. Song song đó, phải kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt.
Theo nhận định của các chuyên gia, cuộc chiến Thương mại Mỹ - Trung sẽ còn kéo dài rất lâu. Kể cả khi Trung Quốc và Mỹ đã thống nhất sẽ có cuộc gặp đàm phán vào tháng 10 tới thì những dấu hiệu tích cực cũng rất khó xảy ra. Đây không chỉ thuần túy xuất phát từ sự mất cân băng xuất nhập khẩu giữa hai nền kinh tế mà nó nằm trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược đang diễn ra trên nhiều mặt trận, ở nhiều địa bàn. Trong đó, Chương trình "Made in China" trên khắp thế giới mà Trung Quốc lập ra được xem là là điểm mấu chốt của cuộc cạnh tranh không hồi kết này.
Trí Thức Trẻ
- Con số bất ngờ lý giải tại sao Trung Quốc lại muốn thỏa thuận thương mại
- Lộ trình đánh thuế của ông Trump đã đi từ kế hoạch bài bản đến mớ bòng bong hỗn loạn như thế nào?
- Điêu đứng vì thương chiến, nông dân Mỹ phá sản nhiều kỷ lục
- Ông trùm đầu cơ Mỹ cảnh báo sau chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ sẽ là chiến tranh vốn
- Ông Trump dọa tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận thương mại