Thượng đỉnh BRICS và tầm nhìn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)
Ngày 21/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên đường thực hiện chuyến công du nhằm mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở các nước mới nổi và đang phát triển, trong bối cảnh quan hệ với Mỹ tiếp tục căng thẳng và tình hình kinh tế trong nước khó khăn hơn.
- 21-08-2023Trung Quốc đổ tỷ USD đào kho "vàng xanh" cả thế giới mơ ước: Cư dân 1 nước ĐNÁ chứng kiến hậu quả nhãn tiền
- 21-08-2023Người phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 36 sau khi đầu tư cổ phiếu, tiết lộ 1 quỹ tăng hơn 580% từ khi thành lập
- 21-08-2023Huyền thoại Warren Buffett chọn 2 cổ phiếu tiềm năng tăng 2 chữ số, gợi ý “vàng” cho các nhà đầu tư
Chuyến thăm cấp nhà nước trong 3 ngày, bao gồm hoạt động dự hội nghị thượng đỉnh với các nền kinh tế mới nổi BRICS, là chuyến công du quốc tế lần thứ hai của ông Tập trong năm nay.
Hồi tháng 3, ông Tập rời Trung Quốc lần đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19, để thăm Nga, nơi ông cùng Tổng thống Vladimir Putin tái khẳng định hợp tác chiến lược và tầm nhìn chung về một trật tự thế giới không còn do phương Tây thống trị.
Đối với ông Tập, cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của BRICS kể từ đại dịch COVID-19 là cơ hội nữa để thúc đẩy tầm nhìn đó.
Các thành viên trong nhóm, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm hơn 40% dân số thế giới. Các nước trong nhóm cũng chia sẻ mong muốn về một thế giới đa cực hơn, muốn có tiếng nói lớn hơn trong những vấn đề toàn cầu.
“Ông Tập không phải đang cố loại Mỹ hoàn toàn khỏi trật tự quốc tế hiện nay. Mục tiêu lâu dài của ông ấy là thay đổi trật tự thế giới theo hướng lấy Trung Quốc làm trung tâm”, Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc SOAS thuộc ĐH London, nhận xét.
Để thực hiện tầm nhìn đó, Tsang cho rằng điều hợp lý là Trung Quốc tăng cường quan hệ với Nam bán cầu, nơi có nhiều quốc gia hơn Bắc bán cầu và có những thể chế chính trị khác.
Ngày 18/8, Đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi Trần Hiểu Đông ca ngợi BRICS là “một nền tảng quan trọng cho hợp tác giữa các quốc gia mới nổi và đang phát triển”, là “xương sống của công lý và công bằng quốc tế”.
“Hệ thống quản trị toàn cầu truyền thống dường như đã rối loạn, mất năng lực và vắng mặt. Cộng đồng quốc tế đang háo hức mong đợi BRICS… đóng vai trò dẫn dắt”, ông Trần nói với báo chí.
Chuyến thăm của ông Tập đến Nam Phi diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol để củng cố tình đoàn kết và siết chặt mặt trận đối phó với Trung Quốc.
Cuộc gặp thượng đỉnh tại Trại Davis giúp Mỹ và hai đồng minh gần gũi nhất ở châu Á làm sâu sắc hợp tác kinh tế và quân sự. Tại đó, lãnh đạo ba nước dùng ngôn ngữ mạnh mẽ bất ngờ để chỉ trích “những hành vi hung hăng và nguy hiểm” của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Ông Tập sẽ là trung tâm của hội nghị BRICS, khi Tổng thống Nga Putin không thể tham dự trực tiếp”, Paul Nantulya, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi, nói với CNN .
Để tránh vấn đề lệnh bắt của Tòa án hình sự quốc tế làm khó nước chủ nhà, nhà lãnh đạo Nga sẽ tham dự bằng hình thức trực tuyến.
Nantulya gọi BRICS là “một diễn đàn đa phương nữa để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng khắp thế giới, nhất là Nam bán cầu”.
Khó khăn trong nước
Thượng đỉnh BRICS lần này diễn ra vào thời điểm được đánh giá là khó khăn với ông Tập. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuất hiện nhiều dấu hiệu khó khăn, từ khủng hoảng bất động sản đến tình trạng nợ nần của các chính quyền địa phương và áp lực giảm phát.
Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ liên tục tăng trong những tháng gần đây, khiến chính phủ quyết định dừng công bố số liệu thống kê.
Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho rằng kinh tế khó khăn là trở ngại chính đối với những nỗ lực “quyến rũ” ngoại giao của Bắc Kinh, nhất là ở Nam bán cầu.
“Khi ông Tập thăm các quốc gia đang phát triển, có quy tắc là Trung Quốc phải cung cấp những gói viện trợ, thỏa thuận hợp tác và tài chính hào phóng. Nhưng với tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay, Bắc Kinh không còn xông xênh để làm như vậy”, Yun nhận xét.
Theo nhà nghiên cứu Nantulya, trên mạng xã hội Trung Quốc đã xuất hiện những ý kiến thể hiện hoài nghi với việc chính phủ chi tiền hào phóng ở nước ngoài.
“Một số cư dân mạng Trung Quốc đang đặt câu hỏi rằng vì sao nước này phải đầu tư nhiều như vậy ra nước ngoài, trong khi trong nước còn rất nhiều vấn đề”, Nantulya cho biết.
Vì thế, theo nhà nghiên cứu này, Chính phủ Trung Quốc đang chuyển sang lựa chọn kỹ hơn những dự án ở nước ngoài mà họ sẽ cấp vốn.
Trong khi hoạt động cấp vốn ra nước ngoài chậm lại, Bắc Kinh vẫn tăng cường trao đổi chính trị và quân sự với châu Phi, thành lập thêm Viện Khổng tử và mời các sĩ quan châu Phi đến Trung Quốc để đào tạo.
Tiền Phong