Thương hiệu Việt có “lội ngược dòng” trên đất Thái Lan?
Cuộc tiến quân ngày càng nhiều của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Thái Lan liệu có tạo cú “lội ngược dòng” trước sức ép hàng loạt các đại gia Thái và hàng Thái đang làm mưa làm gió trên thị trường Việt Nam?
- 11-07-2016Lần đầu tiên tuần lễ hàng Việt Nam được tổ chức tại Thái Lan
- 29-05-2016Hàng tiêu dùng Thái Lan đang chiếm lĩnh thị trường Việt
- 27-05-2016Hàng Thái Lan, Nhật Bản tràn từ vỉa hè đến siêu thị nhà bán lẻ nội địa có còn cơ hội?
- 13-05-2016Sức hút hàng tiêu dùng Thái Lan đang "đánh bật" hàng Trung Quốc
Đẩy mạnh đưa hàng Việt xuất khẩu vào thị trường Thái Lan, từ đó tạo bước đệm cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và xây dựng chỗ đứng cho thương hiệu Việt trên đất chùa Vàng là chủ trương được Bộ Công Thương đưa ra nhằm tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do và Công đồng Kinh tế ASEAN.
Bởi vậy, chương trình Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thái Lan và Hội chợ hàng Việt Nam tại Băng Cốc vừa được Bộ Công Thương tổ chức mới đây, không chỉ có sự tham gia của nhiều thương hiệu có tên tuổi trên thị trường Việt Nam như bóng đèn Điện Quang, Bia Sài Gòn, Áo dài Chi Silk, Khóa Việt Tiệp... mà còn có các doanh nghiệp lần đầu bước chân vào thị tường.
Như tại Công ty Điện Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty - bà Nguyễn Thái Nga cho hay, đây là lần thứ hai công ty tham gia trưng bày sản phẩm tại Thái Lan. Sau hội chợ lần trước, công ty Điện Quang đã ký được hợp đồng cung cấp thiết bị cho dự án sửa chữa, nâng cấp các công trình của tập đoàn Central Group ở Việt Nam. Điện Quang cũng đang đàm phán để đưa sản phẩm vào bán tại các Trung tâm thương mại Big C ở Thái Lan.
Một doanh nghiệp khác đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh vào Thái Lan là Công ty Trái Tim Vàng cũng quyết định chọn nước này làm dấu mốc khởi đầu cho cuộc “chinh phục” thị trường ASEAN, sau khi đầu tư thành công hai học viện tại Rishikesh và Surat (Ấn Độ), chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo, huấn luyện và trị liệu theo phương pháp yoga và thiền học.
Theo bà Master Sridevi Tố Hải – Chủ tịch công ty Thiền & Yoga Trái Tim Vàng, Thái Lan là nước có nhiều tiềm năng trong phát triển lĩnh vực thiền học và yoga, dù đây là lĩnh vực mới với Việt Nam. Bên cạnh đó, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng tạo thuận lợi cho DN khi lần đầu tiên tiến quân vào thị trường này.
Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết Việt Nam và Thái Lan đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2013. Với kim ngạch thương mại hai chiều 11,5 tỷ USD năm 2015, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN; trong khi đó Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách đối tác thương mại của Thái Lan trong ASEAN, xuất khẩu sang Thái Lan còn khiêm tốn.
Do đó, để góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, cần phải tạo được nguồn hàng hóa, khơi thông nguồn hàng hóa trong quan hệ song phương, đặc biệt là nguồn hàng hóa của Việt Nam sang Thái Lan. Mặc dù Việt Nam có chất lượng tốt nhưng hiểu biết của người Việt Nam đối với thị trường Thái Lan còn chưa sâu sắc.
Còn theo ông Phidsanu Pongwatana, Điều hành Bán lẻ tại Việt Nam của Tập đoàn TCC/BJC, hãng này đang tìm kiếm những nhà cung cấp chất lượng cho mặt hàng khoai lang, vú sữa, cam sành, bơ và chanh. Trong đó, hoa Đà Lạt và các sản phẩm cá da trơn đông lạnh của Việt Nam cũng là những mặt hàng tiềm năng sẽ có chỗ đứng tại thị trường Thái Lan nhưng chưa được khai thác tốt.