Thương mại điện tử: Giải pháp nào chống thất thu thuế?
Mới đây, Tổng cục Thuế cho biết sẽ cấm xuất cảnh và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những người bán hàng online nợ thuế. Vậy những giải pháp này có mang lại hiệu quả căn cơ trong thời gian tới?
- 09-03-2024Nhận diện thông minh trước nguy cơ tấn công mạng
- 09-03-2024CEO Nvidia: 30 năm qua, Windows 95 vẫn là hệ điều hành mà tôi thích nhất
- 08-03-2024Huy động gấp 15.000 người cùng 700 cỗ máy công nghệ đến nơi phát hiện đá lạ màu đỏ-trắng-xanh, 3 kho báu khủng lần đầu cùng lộ diện
Mua sắm trực tuyến kết hợp với giải trí – livestream ngày càng sôi động trong những năm gần đây. Chị Thanh Mai (ngụ quận Bình Thạnh) - Kinh doanh bánh ngọt nhà làm cho hay, do khách hàng chuộng mua hàng online, thay vì mở cửa hàng, chị mạnh dạn tham gia bán hàng trên sàn thương mại ShopeeFood. Sau 6 tháng hoạt động, số lượng khách hàng và doanh thu đều tăng hơn trước.
Về quy định nộp thuế, chị Mai cho biết, trước khi tham gia sàn thương mại điện tử thì bên nhà cung cấp tư vấn để người bán nắm các quy định rồi mới đăng ký bán.
"Trước đó mình chỉ kinh doanh trên những đơn khách quen, họ biết chất lượng của tiệm đặt đơn đám tiệc thì nhiều, chứ bán lẻ thì rất ít. Sau này mình mạnh dạn tham gia thử thì thấy cũng hiệu quả. Hiện tại mỗi đơn hàng, nhà cung cấp sẽ trừ thuế, phí vận chuyển là 28%", chị Mai cho biết.
Dù người người bán hàng online nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nghĩa vụ nộp thuế. Anh Hoàng Tuấn (ngụ huyện Hóc Môn) đang bán một số đồ gia dụng, quần áo tại nhà cho hay: "Vừa qua tôi cũng thấy một số thông tin về việc xử phạt về không nộp thuế khi bán hàng online. Tôi thì cũng có bán một vài hàng nhỏ lẻ không cố định, tìm được nguồn hàng gì thì bán cái đó nên cũng chưa tìm hiểu thêm về vấn đề nộp thuế".
Không chỉ người bán hàng online lơ mơ về thuế, ngay cả nguồn gốc, chất lượng hàng hóa cũng là vấn đề được nhiều người tiêu dùng quan tâm thời gian qua.
"Nhiều khi mua hàng cũng mua với tâm lý cầu may. Hàng có lúc chất lượng có lúc không. Mình chủ yếu đặt theo yêu thích nên đôi lúc một số hàng không được như mong muốn".
"Lúc mua hàng thật sự có lúc không đúng với ảnh shop đã đăng nên mình thường xem bình luận có đúng không thì mới chốt đơn".
Đánh giá về hoạt động thương mại điện tử thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết: "Chúng ta biết rằng thương mại điện tử hay bán hàng online thời gian qua có rất nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế việc quản lý kinh doanh bán hàng online này rất phức tạp cho tính mới và phổ biến của nó.
Vì kinh doanh online họ có thể chào hàng, bán hàng trên nhiều trang mạng điện từ với những tên khác nhau và sau khi họ chấm dứt thời gian liestream thì chúng ta chẳng biết họ là ai nữa. Nó không phải là các sàn thương mại điện tử mà nhà mạng có thể dễ dàng quản lý".
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TPHCM thông tin, mô hình mua sắm kết hợp giải trí - livestream thông qua các nền tảng xã hội như youtube, tiktok, facebook… phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Song, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ, thị trường này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề thách thức như hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hình thức lừa đảo trực tuyến, buôn bàn hàng không có hóa đơn, nhất là hàng xuyên biên giới.
Do đó, để thương mại điện tử phát triển ổn định và hiệu quả, ông Nguyễn Minh Hùng cho biết: "Sở Công Thương có phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch thương mại điện tử năm 2024, chia làm 2 nhóm quan trọng. Một là nhóm thúc đẩy. Dự kiến sắp tới, Sở Công Thương và Sở TT&TT đưa hoạt động thương mại điện tử vào chợ truyền thống, thậm chí đào tạo cho thương nhân bán hàng.
Thứ hai là công tác quản lý thuế, quản lý nhà nước. Sắp tới, Sở Công Thương cũng xây dựng một công cụ thu thập dữ liệu về giao dịch thương mại điện tử, kho hàng, ngày bán, doanh thu. Từ đó có điều hướng, hỗ trợ cho các cơ quan thuế, quản lý thị trường triển khai nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm".
Bên cạnh sự nỗ lực của các Sở ngành địa phương, mới đây, Tổng cục thuế đã đề nghị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, trong đó có biện pháp cấm xuất cảnh, cũng như công khai trên các phương tiện truyền thông danh sách những người bán hàng online chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng đây là động thái tất yếu từ cơ quan nhà nước nhằm cụ thể hóa công cụ quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, nhằm tránh thất thu thuế và đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng:
"Với sự phối hợp giữa nhà mạng, các sàn thương mại điện tử, trên cơ sở đó, cơ quan thuế, Bộ Công thương, Bộ Công an sẽ làm việc để tìm ra người bán hàng đó là ai, như thế nào, có đúng không. Đồng thời kết hợp với ngân hàng trong việc chuyển tiền vào tài khoản những người kinh doanh online. Rồi kết hợp với nhà vận chuyển, shipper nhận tiền trực tiếp thì chúng ta dần có được một kho dữ liệu về những người kinh doanh.
Và thực tế, chính quyền địa phương họ nắm được hết trên địa bàn có những ai kinh doanh online. Cho nên, nếu có sự kết hợp giữa các bên, từ đó việc quản lý kinh doanh thương mại điện tử nói chung và bán hàng trực tuyến nói riêng sẽ dần dần đi vào nề nếp, văn minh, hiện đại phù hợp với xã hội văn minh và với những công cụ hiện đại", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Thương mại điện tử là mục tiêu phát triển kinh tế trong những năm tới. Để thị trường này phát triển đúng hướng và lành mạnh, nhà nước vẫn cần có những quy định và công cụ quản lý hiệu quả.
Về vấn đề này, góc nhìn VOVGT có bài bình luận: “Nâng tầm thương mại điện tử: Cần bịt lỗ hổng thất thu thuế”.
Trái ngược với cảnh ế ẩm, đìu hiu tại chợ truyền thống, chưa bao giờ thị trường thương mại điện tử lại sự sôi động, tấp nập như hiện nay khi nhà nhà, người người áp dụng các phương thức bán hàng trực tuyến.
Theo Sở Công thương TPHCM, thương mại điện tử năm 2023 của TP.HCM tăng 37% so với cả nước, hàng trăm tỷ đồng thuế đã được thu. Riêng trong đợt mua sắm năm mới vừa qua, 77 phiên bán hàng trực tiếp livestream vào giữa tháng 12 đã giúp bán được 18.200 đơn hàng, thu về hơn 4 tỷ đồng cho các tiểu thương. Cho thấy người dùng Việt Nam đang mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội giải trí nhiều hơn trước. Đây vừa là cơ hội phục hồi kinh doanh trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng cũng là thách thức trong công tác quản lý khi kinh tế số đang chuyển đổi mạnh mẽ.
Đó là việc quản lý các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, xác định được căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế. Việc kiểm soát dòng tiền và nguồn gốc, chất lượng hàng hóa cũng là câu chuyện không dễ dàng, do các giao dịch bán hàng online diễn ra mọi lúc, mọi nơi, thậm chí là giao thương xuyên biên giới.
Do đó, bên cạnh quy định hiện hành cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải đăng ký, kê khai thuế đầy đủ và các sàn có trách nhiệm cung cấp thông tin các cá nhân, doanh nghiệp này cho cơ quan Thuế thì việc Tổng cục thuế đề nghị cấm xuất cảnh và công khai danh tính đối với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế là đúng với quy luật thực tế. Chỉ có siết chặt các chế tài xử phạt thì mới hạn chế được hành vi trốn thuế.
Đó là với những người đã khai báo thuế. Thực tế hầu hết người kinh doanh online chưa nắm được hết các quy định về nghĩa vụ thuế nên không đăng ký kinh doanh, khai báo thuế. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất thu thuế. Vì vậy, nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền cũng như phát triển các công nghệ, ứng dụng hỗ trợ để doanh nghiệp và người dân thuận tiện trong việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử.
Ngoài ra, cơ quan quản lý Thuế, Bộ Công thương và các nhà mạng cần có thêm công cụ hiện đại để dò tìm phát hiện các giao dịch bán hàng trên mạng như thời gian, địa điểm giao dịch, phương thức giao nhận tiền – hàng. Nhất là sớm thúc đẩy xây dựng kho dữ liệu liên thông giữa các ngành công thương, ngân hàng, vận chuyển, để cơ quan Thuế, công an có thêm công cụ hiệu quả quản lý bán hàng online. Ngược lại, việc hiểu rõ vấn đề khai thuế, nộp thuế, chấp hành các quy định về kinh doanh là trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia bán hàng, thu lợi nhuận, để tạo sự cạnh tranh công bằng.
Cùng với đó, Bộ Công thương sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, chất lượng, công dụng sản phẩm có đúng với nhãn mác, thông tin quảng cáo. Phía người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông minh, sẳn sàng từ chối, không trả tiền nếu như nhận được những sản phẩm không đúng với quảng cáo của cơ sở kinh doanh.
Điều quan trọng là người tiêu dùng cần lấy hóa đơn, đảm bảo rằng mình mua hàng của ai, ở đâu, như thế nào… làm cơ sở nhờ đến các cơ quan quản lý, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa.
VOV