Thương mại Việt Nam-Mỹ tăng khoảng 250 lần sau 26 năm bình thường hóa quan hệ
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.
- 03-03-2022Tổng thống Mỹ Joe Biden mời Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh
- 17-02-2022Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn: Nhà đầu tư Mỹ đã đồng ý rót 10 tỷ USD vào các dự án trung tâm tài chính quốc tế ở TP. HCM và Đà Nẵng
- 19-01-2022Thương mại Việt – Mỹ đạt kỷ lục mới, lần đầu tiên chạm mốc 100 tỷ USD
Trong lĩnh vực thương mại, năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên tới 111 tỷ USD. Bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, năm 2021, kim ngạch song phương tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ. Cụ thể, năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,29 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2020. Nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong năm 2021, Việt Nam có tới 13 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên và có 3 nhóm đạt hơn 10 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất là máy móc, thiết bị với 17,82 tỷ USD, tiếp đến dệt may 16,1 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 12,76 tỷ USD. Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu nhiều tỷ USD gỗ, nông thủy sản từ Việt Nam. Năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ đạt 8,77 tỷ USD, thủy sản hơn 2 tỷ USD và hạt điều hơn 1 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong hai tháng đầu năm 2022, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 16,83 tỷ USD; nhập khẩu từ Mỹ ước đạt 2 tỷ USD.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 5 với chủ đề "Định hình lại quan hệ kinh tế song phương", Thủ tướng Nguyễn Minh Chính nhấn mạnh: "Song song với sự phát triển lớn mạnh của Việt Nam, sau hơn 26 năm bình thường hóa quan hệ (từ năm 1995), quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển rất nhanh, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực".
Bên cạnh quan hệ thương mại song phương, xét về khía cạnh đầu tư, Mỹ là một trong những nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Tính đến nay, Mỹ đã đầu tư gần 1.150 dự án đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD. Mỹ xếp thứ 11 trong những nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.
Trong năm 2021, không chỉ hàng loạt tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Apple, Amazon, Google, Intel… mà nhiều công ty khác cũng đang mở rộng đầu tư tại VN. Điển hình như Tập đoàn Intel (Mỹ) đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Cùng với đó là Công ty Hayward Quartz Technology INC tại Thung lũng Silicon Mỹ đầu tư 110 triệu USD vào khu công nghệ cao tại Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, một số dự án lớn khác của doanh nghiệp Mỹ đầu tư như: Dự án 4,1 tỷ USD của Công ty TNHH Winvest Investment (Vietnam) xây dựng khu nghỉ mát, khách sạn 5 sao, vui chơi giải trí tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; dự án Công ty TNHH Skybridge Dragon Sea với tổng vốn đầu tư là 902,57 triệu USD và dự án Công ty CP khu công nghiệp Đình Vũ (giai đoạn II) tổng vốn đầu tư là 891,4 triệu USD.
Ngoài ra, ở lĩnh vực năng lượng, Việt Nam cũng chào đón First Solar là một trong 3 tập đoàn năng lượng lớn nhất của Mỹ, với dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng có tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD.
Không chỉ ở phương diện thương mại hay đầu tư, Mỹ còn hỗ trợ vaccine cho Việt Nam trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Cho đến nay, Việt Nam đã nhận được khoảng 29 triệu liều vaccine Covid-19 đến từ Mỹ, chiếm khoảng 13,2% tổng số vaccine mà Việt Nam nhận được từ các nguồn tài trợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của Mỹ cũng tích cực chia sẻ với Việt Nam về phương tiện, trang thiết bị phòng, chống dịch.
Đặc biệt, Mỹ cũng đã thực hiện giao công nghệ vaccine Covid-19 cao nhất cho Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hợp đồng với Mỹ chuyển giao công nghệ vaccine với công nghệ cao nhất đã được tiến hành thử nghiệm từ tháng 8/2021 và nhà máy sản xuất với quy mô đạt tới hơn 100 triệu liều đã được triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022.
Việc nhận được hỗ trợ vaccine Covid-19 từ Mỹ đã góp phần đưa kinh tế Việt Nam trở lại quỹ đạo bình thường, kích hoạt mọi hoạt động đời sống xã hội. Từ đó, nền kinh tế Việt Nam được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình phục hồi trở lại.