Thưởng Tết “khủng” chưa là gì, truy lĩnh mới là những con số đáng khao khát ở ngân hàng
Dù công bố thưởng Tết một vài tháng lương, thậm chí cao nhất tới 7 tháng lương nhưng các cán bộ ngân hàng tiết lộ cùng lắm thực lĩnh chỉ được vài chục triệu đồng…
Mới đây, một loạt các ngân hàng đã công bố thông tin thưởng Tết. Có thể kể đến như Techcombank được thưởng từ 2 cho đến 7 tháng lương dịp Tết này, lại có thêm nhiều chương trình phúc lợi khác, đặc biệt là chuyến xe yêu thương đưa về tận quê đón tết.
Khảo sát của PV ở một vài ngân hàng lớn như BIDV, MB... cho thấy mức thưởng năm nay cũng tương đương năm ngoái, tức phổ biến dao động từ 2-4 tháng lương. Một số ngân hàng mà lãnh đạo không muốn tiết lộ tên do tình hình làm ăn chưa thực sự khởi sắc, cũng có thưởng Tết cho người lao động từ 1 đến 2 tháng lương, không bao gồm tháng thứ 13. Những ngân hàng chỉ có tháng thứ 13 cộng thêm từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/người dịp Tết này cũng không phải hiếm.
Công bố là vậy song theo người trong ngành, dù mức thưởng Tết có cao nhất tính ra cũng chỉ được vài chục triệu đồng, sau khi khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì phần thực lĩnh cũng chẳng được cao như con số người ngoài nhìn vào. Thậm chí so với các ngành nghề khác thì thưởng ngân hàng chẳng thấm vào đâu.
Song họ cũng tiết lộ rằng, đã là dân ngân hàng, đặc biệt là làm kinh doanh, thì con số thưởng Tết là chuyện “xưa như diễm” chẳng mấy bận tâm, thứ mà họ háo hức chờ đợi hơn cả thưởng đó là tiền truy lĩnh.
Hầu hết các ngân hàng hiện nay tính lương cho nhân sự dựa theo KPI. Theo đó chỉ tiêu sẽ được giao cho từng bộ phận, từng cá nhân, có thể sẽ chốt số 3 tháng 1 lần, 6 tháng 1 lần hoặc 1 năm một lần. Với cơ chế này, hàng tháng các nhân sự sẽ được lĩnh một phần lương, rồi đến kỳ đánh giá sẽ được nhận nốt phần lương còn lại dưới dạng “truy lĩnh một cục”. Nếu ngân hàng nào chỉ đánh giá KPI bán niên hoặc 1 lần vào cuối năm thì nhân viên có cơ hội truy lĩnh tới cả trăm triệu đồng.
Là nhân sự lâu năm của một ngân hàng có hội sở tại Hà Nội, chị Thùy Linh cho biết, năm nay lãnh đạo chưa công bố chính sách song theo các thông tin "bên lề" từ các sếp quản lý trực tiếp thì Tết năm nay sẽ có tháng lương thứ 13 như mọi năm cộng với 500 nghìn đồng tiền hỗ trợ và 1 giỏ quà Tết. “Chúng tôi không mong thưởng Tết vì biết chắc là chẳng được bao nhiêu. Mọi người đều chỉ ngóng vào phần truy lĩnh khi chốt KPI hoặc thưởng khi đua doanh số hàng tháng mà thôi”.
Một quán quân về bán lẻ của ngân hàng S. trong khi đó háo hức tâm sự rằng, lương hàng tháng cô được nhận khoảng 8-9 triệu đồng. Hồi mới đi làm cô còn được có 4-5 triệu/tháng cũng cảm thấy hụt hẫng. Nhưng sau đó mới biết có cơ chế đánh giá 3 tháng 1 lần, cô lại được nhận thêm một khoản kha khá. Như năm 2016 vừa rồi, tính ra lương bình quân tầm 15-16 triệu đồng mỗi tháng. “Cá nhân tôi thì rất thích cơ chế tính lương kiểu này vì vừa tiết kiệm được tiền lại được lĩnh một cục vừa có thêm động lực để phấn đấu và gắn bó lâu dài với ngân hàng”, cô tâm sự.
Còn theo một lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng, nhiều người nhìn vào cứ tưởng làm ngân hàng sung sướng, thưởng liên tục, có khi 3 tháng thưởng một lần. Nguy hiểm nhất là đợt chốt KPI hàng năm thường rơi vào đúng thời điểm ngay sau Tết dương lịch và trước Tết nguyên đán, nếu tính cả thưởng cho doanh số tốt và phần lương giữ lại, có người được lĩnh hàng trăm triệu đồng khiến người ngoài nhìn vào cứ tưởng đó là thưởng Tết.
Vị này tâm sự, cách tính lương hiện nay không chỉ khiến người ngoài “soi" vào mà ngay cả các vị cổ đông cũng thắc mắc. “Tôi được biết có nhiều ngân hàng cứ đến dịp đại hội cổ đông là lại bị cổ đông xoáy mãi chuyện chẳng có xu cổ tức nào dù đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục tỷ, nhưng nhân viên thì cứ thưởng này thưởng nọ, thế là lãnh đạo ngân hàng lại phải giải thích đi giải thích lại rằng bản chất không phải như vậy”.
Và theo vị lãnh đạo trên, cách tính lương theo KPI hiện nay được áp dụng khá phổ biến. Với cách làm này, ngân hàng có cơ sở đánh giá về năng lực nhân sự chính xác hơn là việc trả lương đứt đoạn theo tháng truyền thống, trong khi phía người lao động cũng có trách nhiệm với khách hàng, với công việc hơn và xác định thời gian gắn bó lâu dài hơn.