Thụy Điển: Quốc gia chán tiền mặt, yêu nộp thuế và thích sống tự kỷ
Hãy tưởng tượng một công dân Thụy Điển sinh ra, chính phủ sẽ nuôi anh/cô ấy ăn học đến 18 tuổi. Ra trường nếu không tìm được việc làm thì chính phủ sẽ hỗ trợ tìm việc làm hoặc chi trả mức trợ cấp thất nghiệp kha khá. Đến khi đi làm, chính phủ sẽ cho phép làm 6 tiếng thay vì 8 tiếng mỗi ngày. Về hưu, Chính phủ sẽ nuôi bằng mức lương hưu cao hàng đầu thế giới.
- 21-04-2019Hé lộ những hình ảnh đầu tiên về cô dâu thường dân Thụy Điển, chiếm trọn trái tim Thái tử Malaysia trong đám cưới xa hoa
- 03-04-2019Vì sao Thụy Điển trở thành “thiên đường” khởi nghiệp?
Sướng quá hóa tự kỷ
Thụy Điển là một quốc gia giàu có. Nền kinh tế này tăng trưởng 3,3% trong quý I/2018, thuộc hàng nhanh nhất Châu Âu. Ngân sách của Thụy Điển liên tục thặng dư. Tính đến năm 2017, Thụy Điển thặng dư tới 61,8 tỷ Kronor (7,5 tỷ USD), cao hơn rất nhiều mức nợ công 28,3 tỷ Kronor.
Bởi vậy chính phủ Thụy Điển liên tục tăng thuế, nhiều khoản lên tới 60% nhưng người dân vẫn chẳng than phiền mấy bởi những chính sách hỗ trợ công mà họ nhận lại được là rất nhiều. Tổng mức thuế bình quân tại Thụy Điển đã tăng từ 42,6% GDP năm 2014 lên 44,1% GDP năm 2016, cao thứ 5 trong số 35 nước phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Bù lại, Thụy Điển luôn nằm trong top 5 nước có người dân hạnh phúc nhất thế giới nhờ hệ thống phúc lợi, y tế, giáo dục và việc làm ổn định. Chính phủ nhận được tiền thuế cao từ người dân nên đổi lại đầu tư tích cực cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội.
Chính chất lượng sống cao đã khiến người Thụy Điển có lối sống chậm, tận hưởng một xã hội với chính phủ minh bạch, chăm lo cho người dân. Năm 2016, Thụy Điển đứng thứ 4 thế giới trong bảng xếp hạng của Tổ chức minh bạch toàn cầu về tham nhũng.
Lối sống yên bình, không đòi hỏi nhiều của người dân cùng một chính sách trợ cấp tốt khiến một thế hệ người Thụy Điển dần sống cô đơn, dựa dẫm và ít liên hệ với cộng đồng. Các khu vực dân cư tại Thụy Điển thường cách nhau khá xa và tại nhiều vùng, các gia đình thậm chí sống tách biệt trong những mảng rừng hoặc thị trấn hẻo lánh.
Thậm chí, người Thụy Điển còn phát triển triết lý sống "Lagom", nghĩa là sống vừa đủ, nhưng chính văn hóa sống như vậy khiến nhiều người trở nên vô cảm và tự kỷ. Họ không có nhu cầu kết thêm bạn bè, cũng chẳng có động lực muốn giúp đỡ người lạ.
Đáng ngạc nhiên hơn, chất lượng sống quá tốt khiến người dân nước này dần ỷ lại vào chính phủ. Hãy tưởng tượng một công dân Thụy Điển sinh ra, chính phủ sẽ nuôi anh/cô ấy ăn học đến 18 tuổi. Ra trường nếu không tìm được việc làm thì chính phủ sẽ hỗ trợ tìm việc làm hoặc chi trả mức trợ cấp thất nghiệp kha khá. Đến khi đi làm, chính phủ sẽ cho phép làm 6 tiếng thay vì 8 tiếng mỗi ngày. Về hưu, Chính phủ sẽ nuôi bằng mức lương hưu cao hàng đầu thế giới.
Sự ỷ lại này nghiêm trọng đến nỗi nhiều bậc phụ huynh thậm chí bảo con mình tự liên hệ với chính phủ nếu không đủ tiền thuê nhà.
Ngoài ra, sự thỏa mãn về chất lượng sống này cũng khiến nhiều người Thụy Điển tìm niềm vui trong thể thao. Việc thời tiết lạnh và ngồi trong nhà buồn hiu quạnh khiến người dân Thụy Điển tích cực tham gia các hoạt động thể thao, tạo nên những cơ thể tuyệt vời mà chúng ta hay được chiêm ngưỡng trên phim ảnh.
Yêu nộp thuế
Nếu xem xét quốc gia nào có người dân yêu nộp thuế nhất thế giới, chắc chắn Thụy Điển là một ứng cử viên sáng giá. Năm 2017, Ngân hàng trung ương Thụy Điển thậm chí đã phải than phiền việc người dân đóng thuế quá nhiều. Tính đến hết năm 2016, Thụy Điển thặng dư ngân sách 85 tỷ Skr, tương đương 9,5 tỷ USD và gần 1/2 trong số này là tiền thuế đóng dư của người dân.
Tuy nhiên việc đóng thuế nhiều này lại không hẳn do ý thức của mọi người mà là do chính sách tài chính.
Năm 2015, Thụy Điển hạ lãi suất xuống dưới 0% để kiềm chế lạm phát, hệ quả là việc gửi tiền trong ngân hàng thương mại không còn hấp dẫn khi càng gửi càng mất tiền. Dẫu vậy, Thụy Điển lại có quy định khá lạ là mọi người có thể đóng thuế dư và hưởng lãi suất tối thiểu 0,56%/năm trên phần thuế dư đó. Hệ quả là mọi người đua nhau đi đóng thuế để hưởng lãi suất.
Trong tổng số 9,5 tỷ USD thặng dư, chính phủ sẽ phải chi 3,5 tỷ USD tiền lãi cho các cá nhân và doanh nghiệp đóng thừa năm 2016.
Chính phủ Thụy Điển hiện đang xem xét để tăng thuế nhằm giảm bớt khoản thặng dư "kỳ cục" này, nhưng mức thuế của nước này lại đang thuộc hàng cao nhất Châu Âu nên các nhà hoạch định chính sách cũng khá bối rối.
Tăng trưởng GDP và thặng dư ngân sách theo % GDP của Thụy Điển
Trước đó, Thụy Điển đã loại bỏ khoản lãi suất 0,56% để tránh tình trạng người dân gửi tiền lấy lãi, nhưng mọi người vẫn tích cực đóng thuế dư bởi gửi tiền lãi suất 0% vẫn hơn là gửi tiền mất phí ở ngân hàng thương mại.
Chán tiền mặt
Với một nền kinh tế sưu cao thuế nặng, người dân ở xa, sống độc lập và hệ thống tài chính công nặng nề, Thụy Điển chắc chắn sẽ ưu tiên cho các giải pháp thanh toán điện tử như tiền ảo, hay chuyển khoản. Như một lẽ tất nhiên, người dân nước này cũng ghét tiền mặt bởi họ có thể đóng thuế hay nhận trợ giúp từ chính phủ qua tài khoản ngân hàng dễ dàng hơn.
Khoảng 20% người dân Thụy Điển hiện nay không còn dùng máy rút tiền tự động (ATM). Tiền mặt hiện chỉ còn đại diện cho 1% nền kinh tế Thụy Điển, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung 10% của Châu Âu và 8% của Mỹ.
Hiện Thụy Điển đang là thị trường ít sử dụng tiền mặt nhất thế giới. Hầu hết các chi nhánh ngân hàng của nước này đã dừng nghiệp vụ rút tiền mặt trong khi nhiều cửa hàng, nhà hàng, dịch vụ chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ hay trực tuyến. Tuy nhiên, thách thức với Thụy Điển hiện nay là còn khá nhiều người cao tuổi chưa tiếp cận được với loại hình thanh toán này.
Năm 2017, tổng lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường Thụy Điển rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990 và thấp hơn 40% so với mức đỉnh năm 2007.
Khảo sát của Insight Intelligence cho thấy chỉ 25% số người Thụy Điển thanh toán tiền mặt ít nhất 1 lần/tuần năm 2017, thấp hơn 63% so với cách đây 4 năm. Trong khi đó, khoảng 36% số người dân không dùng tiền mặt hoặc chỉ dùng 1-2 lần mỗi năm.
Đến năm 2018, chỉ khoảng 10% số người Thụy Điển tiêu tiền mặt trong cả năm, thấp hơn so với mức 40% của năm 2010.
Đối với nhiều người, việc từ bỏ sử dụng tiền mặt có lẽ là bước tiến tốt với nền kinh tế trong cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, chính phủ Thụy Điển thì khá lo lắng bởi cơ sở hạ tầng của quốc gia này vẫn chưa hoàn toàn chống chịu được các cuộc tấn công mạng.
Lượng tiền mặt lưu thông tại Thụy Điển xuống thấp kỷ lục năm 2017
Tỷ lệ thay đổi lượng tiền mặt trong nền kinh tế Thụy Điển (%)
Nhịp Sống Kinh Tế