Tiền đã chảy ra mạnh hơn sau nới lỏng giãn cách, vốn đầu tư công tiếp tục dồn lượng lớn vào hai tháng cuối năm
Tháng đầu tiên nới lỏng giãn cách xã hội tại hầu hết các địa phương, vốn đầu tư từ NSNN đã tăng khá mạnh trong tháng 10, song lũy kế mới chỉ được 64,7% kế hoạch năm; hơn 35% còn lại dồn vào hai tháng cuối năm.
- 29-10-2021Lộ diện top 10 địa phương đứng đầu về vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN 10 tháng đầu năm
- 29-10-2021Đề xuất lập dự án thu phí ô tô vào nội đô TP HCM
- 28-09-2021Thủ tướng phê bình nghiêm khắc những nơi có tỷ lệ giải ngân đầu tư công dưới 40%
Tổng cục Thống kê ( GSO ) vừa công bố báo cáo về Tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021, trong đó, cập nhật một số thông tin về tình hình đầu tư và đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn.
Trong tháng 10, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước tính đạt 41,7 nghìn tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Trung ương quản lý 7,7 nghìn tỷ đồng, giảm 19,5%; vốn địa phương quản lý 34 nghìn tỷ đồng, giảm 16,9%.
Tuy nhiên, so với tháng liền kề, vốn đầu tư thực hiện từ NSNN đã tăng 18,6%.
GSO đánh giá, việc các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng, cùng với các bộ, ngành và địa phương đang nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công đã giúp hoạt động này được cải thiện trong tháng.
Lũy kế 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 318,6 nghìn tỷ đồng, bằng 64,7% kế hoạch năm và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 67,8% và tăng 31,6%).
Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 56 nghìn tỷ đồng, bằng 66,6% kế hoạch năm và giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn địa phương quản lý đạt 262,6 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2020
Trong phần vốn NSNN địa phương, vốn NSNN cấp tỉnh đạt 175,9 nghìn tỷ đồng, bằng 61,4% và giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2020; vốn NSNN cấp huyện đạt 72,8 nghìn tỷ đồng, bằng 69,1% và giảm 10,1%; vốn NSNN cấp xã đạt 13,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,9% và giảm 10%.
THU HÚT VỐN FDI GIỮ VỮNG XU HƯỚNG TĂNG NHỜ CÁC DỰ ÁN TỶ USD
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài , lũy kế đến ngày 20/10/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 10 tháng, Việt Nam đã có tới 3 dự án tỷ USD mới được cấp chứng nhận đầu tư và điều chỉnh, bao gồm Dự án Điện LNG Long An (3,1 tỷ USD); LD Display Hải Phòng (tăng vốn thêm 2,15 tỷ USD); Nhiệt điện Ô Môn II (1,31 tỷ USD). Đây là nguyên nhân chính làm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm đều tăng khá so cùng kỳ, bất chấp ảnh hưởng từ COVID-19.
Trong giai đoạn, đã có 1.375 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 13,02 tỷ USD, giảm 34,5% về số dự án và tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Với việc nhiều nhà máy đã bị ngưng hoặc giảm công suất, ước tính các dự án ĐTNN đã giải ngân được 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020, và tiếp tục giảm 0,6 điểm phần % so với 9 tháng năm 2021.
Trong kỳ, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Xét theo đối tác đầu tư, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 quốc gia có nhiều nhà ĐTNN rót vốn nhất vào Việt Nam.
Trong đó, Singapore tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,77 tỷ USD, chiếm 28,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 9,9% so với cùng kỳ 2020. Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,15 tỷ USD, chiếm 17,5% tổng vốn đầu tư, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,4 tỷ USD, chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư, tăng 89,9% so với cùng kỳ.
Nếu xét về số dự án, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các địa phương có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh.
Trong đó, TP.HCM dẫn đầu cả về số dự án mới (34,1%), số lượt dự án điều chỉnh (17,7%) và GVMCP (59,4%). Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút ĐTNN, song xếp thứ hai về số dự án mới (21,8%), số lượt dự án điều chỉnh (14,9%) và GVMCP (12,1%).
BizLive