MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiến độ 'siêu' sân bay Long Thành đang thế nào?

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành. Ảnh: ACV

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành. Ảnh: ACV

Các dự án thành phần dự án sân bay Long Thành cơ bản đáp ứng tiến độ, song, vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần phải khắc phục.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn thể vừa có báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra vào chiều 7/6 đến hết ngày 9/6.

Cơ bản đáp ứng tiến độ

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi Quốc hội có Nghị quyết số 95 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai), Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương tổ chức lập dự án đầu tư, thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Dự án có quy mô 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự án là 109.111,742 tỷ đồng (4.664,89 triệu USD), thời gian thực hiện giai đoạn 2020-2025.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần 1 gồm các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước (hải quan, an ninh...); dự án thành phần 2 gồm các công trình phục vụ quản lý bay; dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu trong cảng hàng không; dự án thành phần 4 gồm các công trình khác (hanga, logistic…).

Đối với dự án thành phần 1 (trụ sở các cơ quan quản lý), ngoài trụ sở cảng vụ hàng không, Bộ GTVT đã bố trí vốn để Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư, các trụ sở còn lại (Hải quan, Quản lý xuất nhập cảnh...) đã được các cơ quan chủ quản giao đơn vị chuẩn bị đầu tư và đang cân đối vốn để triển khai thực hiện.

Đối với dự án thành phần 2 (công trình bảo đảm hoạt động bay), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đang chỉ đạo tư vấn hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật, dự kiến khởi công trước tháng 10/2022 theo kế hoạch.

Đối với dự án thành phần 3 (dự án thành phần chính) do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chức năng chủ sở hữu của ACV.

Trong giai đoạn đầu triển khai dự án (từ tháng 11/2020-2/2022), ACV chủ yếu tập trung phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai trong công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ và xây dựng tường rào tại các khu vực đã bàn giao mặt bằng; triển khai công tác khảo sát, thiết kế, khởi công gói thầu san nền...

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và tổ chức thực hiện chưa đạt hiệu quả, chưa xứng tầm với quy mô của dự án quan trọng quốc gia; tổ chức, hoạt động, các trang thiết bị và trụ sở làm việc của Ban quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong đợt kiểm tra công trường từ ngày 4-6/2/2022, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT đã chỉ đạo ACV củng cố, tăng cường nhân sự và kiện toàn ban quản lý dự án có đủ năng lực, hoạt động độc lập; xây dựng trụ sở làm việc có đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện làm việc và quy mô của dự án.

Đến nay, việc triển khai hiện dự án đã có chuyển biến tích cực. Tiến độ thi công san nền, thi công kết cấu móng của nhà ga (khởi công ngày 30/3/2022), chuẩn bị các thủ tục thiết kế, đấu thầu để khởi công phần thân của nhà ga (dự kiến tháng 10/2022), khởi công các hạng mục khu bay (dự kiến tháng 12/2022) cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Hiện nay, đối với mặt bằng xây dựng giai đoạn 1 đã bàn giao 1.700,8/1.810 ha (93,9%), khu vực dự trữ đất đã bàn giao 543,07/722 ha (75,2%). Các nhà thầu đang tập trung san nền (khối lượng đào, đắp đạt khoảng 10 triệu m3), đối với khu vực nhà ga hành khách đã thi công hoàn thành 15 cọc thử, đang triển khai công tác thí nghiệm để thi công cọc đại trà.

Còn đối với dự án thành phần 4 (các công trình khác), Cục Hàng không Việt Nam đang hoàn chỉnh các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư (đã phê duyệt danh mục 2/11 hạng mục và đăng tải thông tin để lựa chọn nhà đầu tư; các hạng mục còn lại đang được tiếp tục triển khai thực hiện).

Còn tồn tại nhiều hạn chế

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án thành phần 1, ngoài trụ sở cảng vụ hàng không, các trụ sở còn lại do kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chưa được các Bộ chủ quản và UBND tỉnh phê duyệt, nên công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm.

Dự án thành phần 3, phần mặt bằng khu vực san nền và khu vực dự trữ chưa được bàn giao toàn bộ, còn hiện tượng "xôi đỗ" nên nhà thầu chưa phát huy hết năng lực san nền trên toàn bộ dự án; tường rào ranh giới cho toàn bộ 5.000 ha chưa được xây dựng nên tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn cũng như tái lấn chiếm. Đối với hạng mục đường công vụ chính (tuyến số 1 và số 2) mới đang kiểm đếm nên tiềm ẩn nguy cơ không có mặt bằng để triển khai khởi công vào tháng 12/2022 và ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Trong thời gian qua, mặc dù công tác tổ chức bộ máy, quản lý điều hành của ACV đã được kiện toàn. Tuy nhiên, đây là dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp cần tiếp tục rà soát tăng cường để bảo đảm phù hợp với quy mô của dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Dự án có yêu cầu về huy động vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong bối cảnh biến động giá tăng cao nên cần xây dựng kế hoạch thu xếp và huy động vốn phù hợp cho dự án để bảo đảm tính khả thi.

Từ đó, để bảo đảm tiến độ dự án, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ đối với dự án để thống nhất trong công tác chỉ đạo và triển khai; Bộ GTVT cũng đã thành lập Ban chỉ đạo do Thứ trưởng Bộ GTVT làm trưởng ban để kịp thời đôn đốc thực hiện, bảo đảm tiến độ.

Bộ GTVT, ACV đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để giải quyết vấn đề mặt bằng "xôi đỗ", đề nghị tỉnh Đồng Nai sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng khu vực 4, 5 (khu trữ đất) và 14, 17, 18 (khu xây dựng) để không ảnh hưởng đến tiến độ công tác san nền và bàn giao toàn bộ mặt bằng của dự án trong tháng 6/2022 để xây dựng tường rào ranh giới bảo đảm an ninh, an toàn, chống lấn chiếm.

Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị xây dựng tiến độ tổng thể đối với các dự án thành phần để thống nhất chỉ đạo. Thường xuyên họp kiểm điểm tiến độ thực hiện đối với các dự án thành phần, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai; phối hợp với các bộ, ngành bố trí vốn để xây dựng trụ sở các cơ quản lý, phấn đấu hoàn thành đồng bộ dự án vào năm 2025 theo đúng kế hoạch.

Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thường xuyên theo dõi hoạt động quản lý dự án của ACV để kịp thời củng cố, tăng cường nhân lực trong điều hành, quản lý dự án và chỉ đạo xây dựng kế hoạch thu xếp nguồn vốn đáp ứng tiến độ dự án.

Theo Đình Nguyên

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên