MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền không “chết”!

16-04-2017 - 20:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Tín dụng tăng mạnh mà GDP lại giảm tốc trong quý 1 khiến nhiều người đặt dấu hỏi về nghịch lý này cũng như hoài nghi về dòng tiền "chết" bởi bị hút một phần vào giải quyết nợ xấu...

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Theo Tổng cục Thống kế, tính đến ngày 20/3/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,88% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 3,08%). Huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,43% (cùng kỳ năm 2016 tăng 2,26%). Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm đã tăng mạnh nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, đạt 2,81%

Trong khi đó, tăng trưởng GDP quí 1 năm nay chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong 3 năm gần đây (6,12% của quí 1/2015 và 5,48% của quí 1/2016). Trong bối cảnh cung tiền và tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh nhưng tăng trưởng GDP lại suy giảm, vấn đề được đặt ra là đây có phải là nghịch lý không, và vậy thì tiền đi đâu?

Tiền không “chết”!

Cũng có nhiều người giải thích rằng tiền NHNN “bơm” ra nền kinh tế và được các ngân hàng thương mại huy động, đang được các ngân hàng này sử dụng để trả lãi cho vốn huy động về để cho vay nhưng những khoản vay này đã biến thành nợ xấu (vì thế không thu được lãi và vốn), đồng thời phải đem “cất kho” một phần để sẵn sàng thanh toán cho người gửi tiền khi đến hạn thanh toán. Giải thích này không thỏa đáng lắm vì nếu phần vốn “chết” để giải quyết nợ xấu lớn đáng kể thì tăng trưởng tín dụng không thể tăng mạnh như vậy (2,81%), mà lại còn mạnh nhất trong 6 năm qua, trong khi tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (cung tiền) tăng chậm hơn cùng kỳ năm trước.

Hơn nữa, dù ngân hàng có cần phải dự trữ sẵn vốn để thanh toán cho khoản vốn huy động bị biến thành nợ xấu khi đến thời điểm đáo hạn thì họ cũng không cần phải đem số vốn này “cất kho” theo đúng nghĩa đen. Vì sự đáo hạn vốn huy động phần lớn là biết trước, có lịch trình cụ thể, nên các ngân hàng hoàn toàn có thể chủ động đem số vốn này cho vay hoặc đầu tư có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn để đến lúc cần có thể rút về chi trả cho người gửi tiền. Mà nếu làm như vậy thì số vốn này không phải là vốn “chết”, và vẫn sẽ được phản ánh vào mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.

Kể cả với số vốn huy động từ nguồn tiền gửi không kỳ hạn hoặc tiền có trong tài khoản thanh toán của khách hàng thì ngân hàng cũng không cần phải “cất kho” một số tiền tương ứng để sẵn sàng trả lại cho khách khi khách rút ra. Một phần đơn giản vì ngân hàng cũng thường xuyên huy động vốn có kỳ hạn và không kỳ hạn nên luồng vốn vào ra luôn quay vòng, không đến mức thiếu hụt, không trông vào đâu để chi trả nên không cần phải dự trữ quá nhiều tiền mặt. Kể cả trong những thời điểm khan hiếm thanh khoản, các ngân hàng hoàn toàn vẫn có thể trông cậy vào các nguồn như vay liên ngân hàng, rút từ khoản tiền gửi của mình tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hoặc vay (chiết khấu) từ NHNN v.v…

Nói cách khác, không có lý do đáng tin cậy để cho rằng tuy cung tiền và tín dụng đã tăng mạnh như vừa qua nhưng đã có một phần đáng kể số tăng lên này bị “hút” vào giải quyết nợ xấu nên làm giảm đà tăng trưởng GDP.

Tăng trưởng tín dụng không nhất thiết đồng nhịp với tăng trưởng GDP

Vậy phải giải thích thế nào về tình trạng tín dụng tăng mạnh mà GDP lại giảm tốc trong quý 1? Điều trước tiên có thể nói ngay được là tuy tăng trưởng tín dụng có thể có mối liên hệ gắn kết nào đó với tăng trưởng GDP nhưng điều này không có nghĩa là nếu quý 1 có tăng trưởng tín dụng mạnh hơn thì tăng trưởng GDP của quý 1 cũng sẽ phải cao hơn. Rất có thể tác động của tăng trưởng tín dụng trong quý 1 sẽ được phản ánh ở tăng trưởng GDP ở quý 2, quý 3, quý 4 hoặc thậm chí tận năm sau.

Để dễ hiểu, chẳng hạn có một dự án đầu tư lớn được ngân hàng giải ngân vay vốn cuối tháng 3, và vốn giải ngân này sẽ được tính vào tổng tín dụng cho nền kinh tế trong quý 1. Nhưng số vốn giải ngân này nếu có phát huy tác dụng lên tăng trưởng thì chỉ là bắt đầu từ quý 2, và thậm chí chỉ có tác dụng đáng kể càng về sau này khi nó bắt đầu lôi kéo theo, kích hoạt các hoạt động kinh tế khác và nhất là khi dự án hoàn thành và bắt đầu đi vào sản xuất.

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng không tỷ lệ thuận với tăng trưởng GDP theo kiểu tín dụng tăng X% thì GDP phải tăng trưởng Y%. Tăng trưởng GDP phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó tín dụng chỉ là một chứ không phải là tất cả. Ngoài chuyện “lệch pha” trên, rất có thể trong quý 1 (hoặc quý nào cũng vậy) đã có những diễn biến bất lợi nào đó làm cho GDP tăng trưởng yếu đi, làm giảm tác động từ yếu tố tín dụng tăng mạnh lên tăng trưởng GDP.

Thứ ba, cũng theo nguyên lý “nhiều quá thì cũng không tốt”, cung tiền và tín dụng tăng mạnh nhiều khi làm “bội thực” nền kinh tế thực nên rốt cuộc tiền chạy lòng vòng, chảy vào các tài sản tài chính và đầu cơ, không có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP.

Ví dụ, người A vay tiền ngân hàng để mua cổ phiếu làm tăng giá cổ phiếu. Người B bán cổ phiếu cho A nhận được tiền nhưng không gửi vào ngân hàng mà tiếp tục mua cổ phiếu khác hoặc tài sản khác (gồm bất động sản, vàng và ngoại tệ), và cứ như vậy. Trong trường hợp này, tổng tín dụng có tăng nhờ ngân hàng cho những người như A vay, nhưng tín dụng chảy vào nền kinh tế thực không tăng hoặc tăng không tương xứng với lượng tín dụng mà ngân hàng rót cho những người như A. Do đó, tăng trưởng của nền kinh tế thực không thay đổi (đáng kể), dù trên thực tế tổng tín dụng đã tăng (mạnh).

Để cho dễ hình dung hơn, hãy nhớ lại thời điểm mấy năm trước đây có lúc tín dụng tăng vọt 30-40%/năm trong khi GDP chỉ tăng trưởng quanh quẩn 5%/năm, đi kèm với sự tăng mạnh giá cổ phiếu, vàng và ngoại tệ, cũng như lạm phát...

Tóm lại, có nhiều lý do để thấy tăng trưởng tín dụng không phải là một chỉ biểu hữu hiệu cho, cũng không phải là yếu tố quyết định đến tăng trưởng GDP. Và do không có một mối liên hệ vững chắc giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP nên cần tránh chính sách “thúc” tăng trưởng tín dụng bằng mọi cách, nhiều khi bất cẩn, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP.

TS. Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên