MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền không thiết yếu?

24-07-2021 - 21:18 PM | Tài chính - ngân hàng

Xe chở tiền bị chốt kiểm dịch yêu cầu "quay đầu" vì "không phải "hàng thiết yếu" (ảnh cắt từ clip)

Xe chở tiền bị chốt kiểm dịch yêu cầu "quay đầu" vì "không phải "hàng thiết yếu" (ảnh cắt từ clip)

Chỉ trong mùa dịch này, chúng ta mới chứng kiến và suy ngẫm nhiều về khái niệm “thiết yếu”. Đôi khi, thiết yếu của người này không là thiết yếu của người kia và ngược lại.

Ngay cả khi chiếu theo quy định thì thiết yếu trong quy định chưa hẳn đã bao trùm đủ "thiếu yếu" của người dân, cũng như của thực tế đời sống, của vận động kinh tế.

Cip một người tài xế quay lại mới đây đã khiến cộng đồng mạng xôn xao khi ghi cảnh một tài xế ô tô bị yêu cầu quay đầu tại một chốt kiểm soát dịch trên địa bàn huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận), không được qua chốt kiểm soát dịch COVID-19 với lý do không vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Theo nội dung đoạn clip, một nam tài xế đang được cán bộ trực chốt kiểm tra giấy tờ, bao gồm giấy xác nhận công việc, giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Sau khi hỏi số người, cán bộ công an kiểm tra thêm chứng minh nhân dân và thông báo 3 người trên xe xuống khai báo y tế. Lúc này, một người đàn ông đến và yêu cầu cán bộ công an mời tài xế quay đầu xe, không được qua chốt với lý do tiền là "mặt hàng không cần thiết". Người tài xế đã thông báo xe chở tiền là "chở hàng đặc biệt" và giải thích "ai cũng sợ dịch" nhưng "mỗi ngày vẫn phải có 3 chuyến xe theo yêu cầu của cơ quan". Sau đó, người đàn ông mặc áo xanh vẫn không thay đổi quyết định và nói thêm "tiền này cũng chưa được cấp phép". Cuối cùng sau quá trình giải thích, bộ phận chốt kiểm dịch xác định được tài xế làm việc tại một chi nhánh ngân hàng ở huyện Ninh Hải và có đầy đủ các giấy tờ liên quan cũng như khai báo y tế đầy đủ, đã cho tài xế chở xe tiền đi.

Xe tiền , gần nhất là xe chở đường, sữa cũng có lúc bị yêu cầu quay đầu do là hàng hóa thiết yếu trong danh mục của địa phương này nhưng không phải trong danh mục thiết yếu của địa phương kia, hay người dân đi mua bánh mì, bắp… cũng bị phạt vì ra đường mua hàng không thiết yếu… đã nối dài danh sách những nút thắt sinh ra ngay trong khái niệm "thiết yếu" của từng người, từng địa phương ở thời giãn cách. Trong các tình huống đó, riêng tiền thực sự không phải hàng hóa mà cũng không ăn, uống, chữa bệnh, sử dụng gia dụng gia đình được… nên không có trong bất kỳ danh mục quy định thiết yếu nào.

Nhưng tiền có thiết yếu không? Hơn cả thiết yếu, tiền có thể mua được hàng hóa thiết yếu, là loại phương tiện trao đổi, thanh toán hàng hóa được pháp luật bảo hộ, công nhận. Không có tiền, chúng ta sẽ trở ngược lại thời kỳ kim tệ, hóa tệ, hàng đổi hàng… những thời kỳ mà thẳng thắn phải nói rằng trong những thời khắc chưa từng có của lịch sử nhân loại như đợt dịch bệnh này, có những người, những gia đình, những địa phương… cũng có lúc đã/ phải ứng xử như thể chúng ta đang lùi lại trước đó; dù rằng, thế giới cơ bản vẫn đã tiến lên bút tệ lẫn tiền điện tử.

Bởi thực tế cũng đã có rất nhiều người có tiền cũng không mua được hàng. Có người có hàng cũng không thể bán được thu lại tiền. Và với người lái xe chi nhánh ngân hàng cụ thể như trên hoặc với người cán bộ "ách" xe tiền – điểm tham chiếu rõ ràng là khác nhau bởi với người này xe tiền không phải hàng hóa thiết yếu, không dùng, không ăn được (như quy định), còn với một bên đó lại là hàng đặc biệt, như thuật ngữ kinh tế vẫn hay gọi là "huyết mạch" không chỉ của cơ thể ngân hàng.

Sự khác biệt, lệch pha điểm tham chiếu, từ từng góc nhìn, lẽ ra có thể vận dụng hệ quy chuẩn chung là quy định. Nhưng quy định chưa đủ phổ rộng, chưa cập nhật… khó tránh những "pha" khóc cười như trên sẽ còn tiếp tục diễn ra trong mùa dịch.

Cũng khó trách các địa phương phải ra văn bản quy định thế nào là hàng hóa thiết yếu – điều mà ngày thường chúng ta sẽ không bao giờ được chứng kiến, cũng không có tranh cãi – mà các quy định sẽ không đồng nhất, nhưng chắc chắn là đồng hướng.

Có các "quy định" cấp địa phương, dĩ nhiên thiết yếu của nơi này vẫn không hẳn sẽ là thiết yếu nơi kia. Danh mục nước ngọt đóng chai, lon, thùng… theo một quy định có thể không thiết yếu với gia đình có con nhỏ, khát sữa; hoặc với người có nhu cầu uống trà, cà phê như cơm bữa mỗi ngày…

Dù thế nào thì chúng ta cũng không "đổ lỗi cho hoàn cảnh"; cũng không đổ lỗi cho sự cứng nhắc của bất kỳ ai.

Đại dịch đang ngay trước mặt và câu chuyện từ bánh mì, đường sữa đến xe tiền ách tắc… hy vọng sẽ chỉ là những nút tạm thắt trong tức thời, để sau đó sự lưu thông của thiết yếu, của tiền đến hàng sẽ có độ nhạy, thông suốt hơn.

Vì tất cả chúng ta lúc này hay bình thường, vẫn luôn thiết yếu cần tiền, cần hàng, và hơn thế là cần sự an toàn của bản thân, gia đình, cũng cần sự an toàn của chuỗi cung ứng và nền kinh tế!

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên