MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền lương thực tế tại Nhật Bản giảm 23 tháng liên tiếp, BOJ liệu có khôi phục lãi suất âm?

08-04-2024 - 15:21 PM | Tài chính quốc tế

Tiền lương thực tế ở Nhật Bản giảm tháng thứ 23 liên tiếp. Điều này cho thấy lạm phát cao vẫn đang ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng nước này.

Tiền lương thực tế tại Nhật Bản giảm 23 tháng liên tiếp, BOJ liệu có khôi phục lãi suất âm?- Ảnh 1.

Dữ liệu công bố ngày 8/4 cho thấy tiền lương thực tế trong tháng 2 đã giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều hơn so với mức giảm 1,1% trong tháng 1.

Tuy nhiên, tiền lương danh nghĩa tăng 1,8%. Dữ liệu cho thấy các khoản tiền khác, bao gồm tiền thưởng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu này được đưa ra sau khi các liên đoàn lao động Nhật Bản đạt được thoả thuận tăng lương cao nhất trong vòng 33 năm. Nhưng việc tăng lương này chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận người lao động Nhật Bản, vì chỉ 16,3% người lao động tham gia các liên đoàn trong nước. Phần lớn họ cũng là nhân viên của các công ty lớn.

Điều đó cho thấy “chu kỳ tích cực” giữa tiền lương và giá cả có thể bị hạn chế, do người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với giá cả đắt đỏ mà tiền lương vẫn trì trệ.

Lạm phát đã vượt mục tiêu 2% của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) kể từ tháng 4/2022. Nếu tiền lương thực tế tiếp tục giảm, người tiêu dùng có thể chọn tiết kiệm thay vì chi tiêu, dẫn đến ít nhu cầu và động lực tăng giá.

Chiến lược gia trưởng về ngoại hối Hirofumi Suzuki tại Sumitomo Mitsui Banking Corporation cho biết việc tăng lương cho thành viên liên đoàn có thể lan truyền và mở rộng. Ông lưu ý rằng “mức tăng lương năm nay cũng tương đối mạnh và dường như phù hợp với “chu kỳ tích cực” của BOJ.

Chiến lược gia Suzuki cho biết số liệu mới nhất từ liên đoàn Rengo ước tính mức lương danh nghĩa tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 3,2%, không xa mức 3,7% của các doanh nghiệp lớn.

Các đánh giá kinh tế khu vực của BOJ trong tháng 4 cũng chỉ ra rằng tình hình việc làm và thu nhập ở 8 trong số 9 khu vực của Nhật Bản đang “được cải thiện vừa phải”.

Ngay cả khi tiền lương thực tế không tăng, chiến lược gia Suzuki cho biết khó có khả năng BOJ sẽ khôi phục chính sách lãi suất âm hoặc chính sách kiểm soát đường cong lợi suất. Bởi vì môi trường lạm phát hiện tại đã khác trước đây.

Trong tương lai, vị chiến lược gia cho biết các nhà đầu tư cần theo dõi dữ liệu lạm phát, tiền lương và tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn tháng 6-7. Hầu hết năm tài chính của công ty Nhật Bản đều bắt đầu vào ngày 1/4. Do đó, những thông báo quan trọng, bao gồm cả việc tăng lương, sẽ sớm được công bố.

Các nhà kinh tế sẽ theo dõi xem liệu mức lương thực tế có tăng và thúc đẩy tiêu dùng hay không. Báo cáo tiền lương hàng tháng là một trong những vấn đề quan trọng cần cân nhắc khi BOJ xây dựng chính sách tiền tệ.

Khi BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm và bãi bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất vào tháng trước, ngân hàng trung ương cho biết “dữ liệu và thông tin gần đây đã dần dần cho thấy rằng chu kỳ tích cực giữa tiền lương và giá cả đã trở nên vững chắc hơn”.

BOJ cũng dự đoán “mục tiêu ổn định giá” 2% sẽ đạt được một cách bền vững vào cuối năm 2024.

Do đó, chiến lược gia Suzuki dự đoán BOJ nếu có thay đổi chính sách cũng sẽ đợi đến đầu mùa thu. SMBC dự báo đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 10.

Theo CNBC

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên