Tiền thưởng Tết bị trừ thuế ra sao mà dân công sở "ấm ức" đến vậy?
Theo quy định hiện nay, số tiền thưởng Tết càng lớn thì mức thuế mà người lao động phải chịu lại càng cao hơn, mức cao nhất "gặm" mất hơn 1/3 số tiền thưởng.
- 04-01-2020Thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cao nhất nước là gần 1 tỷ đồng
- 03-01-2020Soi thưởng Tết tại các công ty công nghệ Việt Nam: Thưởng cao nhất 6 tháng lương, có nơi không thưởng
- 26-12-2019Đà Nẵng: Thưởng Tết Canh Tý cao nhất gần 1 tỉ đồng, thấp nhất 100.000 đồng
Chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết Nguyên Đán Canh Tý, các doanh nghiệp đã bắt đầu chi trả tiền thưởng Tết, lương tháng thứ 13 cho người lao động. Sau một năm làm việc miệt mài, thưởng Tết giống như lời tri ân của doanh nghiệp đối với người lao động, là sự ghi nhận những đóng góp của mỗi nhân viên. Tuy nhiên, thưởng Tết không chỉ mang tới toàn niềm vui, nhiều người thậm chí còn sốc nặng sau tiếng "ting ting", mở ra số tiền thực nhận sau thuế.
Thưởng Tết liệu chỉ có toàn niềm vui?
Cách đây ít bữa, anh Sơn (nhân viên ngân hàng ở Hà Nội) hồ hởi đăng status lên trang cá nhân khoe với bạn bè, rằng vừa nhận được thông báo về món thưởng Tết "siêu to khổng lồ" lên tới 200 triệu đồng. Đây số tiền thưởng Tết lớn nhất mà anh từng nhận được.
Tuy nhiên niềm vui ngắn chẳng tày gang, tới trưa nay lại thấy anh Sơn đăng status mở đầu bằng chữ "SỐC". Anh cho biết mình choáng đặc khi số tiền thực nhận bị "hụt" mất hơn 60 triệu đồng do trừ thuế thu nhập cá nhân!
Giống như số tiền thưởng Tết vạn người mơ, đây cũng là lần đầu tiên anh Sơn cảm nhận được gánh nặng từ thuế thu nhập. Những nơi anh từng làm trước đây hoặc là trả lương net sau thuế, hoặc là không có thưởng Tết nên anh chưa được trải nghiệm bao giờ...
"Tôi có biết là thưởng Tết sẽ bị tính thuế, nhưng không thể hiểu nổi sao lại cao đến như vậy. Đang hí hửng định ra riêng sẽ gom tiền mua một chiếc ô tô để tiện đi lại với về quê, nhưng có lẽ sẽ phải chờ lâu hơn rồi. Cảm giác như vừa bị 'mất cắp' 60 triệu vậy...", anh Sơn chia sẻ.
Nhiều người choáng váng sau khi biết số tiền thưởng thực nhận sau thuế.
Không bị "mất cắp" nhiều như anh Sơn bởi mức thưởng thấp hơn rất nhiều, chỉ hơn 20 triệu đồng, tuy nhiên chị Thảo (nhân viên văn phòng) cũng bày tỏ bức xúc với mức thuế thu nhập cá nhân đánh vào khoản thưởng Tết của mình.
"Lương hàng tháng của mình cũng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ, rồi tiền thuê nhà cao chót vót ở đất Thủ Đô, tích lũy chẳng được là bao. Mà đều như vắt chanh, tháng nào cũng nộp thuế thu nhập rồi. Thế mà đến khi nhận thưởng Tết vẫn bị trừ mất mấy triệu lận, thực sự cảm thấy xót xa", chị Thảo tâm sự.
Nghĩ cho cùng, nếu thu nhập cao cỡ anh Sơn thì việc nộp thuế thu nhập, tiếc thì có tiếc đấy, nhưng cũng không ảnh hưởng mấy tới cuộc sống của anh. Có chăng chỉ là chịu khó đi xe máy thêm vài ba tháng. "Cay đắng" nhất phải kể đến trường hợp của Hoàng Đức, nhân viên IT với mức lương tháng vỏn vẹn 7 triệu đồng. Sống giữa Sài Gòn hoa lệ với mức lương khỏi cần đóng thuế TNCN, cảnh chưa hết tháng đã hết tiền, Đức chẳng lấy gì làm lạ lẫm.
Làm cho công ty hiện tại được tròn 1 năm, Đức cũng mừng vì vừa đủ thời gian công tác để được nhận thưởng Tết theo quy chế của công ty. Năm nay, nhằm "tạo điều kiện" cho nhân viên ăn Tết sung túc, đầy đủ hơn, ngoài lương tháng 1 và lương tháng thứ 13, công ty Đức còn cho tạm ứng luôn 70% lương tháng 2. Tổng cộng là gần 20 triệu đồng.
Thế là Đức phải đóng thuế thu nhập...
"Bình thường lương em còn chẳng đủ điều kiện để nộp thuế thu nhập nên cũng không để ý tới. Hôm trước nhận thông báo thưởng mừng rơi nước mắt, nghĩ đến Tết có thể vênh mặt ngồi nhà chờ hàng xóm sang chúc Tết, hỏi chuyện. Thế mà lúc nhận về thấy biến đâu mất hơn hơn 2 triệu. Cầm tiền chưa kịp nóng tay, nghĩ tới ra Giêng chỉ còn 30% lương tháng nữa mà em muốn khóc...", Đức ấm ức.
Số tiền thuế hơn 2 triệu đồng có thể không lớn với nhiều người, nhưng nó là 1/3 lương tháng của Đức.
Vậy thưởng Tết bị áp thuế ra sao mà khiến dân tình khóc ròng như thế?
Theo quy định tại Điều 3, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012, thu nhập chịu thuế được nhắc tới bao gồm cả các khoản phụ cấp, trợ cấp, và tiền thưởng... Chiếu theo quy định này, tiền thưởng Tết cũng sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân giống như tiền lương hàng tháng.
Bên cạnh đó, do pháp luật hiện tại không quy định về khoản lương tháng thứ 13 nên khoản này được xem là tiền thưởng cuối năm do các doanh nghiệp tự quy định, nên cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân tương tự, chỉ được miễn đóng bảo hiểm xã hội.
Cách tính thuế đối với tiền thưởng Tết hiện dựa trên biểu thuế luỹ tiến từng phần như với thu nhập từ tiền lương hàng tháng, mỗi mức thưởng từ thấp đến cao có thuế suất tương ứng từ 5-35%.
Các mức thuế suất tương ứng với thu nhập hàng tháng.
Chiếu theo bảng trên, nếu doanh nghiệp gộp tiền thưởng Tết và lương tháng thứ 13 vào và chi trả một lần, người lao động sẽ phải chịu mức thuế cao. Ngược lại nếu được chia trả thành nhiều đợt, mức thuế suất sẽ thấp hơn rất nhiều.
Do có cùng cách tính thuế thu nhập với lương tháng, thưởng Tết và lương tháng thứ 13 cũng phải chịu các mức thuế như bảng trên.
Ví dụ như trường hợp của chị Thảo với mức thưởng Tết là 20 triệu thì số tiền thuế phải nộp là 5 triệu có mức thuế 5%, 5 triệu có mức thuế 10%, 8 triệu có mức thuế 15% và 2 triệu có mức thuế 20%. Như vậy số tiền thuế chị Thảo phải nộp sẽ là 5x5% + 5x10% + 8x15% +2x15% = 2,35 triệu đồng.
Còn với mức thưởng 200 triệu đồng, với cách tính tương tự, số tiền thuế anh Sơn phải nộp là 60,15 triệu đồng.
Gọi số tiền thưởng Tết trước thuế là T, ta có cách tính rút gọn thuế thu nhập phải nộp như sau:
Như vậy, với số tiền thưởng tết lần lượt là 10, 50, 100, 200, 500 triệu, người lao động sẽ phải nộp số tiền thuế tương ứng lần lượt là 0.75, 9.25, 25.15, 60.15 và 165.15 triệu đồng. Có thể thấy nếu bạn được thưởng Tết nửa tỷ đồng, số tiền nộp thuế sẽ tương đương với 2 chiếc xe máy SH...
Trên thực tế tại một số doanh nghiệp, khi nhận tiền thưởng Tết và chi tiết thuế từ kế toán hoặc bộ phận nhân sự, người lao động sẽ thấy số thuế bị trừ có thể ít hơn so với quy định. Ví dụ như anh Sơn có thể sẽ chỉ bị trừ ngay khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số tạm tính được phân bổ để trừ theo tháng, không phải số thuế phải nộp từ tiền thưởng Tết. Phải đến thời điểm quyết toán thuế thì mới biết chính xác số thuế phải nộp là bao nhiêu.
Thông thường, thưởng Tết năm nay được nhận vào đầu năm dương lịch 2020 nên phải đến kỳ quyết toán thuế vào đầu năm 2021 mới xác định được. Cũng bởi vậy nên nhiều trường hợp khi nhận thưởng Tết của năm sau đã bị truy thu tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng tùy mức thu nhập do khoản thuế thưởng Tết chưa được tính toán đủ.
Thưởng Tết cũng được tính giảm trừ gia cảnh
Như đã nói ở trên, với tính chất tương tự như các khoản tiền lương hàng tháng, thưởng Tết, lương tháng thứ 13 cũng được áp dụng các chính sách giảm trừ như người phụ thuộc (9 triệu/người), giảm trừ gia cảnh…
Theo Khoản 1, Điều 103 của Bộ luật Lao động 2012, tiền thưởng tết do người sử dụng lao động quyết định. Vì vậy, doanh nghiệp sử dụng lao động không bắt buộc phải thưởng Tết cho nhân viên. Tuy nhiên, nếu việc chi thưởng được quy định trong hợp đồng hai bên đã ký kết, doanh nghiệp bắt buộc phải chi thưởng như đã cam kết.
Do không phải là khoản thưởng bắt buộc nên doanh nghiệp không nhất thiết phải thưởng hai lần vào Tết Dương lịch và Âm lịch.
Trí thức trẻ