Tiền trong dân còn nhiều, làm sao để huy động vào sản xuất?
Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn tiền trong dân còn rất nhiều, nhưng vấn đề là làm sao huy động được nguồn lực này vào sản xuất kinh doanh, thay vì “đổ” vào đất đai, nhà cửa, vàng bạc…
- 13-10-2021Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 2%
- 13-10-2021WB lý giải nguyên nhân tháng 9 ghi nhận bội chi lớn, nhưng cân đối ngân sách 9 tháng vẫn bội thu
- 13-10-2021Bloomberg: Các 'ông lớn' Samsung, Intel dự kiến khôi phục sản xuất hoàn toàn vào tháng tới?
Chiều 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Tại phiên thảo luận, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh quan tâm đến mục tiêu phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội tập trung vào những ngành, sản phẩm có tính cạnh tranh, lợi thế. Bà Thanh đề nghị bổ sung thêm nội dung “huy động” vào trước phần “phân bổ và sử dụng” nguồn lực. “Phải có huy động mới đến phân bổ và sử dụng nguồn lực”, bà Thanh lưu ý.
Trong đó, bà Thanh đề nghị quan tâm đến việc huy động nguồn lực trong nước. Trưởng Ban công tác đại biểu lý giải, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhưng có thể nói nguồn lực trong nhân dân còn tương đối nhiều, nhưng chưa huy động được. Trên cơ sở đó, bà Thanh đề nghị cần phải huy động nguồn lực trong nước, kết hợp với nguồn lực nước ngoài, đi liền với đó là cải cách thể chế, cơ chế chính sách để huy động nguồn đầu tư từ khối FDI cho phát triển kinh tế xã hội.
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong kế hoạch tái cơ cấu 5 năm tới, phải gắn với chương trình phục hồi tổng thể nền kinh tế và tăng tính tự chủ nền kinh tế. Như vậy, vừa phải trọng cung, vừa phải kích cầu. Tức là coi trọng kích thích các yếu tố phát triển, nhưng cũng phải chú trọng tới kích cầu. Cả tổng cung, tổng cầu phải chú trọng thời gian tới đây.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực cho các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, khoa học công nghệ, thị trường lao động… Vì có loại dịch vụ xuống nhanh, lên nhanh như hàng không, du lịch… Song cũng có khu vực muốn huy động vốn thì lại gặp khó. Vì thế Bộ Tài chính, NHNN Việt Nam cũng cần nghiên cứu giải pháp cải thiện các yếu tố về thể chế, luật pháp...để mở rộng năng lực thị trường vốn (thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp…).
Chủ tịch Quốc hội cho biết: Bây giờ muốn huy động vốn mà không huy động được thì rất khó. Xoay đi xoay lại người mua các loại trái phiếu này cũng là các tổ chức tài chính, chủ yếu là Ngân hàng mua. Cho nên, việc Bộ Tài chính đang tính toán phát hành thêm công trái thông qua người dân như trước đây, vì hiện tiền trong dân khá nhiều…thì cũng cần tính kỹ.
"Kích thích vào đâu để tiền rót vào"
Lãnh đạo Quốc hội cũng lưu ý, phải tập trung phân tích các yếu tố để đánh giá năng lực hấp thụ vốn nền kinh tế. Do đó, cấp bách phải có thêm điều chỉnh chính sách tài khoá, tiền tệ để phục hồi, tái thiết kinh tế, song vấn đề là có tiêu được tiền hay không. Nên tới đây phải có giải pháp để tiền đưa vào chỗ nào, kích thích vào đâu để tiền rót vào mà tiêu được…
Giải trình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng quan tâm đến việc, làm sao để huy động nguồn lực trong dân rất lớn? Làm sao để người dân yên tâm bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh, chứ không phải tập trung vào nhà cửa, đất đai hay vàng, bạc, đô la, hay tích trữ, gửi tiết kiệm mà không đưa vào đầu tư kinh doanh… Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “đây là vấn đề rất lớn, cũng là những vấn đề chúng tôi rất trăn trở”.
Bộ trưởng KH&ĐT cũng cho rằng, các chủ trương của Đảng, Nhà nước rất rõ, nhưng việc thực hiện đang còn có một số vấn đề nhất định. “Trong thời gian tới, làm sao để khơi thông được các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực để huy động các nguồn lực trong dân đang còn rất lớn, bên cạnh sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, rồi sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, vốn của doanh nghiệp nhà nước… Nguồn vốn trong tư nhân còn rất lớn mà chúng ta chưa phát huy được”, ông Dũng cho hay.
Tiền phong