MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếng kêu cứu ở nơi từng là "Thụy Sĩ của Trung Đông" và tình thế bi đát khiến thế giới muốn "cho tiền" mà không nổi

11-08-2021 - 07:29 AM | Tài chính quốc tế

Tiếng kêu cứu ở nơi từng là "Thụy Sĩ của Trung Đông" và tình thế bi đát khiến thế giới muốn "cho tiền" mà không nổi

"Ai mà ngờ được cái bát ăn xin của chúng tôi lại to và rỗng đến nhường ấy", Nidal Osman nói, "Thế giới hẳn đang cười chúng tôi. Họ muốn cho tiền mà thế nào lại bị ăn tát".

Vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất lịch sử loài người

Quãng 6h tối ngày 4/8/2020, hàng trăm tấn amoni nitrat trữ trong nhà kho ở cảng Beirut bắt lửa và gây ra một trong những vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất lịch sử. Hình ảnh quả cầu lửa bùng cháy từ cảng Beirut và đám khói hình nấm trên bầu trời được so sánh với thảm họa hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945.

Từ tận đảo Síp cũng có thể cảm nhận được vụ nổ và mức độ tàn phá của nó thì khó có thể đo đếm nổi. Sự cố khiến thành phố Beirut bị biến dạng, cướp đi sinh mạng của hơn 200 người, đẩy hàng chục nghìn người vào cảnh không nhà và làm vụn vỡ niềm tin của Li-băng.

Tiếng kêu cứu ở nơi từng là Thụy Sĩ của Trung Đông và tình thế bi đát khiến thế giới muốn cho tiền mà không nổi - Ảnh 1.

Vụ nổ ngày 4/8/2020 ở cảng Beirut có sức tàn phá nặng nề. Ảnh: Reuters

"Trước vụ nổ, tình trạng sụp đổ của nền kinh tế đã bắt đầu và khủng hoảng y tế cũng vậy", Karlen Hitti Karam – một cư dân Beirut đã mất chồng, mất em trai trong vụ nổ - chia sẻ, "Chúng tôi đã mất mọi thứ. Cuộc đời chúng tôi đã dừng lại vào ngày 4/8/2020".

Mùng 4, tháng 8, năm 2020 - đó là dấu mốc cho một cú trượt dài.

Chỉ trong vòng 1 năm, đồng tiền của Li-băng sụt giá 15 lần. Siêu lạm phát khiến các thực phẩm cơ bản nằm ngoài tầm với của phần lớn dân chúng. Các thứ thuốc men thiết yếu cạn kiệt. Giờ đây người ta có thể chết vì bị bọ cạp đốt chỉ bởi thuốc chống độc đã không còn. Thậm chí ngay cả những loại thuốc phổ biến như paracetamol cũng khó mà tìm được.

Trong số các tòa nhà bị tổn hại trực tiếp từ vụ nổ có trụ sở của công ty điện lực nhà nước, tòa nhà nham nhở giờ trông ra đống đổ nát của cảng Beirut và chìm trong bóng tối.

Sau khi mất khả năng trả nợ vào năm ngoái, Li-băng gần như không thể cấp điện cho người dân 2 giờ mỗi ngày và không có cả tiền để mua nhiên liệu chạy máy phát. Nhiều người năm ngoái quyên tiền để giúp các nạn nhân trong vụ nổ giờ lại chính là những người đang phải xin ăn.

Có những người đã phải bất chấp hiểm nguy để thả bè xuôi Địa Trung Hải nhằm tìm cách thoát khỏi cuộc sống hiện tại. Dường như chẳng còn phương cách nào ngoài một gói cứu trợ khổng lồ từ cộng đồng quốc tế - đồng nghĩa với sự chấm dứt của một hệ thống đã tồn tại ở Li-băng suốt 30 năm sau nội chiến.

Nhưng muốn viện trợ cho Li-băng cũng đâu có dễ.

11 tỉ đô và chiếc bát ăn xin to, rỗng

Để đổi lấy 11 tỉ USD viện trợ, Pháp yêu cầu Li-băng có những cải cách cơ bản về lãnh đạo và minh bạch chi tiêu ở mọi cấp. Ngoài ra, vài tỉ USD khác từ châu Âu cũng sẽ được rót ra với điều kiện kiểm toán ngân hàng trung ương.

Điều kiện rõ ràng là thế nhưng tầng lớp chính trị vẫn không thể thành lập được một chính phủ, vẫn mải cãi cọ về quá trình phân bổ bộ ban ngành. Thay vì mở ra một thời kỳ sạch nợ, vụ nổ cách đây 1 năm lại cho thấy sự trục trặc trong hoạt động của một nhà nước.

Sự thất bại của chính phủ trong vấn đề cải cách đã khiến các nhà tài trợ nước ngoài buộc phải giữ lại hàng tỉ đô-la viện trợ mà họ cam kết.

"Ai mà ngờ được cái bát ăn xin của chúng tôi lại to và rỗng đến nhường ấy", Nidal Osman - một nhà cung cấp xây dựng nói, "Thế giới hẳn đang cười chúng tôi. Họ muốn cho tiền mà thế nào lại bị ăn tát. Họ thì cười, còn chúng tôi thì khóc".

Tiếng kêu cứu ở nơi từng là Thụy Sĩ của Trung Đông và tình thế bi đát khiến thế giới muốn cho tiền mà không nổi - Ảnh 2.

Năm 2018 Pháp tổ chức hội thảo về khoản viện trợ 11 tỉ USD cho Li-băng. Ảnh: Reuters

Giới lãnh đạo Li-băng bao gồm một nhóm các quan chức theo bè phái, trong đó nhiều người từng đối đầu trong cuộc nội chiến 1990. Họ làm hòa vào năm 1990 và đưa đất nước bị chiến tranh tàn phá vào kỷ nguyên tái thiết.

Từ thời đế chế Ottoman cho tới giai đoạn ủy trị của Pháp, những năm giám hộ của Syria, quá trình tàn phá của nội chiến và sau này là hệ thống chính trị theo sau hiệp ước Taif 1991, Li-băng chưa bao giờ có những ngày tháng an ổn dễ dàng. Tuy nhiên 3 thập kỷ qua có lẽ đã đặt nền móng cho sự sụp đổ đang dần diễn ra này.

"Sau Taif, [các chiến tướng] nhận được phần thưởng an ủi thay vì bị trừng phạt vì để cuộc chiến kéo dài như vậy", Nora Noustany, giảng viên báo chí tại Đại học American University of Beirut nhận định, "Đó là sự may mắn của họ. Người Syria biết chuyện gì đang diễn ra và cũng muốn có phần. Một cơ chế điều tiết công bằng được duy trì để giữ hòa bình".

"Rafic Hariri đã áp đặt công tác tái thiết", Boustany nói về vị cựu thủ tướng đã lãnh đạo Li-băng thời hậu nội chiến. Ả Rập và Syria ở trung tâm của quá trình tái thiết ấy. Họ thiết lập các mạng lưới bảo trợ và tầm ảnh hưởng mang tính quyết định đối với công việc nội bộ của Li-băng.

"Sự giàu có, hàng viện trợ, và lối sống xa hoa đã được mang tới Beirut", bà nói, "Điều này tác động lên vòng tròn thân cận xung quanh Hariri. Cơ chế điều tiết là để chuyện này diễn ra trong êm thấm. Tất cả đều dính máu ăn phần. Họ chia nhau hàng viện trợ và tiền từ các quỹ lớn, rồi cứ thế tiếp tục bòn rút mãi. Đã có rất nhiều tiền phục vụ tái thiết nhưng chẳng có mấy đồng đến được nơi".

Các chính quyền kế nhiệm tìm kiếm những giải pháp chóng vánh, vay những khoản nợ lớn với tỷ giá cắt cổ để nhanh chóng khôi phục khu vực trung tâm đất nước, xây cao tốc và đổ tiền vào các dự án cao cấp.

Hệ thống tài chính phụ thuộc vào một cấu trúc nợ tạo lợi tức cao cho người gửi tiền, nhưng nền kinh tế gần như không có khu vực sản xuất trong nước. Chính phủ chưa bao giờ xử lý tử tế những tổn hại đối với lĩnh vực điện năng nên các công ty tư nhân đã nhảy vào để lấp chỗ trống và mức giá chào bán của họ quá cao với người tiêu dùng.

Thoạt nhìn, nền kinh tế nước này tương đối khởi sắc: Li-băng có GDP đầu người cao nhất trong số các nước Ả-Rập không sản xuất dầu mỏ.

Li-băng cũng nhiều lần nổi danh vì "thủ phủ tiệc tùng" và những dãy núi đẹp như tranh dọc bờ biển phía Đông Địa Trung Hải. Ở Beirut bạn có thể gặp xe sang thường xuyên hơn nhiều thành phố thuộc vào loại giàu nhất thế giới. Du thuyền cập đầy bến cảng của nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển.

Tiếng kêu cứu ở nơi từng là Thụy Sĩ của Trung Đông và tình thế bi đát khiến thế giới muốn cho tiền mà không nổi - Ảnh 3.

Li-băng là một quốc gia xinh đẹp bên bờ Địa Trung Hải. Ảnh: Getty

Thế nhưng Li-băng cũng là một trong những đất nước bất bình đẳng nhất thế giới, chỉ một số ít thu được lợi nhuận lớn từ mức lãi suất cao vốn khiến người giàu càng thêm giàu trong khi đất nước chìm sâu vào vũng nợ.

Nền kinh tế gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu chỉ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất. Những vật phẩm thiết yếu như băng vệ sinh dành cho phụ nữ cũng phải nhập về. Và hệ quả là sau vụ nổ ở cảng Beirut, giá sản phẩm này tăng vọt chỉ trong 1 năm.

Từ mức giá 3.000 bảng Li-băng (khoảng 2 USD ~ 45 nghìn đồng), 1 gói băng vệ sinh giờ có giá 35.000 bảng Li-băng (23 USD ~ 520 nghìn đồng). Mức giá này khiến phụ nữ ở Li-băng phải tìm tới những phương án thay thế khác - tồi tệ hơn - như vải vụn, báo cũ, túi nilon, tã giấy được tặng cắt nhỏ hoặc thậm chí là không gì cả.

Bức màn sắp hạ

Nếu bạn tới thăm Beirut, cung đường dạo bộ thông thường sẽ trải dài từ mũi bán đảo tới khu phố cổ ở mạn phía Đông. Bạn có thể vòng ra phía đường dẫn bên bờ biển, tản bộ qua khu trung tâm hào nhoáng và tạt vào mấy quán bar trên đường Gemmayze hoặc các tụ điểm vui chơi về đêm gần đó.

Dọc đường, bạn có thể bước qua những vỉa hè nứt nẻ, và bị thu hút bởi những tòa nhà mang trên mình vết tích của cuộc nội chiến đã lùi xa. Có thể bạn sẽ thích thú với sự pha trộn giữa nét mộc mạc và vẻ kiều diễm, hoặc ngạc nhiên trước sự kết hợp độc đáo của những tòa nhà cao tầng hiện đại và những ngôi nhà cổ còn nguyên khung cửa ba vòm đặc trưng của Li-băng ngay mặt tiền.

Tuy nhiên, vẻ duyên dáng ấy chỉ là một bức màn thưa.

Chỉ cần chú ý trên chuyến xe từ sân bay chạy dọc cầu về phía trung tâm thành phố là có thể thấy hàng loạt trại tị nạn và khu ổ chuột. Suốt vài thập kỷ, tầng lớp tinh hoa của Li-băng đã dựng lên một vẻ trù phú cho đất nước, nhưng bong bóng dường như sắp vỡ.

Các nhà kinh tế học cảnh báo rằng đất nước có thể sẽ phải trả một cái giá đau đớn. Bức màn sẽ hạ xuống và vẻ hào nhoáng sẽ biến mất khi điểm yếu của nền kinh tế bộc lộ. Giới giàu ở Li-băng sẽ bị ảnh hưởng và cả người nghèo cũng vậy. Tỷ lệ nghèo đói ở Li-băng đã ở quanh mốc 33%. Ngân hàng thế giới dự đoán rằng cứ 2 người ở Li-băng thì sẽ có 1 người sớm phải sống dưới mức nghèo đói.

Tuần trước, Li-băng đã đưa người giàu có nhất đất nước, Nijab Mikati, lên làm lãnh đạo và giao cho ông nhiệm vụ thành lập chính quyền – một công việc mà người tiền nhiệm Saad Hariri không làm nổi trong suốt 12 tháng. Những phương án nội các ông Saad Hariri đưa ra đều bị Tổng thống Michel Aoun bác bỏ.

Ngày 28/11 tới, một trong những trái phiếu châu Âu Eurobond của Li-băng trị giá 1,5 tỉ USD sẽ đến hạn, khiến dự trữ tài chính thêm eo hẹp. Li-băng trước giờ đều trả nợ đúng hạn nhưng viễn cảnh vỡ nợ lần đầu tiên không nằm ngoài dự đoán.

Pháp đang dẫn đầu nỗ lực quốc tế để thúc đẩy Li-băng xử lý vấn đề tham nhũng và tiến hành cải cách theo yêu cầu của các nhà tài trợ. Quan trọng là Li-băng cần thành lập một chính phủ mới để có thể nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Các chính trị gia và giới ngân hàng cần thống nhất về quy mô thất thoát và nguyên nhân sai đường để Li-băng có thể chuyển hướng và ngừng vung tay quá trán.

Theo Thi Anh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên