Tiếp cận tín dụng đã được cải thiện và ở một góc độ cao hơn nhiều so với 1 năm trước
Chỉ số "Tiếp cận tín dụng" của Việt Nam năm 2018 đã được WB xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN.
Chiều nay, ngày 20/4 đã diễn ra Hội thảo "Cải cách hành chính – Giải pháp cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức.
Tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú cho biết, chỉ số tiếp cận tín dụng tại Việt Nam đã được cải thiện nhiều đặc biệt trong 6 tháng cuối năm và và 3 tháng đầu năm, hiện đã ở góc độ rất khác, cao hơn nhiều so với 1 năm trước. Trong năm 2017, tăng trưởng tín dụng tăng cao, cung ứng hơn 1,2 triệu tỷ vốn vay cho nền kinh tế. Phó Thống đốc cho biết, tại Việt Nam, vị trí của Ngân hàng khá khác với các nước khi phải gánh nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế nhiều hơn. "Hoạt động tín dụng cũng được Đảng và Nhà nước chỉ đạo có nhiều chính sách ưu đãi cho những đối tượng đáng được ưu tiên, đây là điều mà nhiều nước khác không có", ông Tú nói.
Trong vấn đề cải thiện giúp DN tiếp cận tín dụng dễ hơn có sự đóng góp của việc cải cách thủ tục hành chính. NHNN cho biết, kết quả cải cách hành chính của NHNN đã góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn ngân hàng. Kết quả xếp hạng chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) năm 2015,2016 NHNN được xếp vị trí thứ nhất trong số các Bộ, ngành.
Ông Nguyễn Đức Long, Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, chỉ tính riêng trong hai năm 2016,2017 NHNN đã rà soát, đơn giản hóa và ban hành theo thẩm quyền các thông tư bãi bỏ 22 Thủ tục hành chính (TTHC), ban hành phương án sửa đổi 48 TTHC; tổng số chi phí tuân thủ cắt giảm hơn 20% chi phí tuân thủ TTHC. Toàn bộ quá trình giải quyết TTHC tại NHNN được quản lý và thực hiện thống nhất theo tiêu chuẩn ISO và cơ chế một cửa từ khâu nhận hồ sơ đến khi trả kết quả.
Về cải cách TTHC của các TCTD, mặc dù cũng là loại hình doanh nghiệp, tuy nhiên theo chỉ đạo của NHNN, hệ thống đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều TTHC tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vay vốn và sử dụng các dịch vụ.
Tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng tín dụng năm 2017 tăng cao đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, năm 2017 cũng đã ghi nhận số doanh nghiệp thành lập mới bùng nổ. Ông Lộc cho rằng, đằng sau sự phát triển của doanh nghiệp có nhiều yếu tố nhưng không thể thiếu đóng góp của nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.
"Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mà đặc biệt là 2 lĩnh vực nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo sẽ quyết định tương lai của Việt Nam. Nguồn vốn cho 2 động lực này không chỉ là trách nhiệm của NHNN mà chúng ta phải làm sao tháo gỡ những khó khăn đến từ các khuôn khổ pháp lý, thủ tục hành chính hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn", ông Lộc nói
Tuy nhiên, đặc biệt trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp đang còn gặp rất nhiều khó khăn nhất là vướng mắc ở khâu tài sản thế chấp. Đây là điều mà các cơ quan, bộ ngành cần phải tìm giải pháp để giải quyết, giúp lĩnh vực này có thể tiếp cận vốn vay.