“Tiếp máu” cho nền kinh tế: Chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo
Nền kinh tế Việt Nam thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với rủi ro, thách thức do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa, chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy tổng cầu, cũng như góp phần làm giảm nợ công, tạo thêm dư địa tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
- 02-12-2023IMF dự kiến sẽ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
- 02-12-2023Nhà thầu thi công cao tốc đề xuất tiên phong thu phí không dừng hoàn toàn
- 02-12-2023Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 395 triệu USD
Khó khăn, thách thức bao trùm
Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, kinh tế - tài chính thế giới năm 2023 đã trải qua nhiều thách thức lớn. Việc sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng quy mô lớn trong giai đoạn 2020 - 2021 cùng với tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến lạm phát lan rộng trên quy mô toàn cầu kể từ cuối năm 2022 và giữ ở mức cao.
Để đối phó với tình trạng trên, hầu hết các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất chính sách liên tục; đồng thời nhiều nước cũng đã giảm bớt, dừng thực hiện các gói hỗ trợ tài khoá do thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao.
Mặc dù kinh tế trong nước 11 tháng của năm 2023, có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, khu vực doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, tăng trưởng xuất nhập khẩu nhìn chung vẫn giảm, thu ngân sách nhà nước giảm; giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tăng cả về tổng giá trị và tỷ lệ giải ngân nhưng vẫn chậm so với yêu cầu.
Nền kinh tế chủ yếu dựa vào vốn tín dụng ngân hàng nhưng hệ thống ngân hàng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu; rủi ro của hệ thống ngân hàng ngày càng gắn kết chặt chẽ với rủi ro của các tổ chức tài chính phi ngân hàng, thị trường chứng khoán và bất động sản; trong khi đó, thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Năm 2023 cũng là năm có tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường rất cao, xuất nhập khẩu giảm, sản xuất công nghiệp có chiều hướng giảm. Trong đó, chi phí kinh doanh cao là rào cản làm giảm tính cạnh tranh và khả năng tích luỹ vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khả năng thu hút vốn đầu tư, khả năng tạo việc làm của nền kinh tế.
Để tiếp tục tăng sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam cần phải tiến hành nhiều giải pháp như: tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng nhân lực, thúc đẩy sản xuất công nghiệp nội địa,…
“Cần tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính về giảm chi phí kinh doanh và cải cách chất lượng quy định pháp luật, thực thi pháp luật”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chính sách tài khóa nên đóng vai trò dẫn đầu để thúc đẩy tổng cầu
Đánh giá về tình hình kinh tế tài chính thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhận định, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm; lạm phát vẫn ở mức cao, sự sụt giảm cầu nhập khẩu từ các nước đối tác thương mại lớn; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra, nợ công tăng cao và hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế ngày càng thu hẹp.
“Một số thách thức nội tại cũng sẽ tạo áp lực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước nói chung. Xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu… và việc triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết Trung ương về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển các vùng, đổi mới mô hình tăng trưởng… đòi hỏi chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhận định.
Đề xuất các giải pháp thực hiện những định hướng lớn về tài chính – ngân sách trong thời gian tới, ông Jochen Schmittmann - Trưởng Đại diện thường trú, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, vị thế của các chính sách tài khóa ở Việt Nam đã cải thiện trong những năm gần đây. Do vậy, thời gian tới, chính sách tài khóa nên đóng vai trò dẫn đầu để thúc đẩy tổng cầu, cũng như góp phần làm giảm nợ công và nợ được chính phủ bảo lãnh, tạo thêm dư địa tài khóa.
Đáng chú ý, theo ông Jochen Schmittmann, hiện nay, nhiều quốc gia đang chuẩn bị triển khai thuế tối thiểu toàn cầu nhằm tạo sân chơi công bằng. Đối với Việt Nam, yếu tố thu hút các nhà đầu tư chính là từ môi trường chính trị, sự chăm chỉ của người lao động tận tâm với công việc và trình độ lao động ngày càng cao…
Tuy nhiên, ông Jochen Schmittmann lo ngại, hạn chế trong thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay là cơ sở hạ tầng; quy trình phê duyệt, xử lý tín dụng, cấp tín dụng, môi trường kinh doanh có vai trò hơn so với các ưu đãi thuế...
“Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm tăng nhẹ thu ngân sách, song để giúp DN FDI đối phó với những tác động, Việt Nam có thể bù đắp bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng và tăng cường nguồn nhân lực. Việt Nam nên dành một phần tiền thu từ thuế tối thiểu toàn cầu để đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp hệ thống điện", đại diện IMF chia sẻ.
Chia sẻ về cơ hội và thách thức cho năm 2024, TS. Huỳnh Thế Du – Đại học Fullbright Việt Nam cho rằng, năm 2024 kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn so với năm 2023, cùng với những khó khăn từ nội tại nền kinh tế, nên sẽ tạo ra những thách thức cho ngân sách của Việt Nam. Mục tiêu đặt ra cho thu ngân sách trong năm tới là tăng 5%, trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024.
Do đó, TS. Huỳnh Thế Du khuyến nghị, Chính phủ cần xem xét một số chính sách, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ động. Cụ thể, chính sách tài khóa mở rộng hơn và dành nguồn vốn cho những dự án đầu tư trọng điểm ở những vùng trọng điểm. Cùng với đó, cần có một chính sách để hệ thống tài chính phát triển lành mạnh, giảm thiểu việc sở hữu chéo và lũng đoạn hệ thống tài chính...
VOV