MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếp sức để doanh nghiệp hồi sinh: Giảm thuế, kích cầu tiêu dùng

Cùng với chính sách giảm thuế GTGT mạnh hơn của nhà nước, các doanh nghiệp cần tung chiến dịch giảm giá, ưu đãi để kích cầu tiêu dùng nội địa, bù đắp cho xuất khẩu

Nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp (DN) tiếp tục kiến nghị cần sớm áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) về 8% trong bối cảnh sức cầu kém để tiếp sức cho cả người dân, DN và phục hồi kinh tế, sau khi Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển".

Nỗ lực kéo sức mua

Hiện tại, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi gần như không tăng. Các siêu thị đồng loạt triển khai chương trình bán hàng giá sỉ, giữ giá mặt hàng thiết yếu ở mức thấp - thậm chí có mặt hàng tương đương với mức giá ở chợ sỉ để hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Các DN sản xuất, phân phối liên tục phối hợp cùng cơ quan quản lý thực hiện chương trình bình ổn thị trường… Dù vậy, ghi nhận của phóng viên tại thời điểm này, sức mua ở nhiều ngành hàng chưa được cải thiện.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa), cho hay từ cuối năm 2022 các DN đã dự đoán thị trường không lạc quan nên những ngành hàng lớn liên quan đến tiêu dùng như nội thất, xe máy, nước giải khát và các hiệp hội thương nhân nước ngoài đã đề xuất giảm 2% thuế GTGT. Từ tháng 10-2022, các DN đã chuẩn bị sẵn cho việc tiếp tục triển khai giải pháp hỗ trợ thị trường này nhưng chưa được thông qua. Trong dịp 30-4 vừa rồi, kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày với kỳ vọng kích cầu tiêu dùng nhưng một số địa phương vẫn không thu hút du khách như kỳ vọng.

Riêng đối với ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ, thị trường nội địa rất lớn, thống kê những năm trước đã hơn 4 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên tiêu thụ đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ chậm, sau dịch là thị trường bất động sản khó khăn, phụ thuộc vào các dự án xây mới nên DN trong ngành càng khó. "DN đồ gỗ mỹ nghệ đang rất cần chính sách hỗ trợ để đưa hàng ra thị trường. Như chính sách hỗ trợ mặt bằng, tạo sân chơi cho DN thực hiện khuyến mãi" - ông Phương đề xuất.

Tiếp sức để doanh nghiệp hồi sinh: Giảm thuế, kích cầu tiêu dùng - Ảnh 1.

Người tiêu dùng có xu hướng mua hàng khuyến mại để tiết kiệm chi phíẢnh: Thanh Nhân

Đề xuất giảm mạnh thuế GTGT

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết trước COVID-19 chỉ số niềm tin của người tiêu dùng (CCI) tại thị trường Việt Nam luôn ở mức cao, trong đó người tiêu dùng TP HCM rất lạc quan nhưng vừa qua, lần đầu tiên chỉ số này ở mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.

"Mức tăng trưởng của ngành bán lẻ năm 2022 là 22% thì năm 2023 theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ 17,5% và thực tế những tháng đầu năm con số này thấp hơn. Thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam trong quý I không có nhà bán lẻ nào tăng trưởng dương. Mặt bằng bán lẻ đang trống rất nhiều nhưng giá thuê không giảm nên mạng lưới thị trường không thúc đẩy được" - ông Nguyễn Anh Đức dẫn chứng.

Từ những khó khăn này, ông Nguyễn Anh Đức đề xuất nhà nước cần sớm có chính sách gỡ khó cho ngành bán lẻ mà đầu tiên là hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng. Trong đó, chính sách giảm thuế GTGT về 8% cần triển khai càng sớm càng tốt để kích cầu.

Kích cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh xuất khẩu còn khó khăn là giải pháp cần thiết để tiếp sức, đem lại "hơi thở" mới cho DN. TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, phân tích số liệu về tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ quý I tăng tốt nhưng qua tháng 4 bắt đầu chững lại, sức mua thị trường rất thấp. Ngay cả du lịch, khách vẫn thưa thớt, kích cầu thị trường nội địa rất hạn chế. Để kinh tế sớm phục hồi phải dựa vào vĩ mô, phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa lên thông qua 2 công cụ của nhà nước và công cụ của DN.

"Cần nghiên cứu tiếp tục giảm thuế GTGT theo từng ngành, cần giải pháp mạnh hơn là giảm xuống 5%-6%, đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng. Bản thân DN nên có những chiến dịch chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường, bởi trong bối cảnh xuất khẩu khó này mà không kéo thị trường nội địa lên sẽ ảnh hưởng đến tồn kho, hoạt động sản xuất, kinh doanh" - TS Trần Du Lịch phân tích.

TS Lê Đạt Chí, Giám đốc chương trình tài chính ứng dụng, ĐH Rennes (Pháp), cho rằng giảm thuế GTGT là tốt cho người dân. Ở các nước phát triển, động lực tăng trưởng kinh tế chính là tiêu dùng. Tuy nhiên, giảm thuế có kích thích tiêu dùng hay sẽ đi kèm với tăng hàng hóa nhập khẩu tác động tới nhập siêu? Ngay trong COVID-19, sức cầu giảm mạnh nhưng Quốc hội và Chính phủ cũng chỉ giảm thuế GTGT 2%.

"Việc giảm thuế tới 5% là bài toán cần tính kỹ trong bối cảnh áp lực giải ngân đầu tư công đang rất lớn và nguồn thu ngân sách có thể bị hụt từ giảm thuế GTGT. Chưa kể, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của chúng ta không chỉ đến từ tiêu dùng mà từ sản xuất, xây dựng, bất động sản" - TS Lê Đạt Chí nêu quan điểm.

Cần rõ danh mục sản phẩm, dịch vụ được giảm thuế

Thông tin Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới chính sách giảm thuế GTGT từ ngày 1-7 đến hết năm 2023 về 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, thu hút sự quan tâm của người dân, DN. Những nhóm hàng không được hưởng gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt…

Ông Phạm Hoàng Nam, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế VINASC, nhận định chính sách giảm thuế GTGT là giảm giá thành, kích thích tiêu thụ sản phẩm nhưng có sự phân nhóm hàng hóa, dịch vụ. Người nộp thuế có thể phát sinh chi phí và rủi ro bị truy thu thuế, xử phạt vi phạm hành chính nếu xác định sai mức thuế áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ mà DN đang kinh doanh. Từ đó, DN có thể không mặn mà thuế suất mới và chấp nhận kê khai mức thuế cũ là 10%, khiến ý nghĩa của việc giảm thuế kích cầu thiếu tròn trịa. Thực tế này từng xảy ra trong năm 2022 khi chính sách thuế GTGT 8% được triển khai.

"Cơ quan thuế cần tư vấn, hướng dẫn chi tiết từng loại hàng hóa, dịch vụ nhằm hỗ trợ DN kê khai thuế chính xác. Người nộp thuế cần tìm hiểu, nắm chắc thông tin loại hàng hóa, dịch vụ nào không được giảm để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế" - ông Nam đề xuất.

Lãnh đạo Cục Thuế TP HCM cho hay sau khi chính sách giảm thuế GTGT được ban hành, ngành thuế sẽ có nhiều hoạt động tuyên truyền, có văn bản hướng dẫn, cung cấp danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế để DN có cơ sở kê khai thuế. Trường hợp DN không biết rõ về loại hàng hóa được giảm thuế cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế để được tư vấn, hướng dẫn xác định, kê khai thuế suất thuế GTGT.

Theo THANH NHÂN - THY THƠ - THÁI PHƯƠNG

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên