MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam thông qua hoạt động hợp tác ODA

Năm 2023 là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hướng tới dấu mốc quan trọng này, JICA sẽ nỗ lực hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua hoạt động hợp tác ODA, đồng thời thúc đẩy hơn nữa việc kết nối giữa con người với con người, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước...

“Để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế thì một xã hội ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng phát triển là những yếu tố không thể thiếu tại mỗi quốc gia”. Đó là chia sẻ của ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, khi nhận định về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong cuộc phỏng vấn độc quyền với phóng viên TTXVN.

Ngoài ra, trong năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (21/9/1973-21/9/2023). Nhân dịp này, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cũng có những chia sẻ về các lĩnh vực hợp tác trọng tâm dự kiến để quan hệ Nhật Bản-Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến nhảy vọt trong 50 năm tới.

Dưới đây là nội dung chi tiết của cuộc phỏng vấn:

Tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam thông qua hoạt động hợp tác ODA - Ảnh 1.

Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Shimizu Akira. Ảnh: TTXVN

Kinh tế Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong năm 2022 bất chấp nhiều biến động trên thế giới. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ổn định từ năm 2022 nhờ chính sách “sống chung với COVID-19” và bổ sung ngân sách. Cùng với đó, lực lượng lao động dồi dào và truyền thống lao động cần cù của người Việt Nam, sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 sẽ giúp đầu tư vào Việt Nam được đẩy mạnh và các cơ sở sản xuất tiếp tục dịch chuyển sang Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần thận trọng trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới do cuộc xung đột tại Ukraine, lạm phát toàn cầu, hay việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới…

Ngoài ra, về tình hình trong nước, tôi cho rằng cần phải theo dõi chặt chẽ để các khoản đầu tư, lấy từ các nguồn lợi nhuận khác nhau nhờ kết quả tăng trưởng cao, sẽ không gặp khó khăn.

Xin ông chia sẻ về những thành tựu mà JICA đã đạt được khi hỗ trợ Việt Nam trong thời gian qua?

Là một trong những nhà tài trợ song phương hàng đầu cho Việt Nam, JICA đã hợp tác với Việt Nam từ năm 1992 và hỗ trợ tài chính hơn 3.000 tỷ yen (tương đương 600.000 tỷ đồng), phái cử khoảng 15.000 chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam công tác và đào tạo 27.000 nhân sự Việt Nam, để góp phần giúp Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế bền vững, hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường quản trị Nhà nước hiệu quả, thông qua các dự án đa dạng.

Thông qua hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam, các dự án của JICA đã đạt được những thành tựu to lớn. Điều này đã góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững ở Việt Nam cũng như tăng cường sự gắn kết và phát triển trong toàn khối ASEAN.

Từ rất lâu trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, chúng tôi đã hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế để tăng cường các biện pháp phòng và điều trị các bệnh truyền nhiễm, nâng cao chất lượng nhân lực y tế tại các bệnh viện thông qua các hoạt động đào tạo liên tục, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Chúng tôi cũng đã tiến hành đào tạo cho khoảng 100.000 cán bộ y tế. Những hoạt động này đã giúp Việt Nam duy trì chương trình Bao phủ Chăm sóc Sức khỏe Toàn dân (UHC) kể từ năm 1975.

Để hỗ trợ khẩn cấp, giúp Việt Nam kiểm soát đại dịch COVID-19, chúng tôi cũng đã cung cấp cho Việt Nam các sinh phẩm y tế, thiết bị xét nghiệm PCR, cơ sở vật chất phục vụ xét nghiệm các loại bệnh mới và hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO phục vụ chẩn đoán và điều trị trên khắp Việt Nam... Khoản hỗ trợ này, tính đến nay, trị giá khoảng 870 triệu yen.

Ngoài ra, JICA cũng chuyển giao công nghệ và bàn giao các thiết bị chính cho Phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III (BSL-3) tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, trị giá hơn 200 triệu yen.

Thời gian gần đây, trong năm tài chính 2021, khoản vay cam kết của các dự án vốn vay Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) Nhật Bản là 10,8 tỷ yen (chưa bao gồm “Cho vay và Đầu tư hải ngoại khu vực tư nhân”); hỗ trợ thông qua các dự án Hợp tác kỹ thuật là 4,9 tỷ yen, và các dự án Viện trợ không hoàn lại là 700 triệu yen. Tổng số các dự án này là hơn 100 dự án với quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Trong lĩnh vực Đào tạo nguồn nhân lực, JICA đã hợp tác với trường Đại học Việt Nhật (VJU) từ năm 2015, tính đến nay đã có 260 học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo Thạc sĩ và hiện có hơn 200 sinh viên và học viên đang theo học tại trường.

Bên cạnh đó, hiệp định vay vốn ODA lần thứ 4 cho “Dự án cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh Giai đoạn 2” đã được ký kết vào tháng 12/2021. Thông qua hỗ trợ phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự án hướng tới cải thiện môi trường sống của người dân nhờ việc nâng cao năng lực xử lý nước thải và giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ.

Trong lĩnh vực năng lượng, JICA đã ký Hợp đồng tín dụng trị giá 25 triệu USD với công ty tư nhân nhằm phát triển điện gió của Việt Nam trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị.

Về công trình đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1, toàn bộ 51 toa tàu metro sản xuất tại Nhật Bản đã được vận chuyển đến Việt Nam, tiến độ hoàn thành của công trình đến nay đạt hơn 90%. Hai bên Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành công trình.

Khi triển khai các dự án ODA tại Việt Nam, JICA đã gặp phải những khó khăn nào và Việt Nam cần làm gì để tháo gỡ những khó khăn đó, thưa ông? Ông có kiến nghị gì để quá trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và JICA trong thời gian tới được hiệu quả hơn?

Nhiều dự án bị đình trệ, giải ngân chậm trễ do sự phức tạp và chồng chéo trong các thủ tục theo các quy định của Việt Nam; nhiều dự án cần phải đợi lãnh đạo cấp cao phê duyệt đối với những thay đổi rất nhỏ trong dự án…

Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong tương lai, vì vậy, chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có những quyết sách mới để thúc đẩy hoàn thành chắc chắn và hiệu quả các dự án đang triển khai, đồng thời hình thành các dự án mới phù hợp với chủ trương của Việt Nam.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản vào năm 2023, ông có thể cho biết về kế hoạch hỗ trợ Việt Nam của JICA trong thời gian tới?

Năm 2023 là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hướng tới dấu mốc quan trọng này, JICA sẽ nỗ lực hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua hoạt động hợp tác ODA, đồng thời thúc đẩy hơn nữa việc kết nối giữa con người với con người, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước, để quan hệ Nhật Bản-Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến nhảy vọt trong 50 năm tới. Đặc biệt, JICA sẽ tập trung hợp tác vào bốn lĩnh vực như sau:

Thứ nhất là hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó một dự án tiêu biểu có thể kể đến là tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Cho đến nay, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, tuy nhiên động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng này là nhờ mở rộng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp. Tôi cho rằng để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thì một xã hội ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng là những yếu tố không thể thiếu tại mỗi quốc gia.

Các khoản vay ODA của Nhật Bản cho phép hoàn trả trong dài hạn với lãi suất thấp và ổn định, đồng thời được thực hiện phối hợp với các dự án hợp tác kỹ thuật bằng vốn viện trợ không hoàn lại trong quản lý, vận hành và bảo trì… sau khi các dự án, công trình hoàn thành. Chính vì vậy, ODA Nhật Bản trong tương lai vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng và là động lực tăng trưởng của Việt Nam.

Tôi mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng ODA một cách hiệu quả và coi đây là một phương thức huy động vốn thuận tiện, đồng thời là cách thức để có thể đưa công nghệ tiên tiến của nước ngoài vào áp dụng tại Việt Nam.

Thứ hai là hợp tác về phát triển nguồn nhân lực. JICA tiếp tục hợp tác với trường Đại học Việt Nhật mở thêm khóa đào tạo Tiến sĩ, xây dựng cơ sở mới tại Hòa Lạc, Hà Nội từ năm 2023 thông qua dự án vốn vay ODA và dự án hợp tác kỹ thuật, với mục tiêu đưa trường Đại học Việt Nhật trở thành trường đại học tổng hợp với quy mô 6.000 sinh viên.

Ngoài ra, JICA dự kiến triển khai hợp tác kỹ thuật nhằm tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với thực tập sinh kỹ năng. Hợp tác này nhằm tạo môi trường nghề nghiệp tốt hơn, giúp nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng phù hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản, xóa bỏ môi giới việc làm bất hợp pháp vốn là vấn nạn trong những năm gần đây.

Thứ ba là hợp tác trong lĩnh vực y tế. JICA đã đưa ra "Sáng kiến Y tế toàn cầu", với Việt Nam là quốc gia kiểu mẫu trong Sáng kiến này.

Cụ thể, JICA sẽ triển khai các hợp tác thông qua ba bệnh viện nòng cốt đã có quan hệ hợp tác trong thời gian dài là Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế tại Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy tại Thành phố Hồ Chí Minh, thiết lập hệ thống đào tạo từ xa tại các cơ sở y tế địa phương ứng dụng công nghệ chuyển đổi số (DX).

Bên cạnh đó, JICA sẽ tiếp tục hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học... nhằm cải tiến kỹ thuật phục hồi chức năng, chăm sóc điều dưỡng… để đối phó với tình trạng già hóa dân số đang trở thành một vấn đề mới tại Việt Nam.

Nội dung cuối cùng tôi muốn giới thiệu là hợp tác về trung hòa carbon. Năm 2022, JICA đã ký kết Hợp đồng tín dụng tài trợ vốn trị giá 25 triệu USD cho Dự án phát triển điện gió trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh đó, JICA đang xem xét các khoản tín dụng mới cho vay nhằm phát triển sản xuất điện Mặt Trời và điện gió.

Ngoài ra, trồng rừng góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên là giải pháp trọng yếu để đạt được trung hòa carbon. JICA dự định sẽ tiếp cận Quỹ Khí hậu Xanh (GFC-Green Climate Fund) thông qua các hoạt động trồng rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên tại Dự án hợp tác kỹ thuật “Hỗ trợ kỹ thuật Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên Bền vững” (Giai đoạn 2)”, và nếu được phê duyệt, nguồn quỹ này sẽ trở thành động lực thúc đẩy hơn nữa việc bảo tồn môi trường thiên nhiên.

Thông qua các hoạt động này, JICA sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tăng cường các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới thực hiện mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Theo Phương Nga

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên