Tiết kiệm vẫn hút khách
Mặc dù lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng giảm mạnh thời gian qua, nhưng lượng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng. Tính đến 31/8, huy động vốn tăng 5,36% so với cuối năm 2022 (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022). Theo TS. Nguyễ
- 22-09-2023Tiếp tục kéo dài triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD
- 22-09-2023NHNN tiếp tục hút 10.000 tỷ qua kênh tín phiếu trong phiên 22/9
- 22-09-2023Từ 1/10, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng sẽ giảm còn 30%, tác động tới các nhà băng như thế nào?
Mặc dù lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng giảm mạnh thời gian qua, nhưng lượng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng. Tính đến 31/8, huy động vốn tăng 5,36% so với cuối năm 2022 (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022). Theo TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh (UEH), hiện nay không có kênh nào an toàn mà vẫn sinh lợi như gửi tiền ngân hàng.
Ông đánh giá thế nào khi lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng dù lãi suất huy động liên tục giảm?
Từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường bất động sản sụt giảm; nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thanh toán đúng hạn, thị trường chứng khoán tuy sôi động trở lại nhưng cũng lùm xùm với các vụ việc thao túng... ảnh hưởng đến lòng tin nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, gửi tiết kiệm là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, hiện thế giới vẫn có nhiều yếu tố bất định, đơn hàng giảm khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước rất khó khăn. Do đó lựa chọn quay về gửi tiết kiệm ngân hàng của người dân, doanh nghiệp cũng là dễ hiểu nhằm đảm bảo nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tương lai. Chính vì vậy lượng tiền gửi tiết kiệm vẫn tiếp tục tăng mặc dù lãi suất giảm mạnh.
Dự báo trong những tháng cuối năm tình hình kinh tế sẽ có nhiều khởi sắc, dòng vốn sẽ tìm đến các kênh đầu tư khác ngoài gửi tiết kiệm?
Sự phục hồi của nền kinh tế cộng với những dấu hiệu ấm lên từ thị trường BĐS và nhất là thị trường chứng khoán đang có bước tăng trưởng sẽ kéo dòng vốn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường BĐS chỉ mới ở giai đoạn ấm lên chứ chưa thể tăng trưởng mạnh. Theo tôi, dòng tiền sẽ chỉ đổ vào những dự án BĐS nhà ở xã hội là phân khúc đang nhận được nhiều sự ưu tiên chính sách.
Trong môi trường lãi suất thấp có thể dòng tiền sẽ tìm đến thị trường chứng khoán nhiều hơn, nhất là khi thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn, thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, khi mà lãi suất ngân hàng đã xuống thấp cũng có khả năng nhà đầu tư sẽ quay lại vay vốn ngân hàng để đầu tư vào thị trường chứng khoán và BĐS.
Huy động vốn duy trì tăng trưởng trong khi tín dụng vẫn chậm tạo áp lực cho ngân hàng. Theo ông, các ngân hàng phải làm gì để giải toả áp lực trên?
Từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN Việt Nam đã có 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho NHTM giảm lãi suất cho vay. Nhưng nhu cầu vay vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đang ở mức thấp do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.
Một trong những vướng mắc lớn nhất của các ngân hàng và doanh nghiệp hiện nay chính là vấn đề cung và cầu không gặp nhau. Ngân hàng thì thừa tiền, doanh nghiệp không có nhu cầu vay hoặc có nhu cầu vay vốn lại không đủ điều kiện để vay do nhiều nguyên nhân như không chứng minh được dòng tiền, không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo đã được đem đi thế chấp… Để cung và cầu gặp nhau, các ngân hàng có thể cân nhắc lại thủ tục, quy định linh hoạt hơn, phù hợp với thời điểm hiện tại để hỗ trợ doanh nghiệp.
Để giải bài toán tăng trưởng tín dụng, theo tôi, ngoài nỗ lực của ngân hàng, các cơ quan, ban ngành cần hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm, thị trường cho doanh nghiệp. Từ đó giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng khả năng hấp thụ vốn.
Xin cảm ơn ông!
Thời báo ngân hàng