Tiết kiệm vẫn là “vua”
Trong vòng 1 tuần trở lại đây, một số các ngân hàng rục rịch hạ lãi suất huy động. Mức điều chỉnh không lớn, chỉ từ 0,1 – 0,3%, nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy có sự chuyển biến về dòng vốn của các ngân hàng thương mại.
Hưởng ứng chủ trương
Thống kê của chúng tôi cho thấy, một loạt các ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã hạ lãi suất huy động gần đây như Sacombank, VPBank, Eximbank, ACB. Mức điều chỉnh lãi suất tương đối nhẹ, từ 0,1 – 0,3%/năm, ở cả các kỳ hạn ngắn lẫn dài.
Hiện lãi suất huy động dao động từ 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Là người trong cuộc, đại diện ngân hàng Sacombank cho biết, từ chủ trương của Thủ Tướng trong buổi họp đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp từ đầu tháng 5/2016 phát đi thông điệp cho NHNN và TCTD phấn đấu thực hiện giải pháp để hạ lãi suất cho vay xuống so với hiện nay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế Việt Nam. Nhờ vậy, diễn biến lãi suất liên ngân hàng trong hơn 15 ngày vừa qua đã phần nào diễn ra theo hướng giảm khá thấp.
Trên cơ sở đó, Sacombank nhận định có khả năng NHNN sẽ triển khai một số công cụ chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt để tác động vào thị trường tiền tệ nhằm góp phần hạ lãi suất xuống. Do đó, Sacombank đã chủ động điều chỉnh giảm nhẹ một số kỳ hạn để cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng có thể hạ giá thành huy động đầu vào xuống để từ đó làm cơ sở để tiếp tục duy trì triển khai các gói cho vay ưu đãi với lãi suất thấp cho doanh nghiệp như định hướng của Chính Phủ và NHNN.
Đồng tình với quan điểm trên,TS. Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc ngân hàng HDBank, cũng cho rằng việc hưởng ứng chủ trương của nhà nước là một phần nguyên nhân làm cho lãi suất hạ. Các ngân hàng ngoài việc giảm lãi suất đầu vào còn tích cực xử lý nợ xấu, tiết giảm chi phí, hướng tới mục tiêu chung là cố gắng giảm lãi vay khoảng 0,5% - 1% để tăng động lực phát triển cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Trung, thanh khoản của hệ thống hiện đã tốt hơn nhiều cũng là tiền đề tốt để hạ lãi suất.
Nhưng đừng kỳ vọng lãi suất sẽ giảm sâu
Phó Tổng giám đốc HDBank cho rằng, việc giảm lãi suất như hiện nay là điều đáng mừng, tác động tích cực lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên để kỳ vọng một mức lãi suất giảm sâu hơn nữa là rất khó bởi lãi suất là tín hiệu của thị trường, phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp để giảm lãi cho vay, ngoài ra còn liên quan chi phí hoạt động, giá vốn, xử lý nợ xấu.
Thực tế, trong hơn 4 tháng đầu năm 2016, lãi suất huy động của hầu hết các ngân hàng đều niêm yết tăng so cuối 2015 với biên độ tăng dao động từ 0,1% đến 0,6% theo từng kỳ hạn. Dấu hiệu hạ lãi suất huy động chỉ mới hình thành từ trung tuần tháng 5/2016 này với biên độ nhỏ và vẫn thấp hơn mức tăng từ 4 tháng qua.
Chuyên gia tài chính - TS. Võ Trí Thành đánh giá, việc giữ được mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay đã được coi là thành công và dư địa giảm lãi suất là không nhiều. Ngoài ra, nhiều chuyên gia nhìn nhận, lạm phát năm nay được kỳ vọng lên đến 5% nên lãi suất có thể sẽ đảo chiều tăng bất cứ lúc nào.
Gửi tiết kiệm vẫn là số 1
Đối với các tài sản đầu tư hiện nay, theo đánh giá của đại diện Sacombank, vàng, bất động sản, USD và tiền gửi là 4 kênh đầu tư chính của đại bộ phận người dân có nguồn tiền nhàn rỗi hiện nay. Tuy nhiên vàng, nhà đất, USD với những quy định mới của Chính phủ nhằm hạn chế rủi ro cũng như quản lý chặt chẽ hơn ở 3 kênh này nên thực tế, thị trường vàng gần như giảm hẳn thanh khoản và quy mô trong vòng 2 năm trở lại đây. Bất động sản sau 1 năm sôi động cũng đã có dấu hiệu giảm sút, thể hiện qua lượng giao dịch giảm trong quý 1. Tỷ giá đồng USD ổn định, lãi suất tiền gửi giảm về 0% đã khuyến khích người dân chuyển sang gửi tiền đồng. Tiền gửi vì thế vẫn là lựa chọn ưu tiên của người dân.
TS. Lê Thành Trung của HDBank thì bổ sung thêm, thị trường bất động sản tuy có tín hiệu khởi sắc nhưng chúng ta vẫn có lo ngại nhất định về các hiệu ứng bong bóng, nên nhà đầu tư không thể bỏ trứng vào hết một giỏ mà phải chia ra. Việc Fed có thể tăng lãi suất, suy cho cùng vẫn là dự báo nên tỷ giá khó mà biến động mạnh. Hơn nữa Mỹ đang trước thềm bầu cử, nên chính sách của nước này có thể không như dự kiến. Vì thế tiền đồng gửi vào ngân hàng vẫn cứ là kênh đầu tư số 1.
Theo báo cáo của Nielsen, hiện nay Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ gửi tiết kiệm cao nhất thế giới, lên tới 78%. Song song đó, các ngân hàng đang tích cực triển khai nhiều công cụ để người gửi tiền có thể an tâm trong quản lý các khoản tiền gửi tại ngân hàng thông qua kênh giao dịch trực tuyến, nhu cầu đầu tư phân tán hạn chế rủi ro, do vậy mà các năm qua kênh gửi tiết kiệm vào ngân hàng để hưởng lãi suất vẫn là sự lựa chọn của phần lớn người dân, thậm chí cả các nhà đầu tư chuyên nghiệp vì có nhiều kỳ hạn đa dạng với mức lãi suất hợp lý.