Tiết lộ lý do 13 toa tàu hạng sang của tập đoàn Trung Quốc 'đắp chiếu' 5 năm sắp được giải cứu
Có giá trị lên đến hơn 275 tỷ đồng nhưng sau 5 năm đóng mới, 13 toa tàu hạng sang của tập đoàn Trung Quốc vẫn chưa thể đưa vào khai thác, nguyên nhân vì sao?
- 14-11-2023Thông tin bất ngờ về đường sắt Việt Nam: Toàn bộ 258 đầu máy, 5.300 toa tàu dừng hoạt động năm 2050?
- 14-11-2023Hơn 1.700 đầu máy, toa tàu quá niên hạn: Trình Chính phủ gia hạn sử dụng
- 09-11-202313 toa tàu của tập đoàn Trung Quốc ở Việt Nam: 275 tỷ đồng, nội thất xịn như máy bay, sao chưa được chạy?
Có ngoại lệ khi áp dụng quy chuẩn cho đoàn tàu của tập đoàn Trung Quốc?
Liên quan đến việc xử lý như thế nào đến việc 13 toa xe tàu hạng sang được đóng hoàn thiện với tổng trị giá hơn 275 tỷ đồng của Công ty TNHH Phát triển thiết bị đường sắt (Việt Nam) thuộc Tập đoàn Jinxin (Trung Quốc) đang nằm ''đắp chiếu'' ở khuôn viên Công ty Xe lửa Gia Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội, mới đây lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, đây là toa xe thiết kế mới hoàn toàn từ bộ phận chạy đến thùng xe nên theo quy định của Việt Nam phải chạy thử nghiệm 100.000km, hoặc thời gian vận dụng tối thiểu 12 tháng liên tục đối với toa xe đường sắt quốc gia trước khi cấp giấy phép đăng kiểm để đưa vào khai thác.
Quy định thử nghiệm chạy đủ 100.000 km này theo tìm hiểu của phóng viên thì ngành đường sắt áp dụng theo Quy chuẩn Việt Nam 18:2018/BGTVT, do vậy bất kể loại tàu nào khi đóng mới, nhập khẩu (trừ tàu phục vụ mục đích an, ninh, quốc phòng) thì đều phải trải qua bước tương tự.
Bên cạnh quy định về số km chạy thử, Bộ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về kiểm tra toa xe khi sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu năm 2018 cũng nêu rõ 26 hạng mục của toa xe cần kiểm tra như: Hệ thống thân xe; giá chuyển hướng; hệ thống hãm; thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy; hệ thống thông gió; độ ồn...
Những quy định nghiêm ngặt trên được đưa ra căn cứ trên kinh nghiệm đường sắt quốc tế và một số nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam.
Một số nhân viên trong ngành đường sắt chia sẻ, "việc chạy thử nghiệm không có gì là lạ vì các toa xe đóng trong nước cũng phải trải qua với 3 chu kỳ thử nghiệm với 100.000km, sau đó còn phải mời hội đồng về đánh giá chất lượng, kiểm tra nhiều công đoạn khác, chưa nói đến việc có thể tổng thành toa, các bộ phận khác theo công nghệ mới đều khác so với trước đây".
Được biết, từ năm 2019 đến nay, các toa xe của Tập đoàn Trung Quốc đầu tư đã hoàn thành chạy thử nghiệm 15.000km nhưng chưa thể cấp giấy phép đăng kiểm vì chưa đủ điều kiện.
Quy định mới sắp có hiệu lực, liệu 13 toa xe ''đắp chiếu'' sẽ được giải cứu?
Mới đây, Bộ GTVT đã ban thành Thông tư 30/2023 về Quy chuẩn quốc gia về phương tiện giao thông đường sắt, theo đó bắt đầu từ ngày 21/12/2023, các toa xe chỉ phải chạy thử nghiệm đủ 5.000km tương tự với tàu đường sắt đô thị, thay vì chạy 100.000km.
Đối chiếu với quy định mới cho thấy 13 toa tàu có thể sắp tới sẽ đủ điều kiện tối thiểu về chạy thử nghiệm và trong trường hợp Jinxin nộp hồ sơ sau thời điểm 21/12/2023 sẽ được áp dụng theo quy chuẩn mới.
Tuy nhiên, việc chạy thử nghiệm tối thiểu 5.000km theo quy định mới chỉ là 1 điều kiện cần để các toa tàu được cấp đăng kiểm. Cụ thể trong quy định mới cũng nêu rõ, ngoài việc kiểm tra, chạy vận hành thử nghiệm thì cơ quan Đăng kiểm của Bộ GTVT cũng sẽ kiểm tra về tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất như: Bản vẽ tổng thể phương tiện, bản vẽ lắp đặt các tổng thành chính; Tài liệu mô tả thông số kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật, tính năng hoạt động của phương tiện; Tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành phương tiện....
Trong khi đó, theo thông tin từ tờ Tuổi Trẻ online thì Tập đoàn sở hữu 13 toa tàu chưa nộp đầy đủ hồ sơ đăng kiểm theo yêu cầu vì lý do ''bảo mật''.
Liên quan đến động thái mới về việc đăng kiểm cho 13 toa tàu trên, chia sẻ trên Báo Giao thông, ông Phạm Minh Thành (Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết: Hiện doanh nghiệp này mới đến hỏi thủ tục liên quan đến kiểm tra chứng nhận đối với 13 toa xe, nhưng chưa thực hiện các thủ tục, nộp hồ sơ theo quy định. Cục Đăng kiểm VN sẽ tiến hành thực hiện chứng nhận khi có đề nghị chính thức từ phía công ty.
Còn về việc cấp phép cho phương tiện này vào hoạt động, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, ''sau khi được cấp giấy đăng kiểm, Jinxin có thể gửi hồ sơ đến Cục Đường sắt để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện và thực hiện các quy định khác theo quy định, đưa phương tiện vào khai thác''.
Theo tìm hiểu, 13 toa tàu hạng sang được Tập đoàn Jinxin thuê Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm lắp ráp 8 toa và Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An 5 toa. Dự án gồm 6 toa giường nằm, 5 toa ghế ngồi, 1 toa xe hàng cơm và 1 toa xe công vụ phát điện. Những thiết bị và phụ tùng toa tàu đều được nhập khẩu, hai nhà máy xe lửa chỉ đóng vỏ và lắp ráp. Đặc biệt, một số thiết bị công nghệ tiên tiến lần đầu được sử dụng tại Việt Nam.
Quy chuẩn mới áp dụng từ ngày 21/12, loại phương tiện đường sắt sẽ phải kiểm tra những gì để qua đăng kiểm:
Cục Đăng kiểm Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải hoặc các tổ chức đăng kiểm/kiểm định khác được Bộ Giao thông vận tải phân công, phân cấp, ủy quyền, chỉ định thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện giao thông đường sắt.
Cụ thể sẽ kiểm tra; Tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất như bản vẽ tổng thể phương tiện, bản vẽ lắp đặt các tổng thành chính; Tài liệu mô tả thông số kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật, tính năng hoạt động của phương tiện; Tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành phương tiện.
Số chỗ giành cho hành khách, nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu được quy định với từng loại phương tiện; Trọng tải; Tải trọng trục (axle load); Khối lượng thiết kế; Thiết bị vệ sinh tự hoại; Chiều dài. chiều rộng, chiều cao, kích thước thân xe...
Đời sống & pháp luật