[Tiêu điểm tuần 11/09 - 15/09] Giới đầu tư đang chú ý tới điều gì ?
Thị trường tài chính toàn cầu tới đây được dự đoán sẽ giành nhiều sự chú ý cho các báo cáo tăng trưởng ở các lĩnh vực khác nhau trên thế giới, cũng như thể hiện sự kì vọng của giới đầu tư vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới…
- 10-09-2017PTKT tuần 11/09 – 15/09: Áp lực điều chỉnh sẽ xuất hiện?
- 10-09-2017Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 11/9
- 10-09-2017Quy tắc đầu tư “vàng”: Những điều cần ghi nhớ khi quyết định nhấn lệnh MUA cổ phiếu
Tiêu điểm thị trường tài chính Việt Nam
Bộ tài chính tiếp tục họp bàn về dự thảo sửa đổi 5 luật về thuế tới đây có nhiều nội dung thay đổi theo hướng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Tài chính cho biết sẽ chủ trì việc xây dựng dự án Luật để trình Chính phủ trong tháng 9/2017 và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Tại cuộc họp Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội mở rộng lần trước về dự án nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho DN, đa số các ý kiến trong ủy ban đều cho rằng việc xác định DN nhỏ và vừa làm cơ sở áp dụng mức thuế suất thấp hơn theo tiêu chí doanh thu là phù hợp, đúng bản chất kinh tế.
Các căn cứ để xây dựng các nội dung sửa đổi luật thuế lần này dựa vào các văn bản nghị quyết vừa mang tính pháp lý cũng như phù hợp các định hướng, chủ trương của Đảng & Nhà nước về cơ cấu lại ngân sách và hệ thống tài chính, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội. Điểm không kém phần quan trọng là sẽ điều chỉnh chính sách thuế để phù hợp những thay đổi của các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như tiệm cận các thông lệ quốc tế, chuẩn mực thế giới trong lĩnh vực tài chính nói chung và lĩnh vực thuế nói riêng.
Một trong những nội dung quan trọng nhất của dự án sửa đổi các luật thuế là cụ thể hóa một số chính sách ưu đãi về thuế TNDN theo “luật hỗ trợ” các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 2018 tới đây. Theo đó, nhiều nội dung sửa đổi liên quan tới quy trình thủ tục và các chính sách về thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN.
Đánh giá về tác động trên, theo các chuyên gia kinh tế sẽ có tác dụng thúc đẩy tích cực đối với DN nhỏ và vừa vì với tiềm lực tài chính của họ còn hạn chế, thì các ưu đãi về thuế suất cũng như rút gọn các thủ tục quy trình trong quá trình thực thi sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện hoạt động thuận lợi hơn. Đặc biệt chính sách thuế sửa đổi bổ sung lần này cũng thể hiện sự quan tâm đến rất nhiều đặc thù của doanh nghiệp, không chỉ liên quan đến nguồn lực tài chính, quản trị, mà còn có các nội dung như quy định rút gọn về kế toán, kiểm toán, để giúp doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách thuận tiện hơn. Ngoài ra, cũng có khá nhiều quy định liên quan tới nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong thu nộp ngân sách nhà nước giữa các DN. Đây là một điểm cũng rất quan trọng giúp cho các DN vừa và nhỏ tới đây sẽ có môi trường kinh doanh, tài chính, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước một cách công bằng bình đẳng, thông qua đó giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa nhằm thúc đẩy nền kinh tế nước nhà.
Tiêu điểm thị trường tài chính thế giới
Mỹ: Công bố dữ liệu lạm phát ở Hoa Kỳ
Thị trường tài chính toàn cầu sẽ tập trung vào một loạt các dữ liệu kinh tế trọng yếu của Mỹ trong tuần tới. Báo cáo lạm phát tháng 8 được Bộ Thương mại công bố vào thứ năm sẽ là tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Báo cáo này sẽ cho thấy những dấu hiệu về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang FED. Các nhà phân tích thị trường kỳ vọng giá tiêu dùng sẽ giảm 0,3%, trong khi lạm phát cơ bản được dự báo sẽ tăng 0,2%. Thị trường vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng Fed tăng lãi suất một lần nữa vào cuối năm nay do lo ngại về triển vọng lạm phát suy giảm.
Anh: Thông báo chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh
Các nhà đầu tư cũng sẽ tập trung vào quyết định về chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Theo kế hoạch, BOE sẽ quyết định mức lãi suất mới vào thứ Năm. Hầu hết các nhà kinh tế kỳ vọng ngân hàng trung ương tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách của BOE đã bắt đầu kêu gọi nâng lãi suất cao hơn trong những tháng tới do sự gia tăng lạm phát gần đây, và sự sụt giảm của đồng bảng Anh kể từ sau cuộc bỏ phiếu Brexit hồi năm ngoái.
Châu Âu: Đánh giá chính sách tiền tệ hàng quý của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB)
Cập nhật chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cũng là sự kiện đáng chú ý trong tuần. Báo cáo của SNB sẽ được công bố vào Thứ Năm. Hầu hết các nhà kinh tế kỳ vọng lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên ở mức -0,75%. SNB cũng dự kiến sẽ giữ nguyên cam kết của mình và can thiệp trên thị trường ngoại tệ nếu cần thiết, để giảm nhu cầu đối với đồng franc Thụy Sĩ. Hiện tại đang có nhiều ý kiến phàn nàn với chủ tịch SNB Thomas Jordan rằng đồng franc Thụy Sĩ vẫn "bị đánh giá quá cao".
Trung Quốc: Cập nhật một số báo cáo vĩ mô của nền kinh tế đại lục
Ở châu Á, mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biết là các lĩnh vực đầu tàu của nền kinh tế này như công nghiệp, xuất nhập khẩu và tiêu dùng. Những dấu hiệu gần đây đang cho thấy rằng đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn mạnh. Do vậy các báo cáo vĩ mô của Trung Quốc trong tuần này nhận được sự quan tâm cao của giới đầu tư. Trung Quốc sẽ công bố số liệu sản xuất công nghiệp tháng 8 vào thứ Năm, với kỳ vọng tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 6,6%. Đồng thời, quốc gia châu Á cũng công bố báo cáo về đầu tư tài sản cố định vào tháng 8 và doanh thu bán lẻ.
Australia: Công bố báo cáo việc làm ở nước này thời gian qua.
Cũng trong ngày thứ Năm, Australia sẽ công bố báo cáo việc làm trong tháng 8. Báo cáo này được giới đầu tư đặc biệt quan tâm khi các nhà đầu tư đang chú ý vào con số tăng trưởng tiền lương và lạm phát. Theo dự báo của các chuyên gia, dữ liệu sẽ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 5,6%. Nếu như các nền kinh tế lớn khác trên thế giới đang bối rối với lạm phát thấp, thì con số lạm phát ở Australia lại tương đối tốt cho tăng trưởng kinh tế. Hiện nay Ngân hàng Trung ương Australia đang giữ lãi suất không thay đổi ở mức 1,5% và duy trì lập trường chính sách trung lập để tránh cho thị trường bất động sản phát triển quá nóng.