Tiêu thụ cả triệu khẩu trang chỉ trong 2-3 tiếng, Long Châu khẳng định khó để chủ động nguồn hàng, chỉ có thể chia sẻ bằng việc bình ổn giá bán
Mặc dù cũng lên biện pháp ứng phó với tình trạng thiếu khẩu trang, song vị này thẳng thắn khẳng định chủ động về nguồn hàng là không thể, khi mà các nhà cung cấp phải ưu tiên cho những nơi nhập cần hơn như bệnh viện, trạm xá, quốc phòng… do đó nguồn hàng cho những đơn vị như Long Châu phải giảm nhưng đơn vị nhấn mạnh hoàn toàn đồng ý với việc này.
Dịch cúm virus Corona tiếp tục trở thành tâm điểm quan tâm của dư luận khi số ca nhiễm bệnh trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng ghi nhận tăng trưởng. Cùng với đó, thông tin nhu cầu về những sản phẩm phòng tránh lây nhiễm cũng được chú ý không kém, khi mà đồng loạt nhiều nơi bán khẩu trang, gel rửa tay, dung dịch sát khuẩn… liên tục cháy hàng.
Theo thống kê của chuỗi Pharmacity mới đây, doanh số khẩu trang những ngày dịch cúm virus đã tăng 4,5 lần so với bình thường, con số tiêu thụ đâu đó lên đến 2 triệu sản phẩm mỗi tuần. Để ứng phó với tình trạng nhu cầu tăng đột biến, Pharmacity cho biết đã làm việc với các đối tác cung ứng để đảm bảo số lượng 130 triệu khẩu trang riêng tháng 2. Mặc dù vậy, ghi nhận bởi ý kiến nhiều người dân, tình trạng cháy hàng vẫn liên tục diễn ra tại chuỗi này những ngày gần đây, tại hầu hết các khu vực thuộc địa bàn Tp.HCM.
Hay hệ thống siêu thị Saigon Co.op, thống kê cho thấy thông thường mỗi siêu thị Co.opmart, Co.opXtra tiêu thụ trung bình khoảng 5 – 10 hộp mỗi ngày thì nay mỗi siêu thị vừa nhập về 300 – 500 hộp khẩu trang, mỗi hộp 50 cái, đều bán hết vèo trong vòng 1 – 2 tiếng đồng hồ, mặc dù đã cố gắng hạn chế chỉ bán cho mỗi khách 1 hộp.
Hiện hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers trên cả nước của Saigon Co.op đang phối hợp các nhà sản xuất duy trì đưa ra thị trường đều đặn trung bình 200.000 khẩu trang và hơn 10.000 chai gel, nước rửa tay mỗi ngày và lượng này dự kiến sẽ được tăng lên khi các đơn vị sản xuất bắt đầu tăng tốc.
Tương tự trong chia sẻ của đại diện chuỗi nhà thuốc Long Châu, nhu cầu khẩu trang tăng cực kỳ lớn trong những ngày gần đây, tính nôm na toàn hệ thống bán hết cả triệu sản phẩm chỉ trong vòng 2-3 tiếng đồng hồ. Mặc dù cũng lên biện pháp ứng phó với tình trạng thiếu hàng, song vị này thẳng thắn khẳng định chủ động về nguồn hàng là không thể, khi mà các nhà cung cấp phải ưu tiên cho những nơi nhập cần hơn như bệnh viện, trạm xá, quốc phòng… do đó nguồn hàng cho những đơn vị như Long Châu phải giảm nhưng đơn vị nhấn mạnh hoàn toàn đồng ý với việc này.
"Giống như tình hình thị trường chung, Long Châu đang nhận nguồn hàng từ các nhà cung cấp hiện tại, và trong bối cảnh toàn thế giới bị thiếu về sản phẩm thì chuỗi cũng bị ảnh hưởng", đại diện Long Châu nói. Theo đó, với số lượng khẩu trang có hạn thì Long Châu không cho biết chỉ có thể chia sẻ với đại cuộc chung bằng cách bình ổn giá, hạn chế mỗi khách hàng chỉ mua 1 hộp.
Phía đơn vị sản xuất, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) trong thông báo mới nhất cho biết cùng công ty con là công ty dệt kim Đông Xuân đã sản xuất ra loại khẩu trang có tính kháng khuẩn theo công nghệ tiêu chuẩn Nhật Bản. Sản phẩm khẩu trang của Công ty bằng vải dệt kim có 2 lớp, trong đó có một lớp kháng khuẩn, tái sử dụng khoản 30 lần giặt, có thể sử dụng trong phòng dịch. Nguyên liệu hoàn toàn do Công ty tự chủ sản xuất. Giá bán lẻ là 7.000 đồng/chiếc, mức giá tương đương chi phí sản xuất. Lãnh đạo Tập đoàn cũng khẳng định, đơn vị có thể đảm bảo nguồn cung vải và cung ứng ra thị trường từ 300.000-400.000 sản phẩm/ngày.
Hay cá nhân Đặng Như Quỳnh - một doanh nhân làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu xe ô tô, cùng nhóm doanh nhân đã bỏ tiền túi tham gia bình ổn giá khẩu trang và nước rửa tay khô trên thị trường. Đáng chú ý, nhóm này đã tiến hành nhập máy sản xuất 15-20 triệu khẩu trang phát miễn phí.
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- LienVietPostBank giảm 0,5% lãi suất cho vay
- HDBank ủng hộ 10 tỷ đồng phòng, chống Covid-19, chuẩn bị tung gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng để bình ổn thị trường
- Điểm sáng kinh doanh giữa dịch COVID-19: Các dịch vụ "đi chợ online" bùng nổ
- Ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19: Masan tối đa hoá công suất hệ thống nhà máy mì tôm, thịt chế biến, nước tương…, đảm bảo đủ hàng thiết yếu cho người tiêu dùng
- Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Cuộc chiến chống dịch COVID-19 giống như một đội bóng đang thi đấu trận quan trọng, nếu sợ hãi sẽ thua cuộc!