MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19: Masan tối đa hoá công suất hệ thống nhà máy mì tôm, thịt chế biến, nước tương…, đảm bảo đủ hàng thiết yếu cho người tiêu dùng

12-03-2020 - 23:53 PM | Doanh nghiệp

Khủng hoảng luôn là động lực để kích hoạt sự thay đổi, giúp chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn. Bán hàng online là xu thế tất yếu của tương lai, và tôi tin rằng khủng hoảng do COVID-19 sẽ đẩy xu thế này phát triển nhanh hơn. Các doanh nghiệp về công nghệ nên đi đầu để nhanh chóng đón bắt vấn đề này, đại diện Masan nhấn mạnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền các địa phương đang rất khẩn trương, quyết liệt kêu gọi các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân phối hợp chủ động ngăn chặn dịch bệnh.

Trong đó, Tập đoàn Masan tăng cường các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá đến người tiêu dùng. Cụ thể:

(1) Tăng công suất tối đa hoạt động sản xuất của các nhà máy trong hệ thống Masan nhằm đảm bảo đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân như: Mỳ tôm, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt.

(2) Giao công ty VinCommerce - công ty con của tập đoàn Masan kết hợp với Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VinaFood 1) đảm bảo cung cấp đầu đủ gạo cho nhu cầu thiết yếu của người dân tại 63 tỉnh thành thông qua hệ thống hơn 3.000 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+.

(3) Làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp của Việt Nam, đảm bảo cung ứng đầy đủ sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho người dân như sữa, đường, muối, mì, thịt… Cải thiện phương thức bán hàng, mở rộng diện phục vụ bán hàng và gian hàng tận nhà.

Ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19: Masan tối đa hoá công suất hệ thống nhà máy mì tôm, thịt chế biến, nước tương…, đảm bảo đủ hàng thiết yếu cho người tiêu dùng - Ảnh 1.

Ngay từ trước Tết Nguyên đán 2020, khi nhận được thông tin về diễn biến dịch bệnh COVID-19, Tập đoàn Masan cho biết đã xây dựng kịch bản toàn diện và chi tiết để ứng phó với dịch bệnh tại hệ thống chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+.

Đến ngày 7/3/2020, sau khi Hà Nội công bố trường hợp đầu tiên dương tính với COVID-19, hệ thống VinMart và VinMart+ ghi nhận lượng người mua tăng cao đột biến. Tại hệ thống hơn 3200 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+ ngoài thịt heo của Masan, Tập đoàn cũng đã ký xong hợp đồng với VinaFood 1 để đảm bảo cung cấp đủ gạo, bình ổn giá tại tất cả các điểm bán trên 63 tỉnh thành.

"Chúng tôi đang làm việc với các doanh nghiệp chủ chốt của Việt Nam để đảm bảo các sản phẩm thiết yếu khác như mỳ, rau, trứng, sữa… luôn đầy đủ, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý để người tiêu dùng đến VinMart, VinMart+. Các nhà máy của Masan đang hoạt động tối đa công suất để đảm bảo đủ hàng cho chuỗi cung ứng này", Phó Chủ tịch Nguyễn Thiều Nam cho hay.

Thực tế, truyền thống mua sắm của người Việt Nam vẫn là thích đến tận siêu thị hay cửa hàng, nhìn thấy người bán hàng, chạm vào hàng hóa để yên tâm hơn. Nhưng ngày hôm nay, người ta sợ đến nơi đông người, đấy chính là cơ hội cho bán hàng online.

Hệ thống VinCommerce đã đẩy mạnh chương trình bán các gói hàng nhu yếu phẩm theo hai cách, người tiêu dùng có thể đến cửa hàng, hoặc ngồi ngay tại nhà sẽ được giao đến.

"Khủng hoảng luôn là động lực để kích hoạt sự thay đổi, giúp chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn. Bán hàng online là xu thế tất yếu của tương lai, và tôi tin rằng khủng hoảng do COVID-19 sẽ đẩy xu thế này phát triển nhanh hơn. Các doanh nghiệp về công nghệ nên đi đầu để nhanh chóng đón bắt vấn đề này", đại diện Masan nhấn mạnh.

Ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19: Masan tối đa hoá công suất hệ thống nhà máy mì tôm, thịt chế biến, nước tương…, đảm bảo đủ hàng thiết yếu cho người tiêu dùng - Ảnh 2.

Tri Túc

Trở lên trên