TikTok trước “án tử” ở Mỹ: Ai sẵn sàng bỏ tiền thôn tính ứng dụng Trung Quốc?
Ai có đủ khả năng tài chính và lợi ích kinh tế để mua lại TikTok trong trường hợp ứng dụng Trung Quốc này buộc phải bán mình ở Mỹ đang là câu hỏi lớn.
- 14-03-2024Đằng sau chuyện ông Trump đổi thái độ với TikTok
- 14-03-2024TikTok đối mặt “án tử” tại Mỹ
- 13-03-2024Khi ‘miếng bánh’ TikTok không còn dễ nuốt: Các TikToker chuyển hướng kiếm tiền sang ‘lãnh địa’ khác khi mối đe dọa về lệnh cấm gia tăng
- 08-03-2024Mỹ bỏ phiếu dự luật cấm TikTok
Ứng dụng 170 triệu người dùng ở Mỹ đứng trước nguy cơ phải bán mình
Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật cấm TikTok nếu công ty mẹ ByteDance, một doanh nghiệp Trung Quốc, không chấp nhận bán nền tảng mạng xã hội 170 triệu người dùng ở Mỹ này cho một chủ sở hữu khác. Dù cần phải được Thượng viện Mỹ thông qua để có thể trình Tổng thống Joe Biden ký thành luật, người ta đã bắt đầu bàn tới việc ai có thể mua lại TikTok ở Mỹ.
Theo dự luật mà Hạ viện Mỹ thông qua, ByteDance có 180 ngày để bán TikTok tại Mỹ. Đó sẽ thực sự là cuộc đua nước rút bởi ứng dụng 170 triệu người dùng ở Mỹ này có giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD.
Các chuyên gia cho biết việc mua lại TikTok rõ ràng là một thương vụ hấp dẫn nhưng người mua sẽ phải đối mặt với những rào cản đáng kể, cả từ phía Mỹ lẫn phía Trung Quốc bên cạnh nhiệm vụ phải huy động số tiền khổng lồ trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, những gã khổng lồ công nghệ với nguồn lực tài chính dồi dào có thể sẽ không mặn mà với thương vụ này vì lo ngại các quy định chống độc quyền. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ hơn lại thiếu nguồn lực để sở hữu Tiktok.
Erik Gordon, giáo sư kinh doanh tại Đại học Michigan, cho biết: “Chính phủ Mỹ muốn doanh nghiệp Trung Quốc thoái vốn khỏi các hoạt động của TikTok ở Mỹ, một hoạt động vô cùng tốn kém. Thế nhưng, chính phủ Mỹ lại không muốn các công ty công nghệ và truyền thông ở nước này ngày càng có sức ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh hơn. Hai mong muốn này dường như mâu thuẫn nhau”.
Thực tế, TikTok đã nhiều lần đối mặt nguy hiểm ở Mỹ. Hiện nay, nền tảng mạng xã hội này đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ một số quan chức chính phủ Mỹ, những người lo ngại dữ liệu người dùng có khả năng rơi vào tay Trung Quốc hoặc ứng dụng bị lợi dụng để truyền bá cái gọi là thông tin sai lệch.
ABC News dẫn lời các chuyên gia an ninh mạng cho rằng có rất ít bằng chứng cho thấy TikTok chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với Chính phủ Trung Quốc hay Chính phủ Trung Quốc yêu cầu ứng dụng này làm như vậy. Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm yên lòng các nhà lập pháp Mỹ.
Dù đã qua của ở Hạ viện Mỹ những dự luật này vẫn cần có ít nhât 60 phiếu tại Thượng viện Mỹ để được đệ trình lên Tổng thống Biden ký thành luật. Có lẽ, rào cản cuối cùng của dự luật là Thượng viện bởi ông Biden đã nhiều lần tuyên bố sẽ ký thành luật ngay khi dự luật này nằm trên bàn làm việc của ông.
Vậy ai sẽ mua lại TikTok ở Mỹ?
Về lý thuyết, cái tên tiềm năng nhất trong việc mua lại TikTok ở Mỹ chính là Meta – chủ sở hữu Facebook và Instagram và Alphabet – công ty mẹ của Google và Youtube. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hai tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số và video dạng ngắn này sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ về chống độc quyền trong việc mua lại TikTok. Và đó chính là rào cản.
Florian Ederer, giáo sư về thị trường, chính sách công và luật tại Đại học Boston, nói với ABC News: “Việc Google và Meta mua lại TikTok là điều hoàn toàn không lên làm. Việc đó sẽ thực sự khiến cho cơ quan chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ cảm thấy kinh ngạc”.
Các chuyên gia cũng có những quan điểm khác nhau về triển vọng các gã khổng lồ công nghệ khác, chẳng hạn như Apple hay Amazon, mua lại TikTok. Với giá trị vốn hóa trên 1,8 nghìn tỷ USD, tiền không phải bài toán khó với 2 gã khổng lồ này. Họ cũng sẽ gặp ít nguy cơ hơn đối với cáo buộc độc quyền vì không sở hữu mạng xã hội lớn như Instagram hay YouTube.
Năm 2020, dưới thời Tổng thống Donald Trump, TikTok từng suýt phải bán mình cũng bởi nhưng lo ngại về an ninh quốc gia. Walmart và Oracle tham gia vụ đàm phán mua lại TikTok ở Mỹ nhưng thương vụ sau đó đổ bể vì TikTok thoát khỏi lệnh cấm.
Vào thời điểm đó, Microsoft cũng không thành công trong việc mua lại TikTok. Bây giờ, Microsoft có thể thử lại nhưng họ sẽ chủ động tránh những rắc rối liên quan tới phản ứng của Trung Quốc cũng như những quy định chống độc quyền chặt chẽ của Mỹ.
Elon Musk, người đàn ông giàu thứ 2 thế giới, cũng có thể trở thành người mua tiềm năng. Tuy nhiên, bài toán khó của Musk là vấn đề tài chính. Sau hàng loạt ồn ào liên quan tới việc mua lại Twitter (hiện đã đổi thành X), liệu có nhà đầu tư nào sẵn sàng rót vốn cho Musk mua lại TikTok?
Khi các gã khổng lồ không thực sự mặn mà với việc mua lại TikTok, cơ hội có thể dành cho những doanh nghiệp nhỏ hơn. Thế nhưng, những vấn đề chính trị xoay quanh thương vụ này có thể khiến nhiều người cảm thấy e ngại vì sự không chắc chắn.
Tham khảo: ABC News
Nhịp sống Thị trường