Tìm hướng đi mới cho cá tra
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với người nuôi trong chuỗi giá trị và cùng nhà nước xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam.
- 16-12-2016Thiếu hụt nặng cá tra xuất khẩu
- 15-12-2016Cá tra, bảy nổi ba chìm
- 14-12-2016Doanh nghiệp vẫn lo lắng dù xuất khẩu cá tra tăng
Theo nhận định của ngành chức năng, dù có tăng trưởng nhưng tình hình xuất khẩu cá tra trong năm 2016 vẫn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất và chế biến cá tra cũng nên thay đổi cách thức kinh doanh theo hướng tập trung khai thác thị trường nội địa để giảm bớt lệ thuộc xuất khẩu.
Giá cả bấp bênh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Việt Nam đang xuất khẩu cá tra sang 140 thị trường trên thế giới, dự kiến năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,67 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Mexico, Brazil, Colombia và Ả Rập Saudi chiếm 79,2% tỉ trọng xuất khẩu.
Người nuôi gặp nhiều khó khăn do giá thu mua cá tra không ổn định
Năm 2016, giá thu mua cá tra nguyên liệu tại ao dao động 18.000-23.000 đồng/kg, giảm từ 3.000-4.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, 3 tháng đầu năm giá dao động 19.500- 20.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 1.500-2.000 đồng/kg. Hiện nay, giá cá khoảng 21.300-22.000 đồng/kg (tùy vào chất lượng và phương thức thanh toán), người nuôi mới có lãi.
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, nhận định sở dĩ giá cá tra luôn bấp bênh là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc DN ồ ạt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc với giá rẻ. Trong khi đó, các DN lớn của nước này tìm mọi cách ngăn chặn nhập cá tra qua đường tiểu ngạch để hạn chế tình trạng gian lận thương mại. “Nếu xét về yếu tố kinh tế thì Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng lớn đối với cá tra Việt Nam. Ngoài tiểu ngạch, thị trường này còn nhập khẩu cá tra chất lượng cao theo đường chính ngạch để phục vụ khách du lịch hoặc tái xuất sang nước khác. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ cá tra nguyên liệu vẫn chưa khởi sắc theo hướng có lợi cho người nuôi” - ông Bình nói.
Hướng đến chuỗi liên kết
Ông Như Văn Cấn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản, cho biết ĐBSCL hiện có 4.785 ao nuôi cá tra thương phẩm, trong đó 2.267 ao thuộc sở hữu cá thể (chiếm 47,38%), 2.486 ao nuôi thuộc sở hữu DN (51,95%) và 32 ao thuộc sở hữu các HTX/tổ hợp tác. Gần đây, DN quan tâm đến việc xây dựng chuỗi liên kết nhưng không nhiều và chưa hoàn chỉnh.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hùng Vương, cho rằng mỗi năm, ĐBSCL cần hơn 30 tỉ cá tra bột (cá giống) để phục vụ nhu cầu nuôi xuất khẩu nhưng khâu này chưa được quan tâm, dẫn đến mạnh ai nấy làm, chất lượng con giống không bảo đảm, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Ông Minh đề nghị Bộ NN-PTNT đầu tư cơ sở sản xuất giống cá tra ứng dụng công nghệ cao ở những địa phương có nhiều thế mạnh về ngành hàng này. Ngoài ra, các DN cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản cũng nên liên kết chặt hơn với DN sản xuất và người nuôi cá để tạo lợi nhuận cao và chia sẻ rủi ro.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra 2016 và giải pháp để phát triển bền vững vừa được tổ chức tại An Giang, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá năm 2016 các tỉnh ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu dẫn đến diện tích nuôi, môi trường nuôi cùng chất lượng sản phẩm cá tra bị tác động xấu. Trước tình hình này, các DN chế biến, xuất khẩu cá tra cần hợp tác chặt chẽ để cùng chia sẻ khó khăn với người nuôi trong chuỗi giá trị và cùng nhà nước xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam. Khi có thương hiệu, DN mới chủ động được thị trường và không bị chi phối bởi giá cả. Phía người nuôi cũng nên tuân thủ nghiêm ngặt quy định của vùng nuôi theo hướng bền vững, gắn với các chuỗi liên kết, tổ hợp tác hoặc HTX, hướng đến quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
“Bộ NN-PTNT sẽ giao các đơn vị chuyên môn sớm rà soát lại các đầu mối quản lý nhà nước liên quan đến cá tra, tạo điều kiện thuận lợi cho cả DN và người nuôi, đồng thời nâng cao vai trò để các hiệp hội trở thành cánh tay nối dài của các DN và nhà nước trong việc chủ động tìm kiếm thị trường” - ông Cường khẳng định.
Bộ NN-PTNT dự báo năm 2017, thị trường cá tra sẽ tăng trưởng 10% và kim ngạch đạt hơn 1,7 tỉ USD. Để tránh rủi ro, DN cần phát triển và trụ vững ở tất cả thị trường hiện có; tập trung khai thác thị trường tiềm năng trong nước.
Nên khống chế sản lượng
Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm HTX Nuôi thủy sản huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - kiến nghị để nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra phát triển bền vững, phải khống chế sản lượng cá nguyên liệu. Nếu để mạnh ai nấy nuôi như hiện nay thì chuyện ế ẩm là khó tránh khỏi và tạo cơ hội cho các thương lái Trung Quốc sang mua cá với giá rẻ. Để làm được điều này, cơ quan quản lý phải quy hoạch lại vùng nuôi cũng như có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Theo ông Nguyên, khi khống chế được sản lượng thì giá thức ăn cho cá cũng giảm theo, như vậy sẽ có lợi cho người nuôi. “Khống chế sản lượng để khi có thị trường tốt thì mở rộng dần theo nhu cầu xuất khẩu, nếu không thì sẽ không cải thiện được tình hình” - ông Nguyên đề xuất.
Người lao động