Tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương năm 2023 tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng và tìm kiếm thị trường mới.
Ngày 3-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức.
Thách thức và cơ hội đan xen
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu năm 2022 tiếp tục phát triển, lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt hơn 732,5 tỉ USD, tăng gần 10% so với năm trước; duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỉ USD (cao gấp hơn 3,3 lần năm trước), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỉ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 20%, vượt 2,5 lần mục tiêu kế hoạch, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết sự sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 do vậy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới. Về phía cung, tác động từ mở cửa nền kinh tế sau kiểm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc có thể làm hàng hóa Việt Nam gặp phải cạnh tranh nhiều hơn tại các thị trường xuất khẩu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Ảnh: NHẬT BẮC
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ rõ, sản xuất và xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt chậm cải thiện; xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm và việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm...
Mặc dù vậy, phía Bộ Công Thương cũng nhìn nhận hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều cơ hội trong năm 2023. Theo ông Phan Văn Chinh, có nhiều yếu tố tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực, là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; các DN Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA. "Thị trường Trung Quốc mở cửa sẽ thuận lợi hơn cho xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản cũng như nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ hoạt động sản xuất" - ông Chinh cho hay.
Khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân
Để biến thách thức thành cơ hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết năm 2023 sẽ tăng cường đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng. Đặc biệt chú trọng hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, DN khai thác có hiệu quả các FTA đã thực thi để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian tới, cần tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật để DN thâm nhập các thị trường mới; đồng thời chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Đối với thị trường trong nước, sẽ thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng.
Đánh giá cao những đóng góp của ngành công thương trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước năm vừa qua, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan này trong năm 2023 tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác song phương, đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng trong bối cảnh xuất khẩu dự báo nhiều khó khăn năm 2023, cần có giải pháp để tận dụng hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Cùng với đó, mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Khẩn trương đàm phán, ký kết FTA với Israel. "Tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh" - Thủ tướng chỉ đạo.
Bên cạnh hoạt động xuất khẩu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.
Giá điện Việt Nam không thể như các nước phát triển
Nhấn mạnh về vấn đề giá điện tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, nếu giá quá cao thì người dân, DN và nền kinh tế không chịu được. Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải tính toán thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa nhà nước, DN và người dân. Bên cạnh đó, cần bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu, không bị thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống. Thủ tướng giao cơ quan này sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với tinh thần bớt khâu trung gian, giảm thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Người lao động