Tìm lối thoát dự án BOT
Hoạt động đầu tư giao thông đường bộ đang gặp không ít khó khăn, rào cản do quy định pháp luật; có địa phương muốn bỏ vốn đầu tư xây quốc lộ, đường cao tốc, hỗ trợ vốn cho địa phương khác nhưng không được. Trong khi đó, dự án hợp tác công - tư (PPP) giao thông cũng giảm sức hút vì phần vốn nhà nước tham gia chưa đủ hấp dẫn, thậm chí chỉ đủ cho giải phóng mặt bằng.
- 26-05-2023Tái khởi động các dự án BOT, BT giao thông là cấp thiết
- 16-05-2023Đề xuất hơn 10.000 tỷ đồng ngân sách xử lý 8 dự án BOT bất cập
- 23-03-2023Đồng Nai tạo đồng thuận khi thu phí trở lại tại dự án BOT đường 768
Có tiền không được làm
Từ năm 2017 tới nay, chỉ có 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) được triển khai theo hình thức BOT, các dự án khác phải chuyển sang đầu tư công, hoặc chưa triển khai. Một trong những bất cập được chỉ ra: Có dự án vốn đầu tư lớn, nhưng vốn nhà nước tham gia tối đa 50% tổng mức đầu tư gồm cả giải phóng mặt bằng, dẫn tới nhà đầu tư phải huy động số vốn lớn, thời gian thu phí kéo dài, nhiều rủi ro, nên không có nhà đầu tư tham gia.
Điển hình như 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, tổng vốn hơn 117,6 nghìn tỷ đồng, nhưng phần vốn nhà nước chỉ hơn 55 nghìn tỷ đồng, còn lại nhà đầu tư phải thu xếp. Trong phần vốn nhà nước tham gia trên, hơn 1/3 vốn nhà nước cho giải phóng mặt bằng. Thậm chí, đoạn cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nhà nước hỗ trợ hơn 2,2 nghìn tỷ đồng cho nhà đầu tư, nhưng hơn 1,3 nghìn tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ phần xây dựng chỉ hơn 800 tỷ đồng. Sau đó, Quốc hội đã chấp thuận chuyển 5/8 dự án thành phần trên sang đầu tư công.
Thời gian qua, một số địa phương được cấp thẩm quyền cho phép làm cơ quan chủ đầu tư dự án cao tốc, sân bay, như Lạng Sơn quản lý đầu tư cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; Quảng Ninh quản lý đầu tư cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Móng Cái; Ninh Bình quản lý cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn; Tiền Giang quản lý cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận... Trong các dự án giao thông thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội cũng cho phép Chính phủ phân cấp cho 14 địa phương làm chủ đầu tư, góp vốn ngân sách địa phương đầu tư cùng ngân sách trung ương, như cao tốc: Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, vành đai 3 TPHCM, vành đai 4 Hà Nội.
Để thu hút nhà đầu tư tham gia dự án BOT giao thông, Bộ GTVT và một số địa phương từng kiến nghị cấp thẩm quyền tăng phần vốn nhà nước tham gia hỗ trợ nhà đầu tư (lên trên 50% tổng vốn). Giải pháp này để tăng tính khả thi, hấp dẫn nhà đầu tư rót vốn cho giao thông, như các dự án: Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, cầu Đình Khao nối Bến Tre và Vĩnh Long, vành đai 4 TPHCM qua Đồng Nai…
Cũng theo quy định hiện hành, các dự án quốc lộ, đường cao tốc do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, sử dụng vốn ngân sách trung ương. Một số địa phương muốn đầu tư quốc lộ, đường cao tốc qua địa phương mình nhưng không được phép (địa phương chỉ đầu tư đường địa phương), như: Quốc lộ 4B tỉnh Lạng Sơn, quốc lộ 56 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quốc lộ 80 tỉnh Kiên Giang, quốc lộ 54 tỉnh Vĩnh Long, cao tốc Mộc Châu - Sơn La, cao tốc Bắc Ninh - Nội Bài, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng… Bên cạnh đó, các dự án giao thông lớn, chưa có quy định góp vốn ngân sách địa phương để cùng ngân sách trung ương đầu tư (mới thí điểm cơ chế này với một số dự án cao tốc).
Luật hiện hành chỉ cho phép địa phương quyết định đầu tư, dùng vốn ngân sách địa phương, quản lý dự án trên địa bàn mình, không được hỗ trợ ngân sách hay quyết định đầu tư, quản lý dự án trên địa bàn tỉnh khác. Từ đó dẫn tới một số dự án kết nối 2 tỉnh (như cầu, hầm) gặp khó trong triển khai, dù địa phương có tiền và muốn làm. Điển hình như Hải Dương muốn đầu tư cầu Kênh Vàng nối với tỉnh Bắc Ninh, cầu Hải Hưng nối với tỉnh Hưng Yên, nhưng không thực hiện được, cũng không thể mỗi địa phương làm 1 nửa cây cầu. Khó khăn trên cũng xảy ra ở một số địa phương khác, như đường nối Bắc Kạn - Hồ Ba Bể (Tuyên Quang), hầm Hoàng Liên nối Lào Cai với Lai Châu, cầu Gành Hào nối Bạc Liêu với Cà Mau, dự án đường ven biển, một số cầu kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long… Từ đó, UBND tỉnh Hải Dương và các địa phương kiến nghị Chính phủ sớm có nghị quyết xử lý vướng mắc trên.
Dùng ngân sách tỉnh mình đầu tư tỉnh khác
Mới đây Bộ KH&ĐT trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc pháp luật liên quan đầu tư giao thông đường bộ. Bộ này cho rằng, để giải quyết vướng mắc trên, cần sửa nhiều luật, mất nhiều thời gian, trong khi thực tế đòi hỏi cần sớm tháo gỡ nhằm phát huy năng lực các địa phương về vốn, quản lý dự án; tăng tính khả thi cho các dự án kêu gọi hợp tác công - tư (PPP).
Cụ thể, Bộ KH&ĐT đề xuất, dự án PPP ở khu vực kinh tế - xã hội khó khăn, qua đô thị loại III, tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ không gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Giải pháp này sẽ tháo gỡ để phần vốn nhà nước thực tế tham gia vào dự án PPP cao hơn mức 50% nếu tính cả chi phí giải phóng mặt bằng.
Bộ KH&ĐT cũng đề xuất, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Chính phủ xem xét quyết định giao địa phương bố trí ngân sách của mình để đầu tư, quản lý dự án quốc lộ, cao tốc qua địa bàn. Với các dự án giao thông qua nhiều tỉnh thành, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Thủ tướng quyết định giao một địa phương có tỷ lệ vốn ngân sách tham gia nhiều hơn làm chủ đầu tư, hoặc theo thoả thuận của các địa phương; cho phép địa phương quyết định dùng ngân sách tỉnh mình hỗ trợ tỉnh khác (với sự đồng thuận của địa phương còn lại).
Đề xuất thí điểm 3 cơ chế mới kể trên trong 3 năm, sau đó sẽ đánh giá tổng kết để đưa vào các luật liên quan, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư các dự án trong giai đoạn 2026 - 2030.
Tiền phong