Tín dụng bất động sản dồn về Hà Nội và TP. HCM
Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội và Tp.HCM chiếm tỷ trọng lần lượt 20,8% và 13,5% liệu có phải là cao?
- 08-05-2021Tín dụng bất động sản giảm tốc
- 06-05-2021TS. Phan Minh Ngọc: Cần hiểu đúng hơn về cung tiền và sốt bất động sản, chứng khoán
- 02-05-2021Tín dụng vào bất động sản và chứng khoán thực sự không đáng lo?
- 23-04-2021Cho vay bất động sản chiếm 19% tổng dư nợ cả nền kinh tế
Cục Thống kê tại Hà Nội và Tp.HCM vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 4/2021, trong đó rất đáng chú ý ở các chỉ số về tài chính - ngân hàng.
HÀ NỘI: CHO VAY BẤT ĐỘNG SẢN CHIẾM TỶ TRỌNG GẦN 20,8%
Cụ thể, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến hết tháng 4/2021, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 2.250 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với 31/12/ 2020; trong đó, dư nợ cho vay đạt 2.035 nghìn tỷ đồng, chiếm 90,4% trong tổng dư nợ.
Theo kỳ hạn, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 904 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 2,8% so với 31/12/ 2020; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.346 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 1,7% so với thời điểm kết thúc năm 2020.
Hết tháng 4/2021, dư nợ cho vay ở Hà Nội đạt 2.035 nghìn tỷ đồng nhưng tỷ trọng bất động sản chiếm gần 20,8%; con số này ở TP. HCM là 13,5%.
Về cơ cấu, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 185 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng dư nợ cho vay; xuất khẩu đạt 107 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,3%; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 384 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,9%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 8 nghìn tỷ đồng, chiếm 14 0,4%; chính sách xã hội đạt gần 10 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,5%; cho vay theo chương trình phục vụ nhu cầu đời sống đạt gần 404 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,8%; cho vay chứng khoán đạt 8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4%.
Riêng cho vay bất động sản tại Hà Nội đạt 423 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 20,8% tổng dư nợ cho vay.
TPHCM: DƯ NỢ CHO VAY BẤT ĐỘNG SẢN CHIẾM 13,5%
Còn tại Tp.HCM, Cục Thống kê tại thành phố cho biết, tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn tính đến 1/4/2021 đạt hơn 2.595 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Đồng thời cơ quan này đánh giá, nhu cầu vốn được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới do hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi.
Tổng dư nợ tín dụng nếu phân theo loại tiền thì dư nợ tín dụng bằng VND đạt hơn 2.418 nghìn tỷ đồng, chiếm 93,2% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt hơn 176 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,8%.
Tổng dư nợ tín dụng nếu phân theo thời hạn cho vay thì dư nợ ngắn hạn đạt hơn 1.203 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,4% tổng dư nợ tín dụng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2020. Dư nợ trung hạn, dài hạn đạt hơn 1.391 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng dư nợ, tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Riêng về cơ cấu dư nợ theo lĩnh vực, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cho biết, trong tổng số dư nợ tại địa bàn thì dư nợ cho vay bất động sản xấp xỉ khoảng 350 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng dư nợ.
“Đây là tỷ lệ hợp lý, an toàn cho cả hoạt động của ngân hàng cũng như cho cả thị trường bất động sản”, ông Minh đánh giá.
Ngoài ra, vị này cũng thông tin thêm rằng, dư nợ dành cho sản xuất kinh doanh đang chiếm 72% và dư nợ tiêu dùng chiếm khoảng 14,5%.
TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG BẤT ĐỘNG SẢN ĐANG CAO
Tại công văn mới đây gửi đến các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đánh giá trong năm 2020 tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao.
Bên cạnh đó, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thậm chí, một số ngân hàng thương mại có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng lớn so với năm 2019, trong đó, mức tăng thêm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro, nhà điều hành đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn; cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Mặt khác, các tổ chức tín dụng cũng phải tăng cường công tác thẩm định, thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, thận trọng cấp tín dụng đối với các khoản tín dụng bất động sản tại các địa bàn đang sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.
VnEconomy