Tín dụng đen: Sau lời đường mật là lãi suất “cắt cổ”
Phía sau những lời dụ dỗ ngon ngọt đó là một mức lãi suất “cắt cổ” tương đương từ 109,5 đến 182,5%/1 năm.
Thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng và không cần thế chấp chính là những cái lợi trước mắt mà những người cần tiền tìm đến với “tín dụng đen” nhưng ít ai biết được rằng, phía sau những lời dụ dỗ ngon ngọt đó là một mức lãi suất “cắt cổ” tương đương từ 109,5 đến 182,5%/1 năm.
Khi người vay không có khả năng thanh toán, các đối tượng cho vay sẵn sàng đánh đập, siết nợ, gây phức tạp tình hinh ANTT.
Các đối tượng cho vay nặng lãi ở tỉnh Phú Thọ
Đối tượng vay rất đa dạng
Trong vài năm trở lại đây, dịch vụ cho vay, cầm đồ được nở rộ từ thành thị cho tới nông thôn, chúng được khoác lên bằng những cái tên rất mỹ miều như: “hỗ trợ tài chính” “trợ giúp tài chính”, “vay họ” và được quảng cáo rất hấp dẫn như “Alo là có tiền”, “Vay tiền chỉ cần chứng minh nhân dân”, “vay không thế chấp”. Tuy nhiên, thực chất đó là các hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng.
Đa số các cơ sở trên đều hoạt động không có giấy phép, được núp dưới các hiệu cầm đồ hoặc các cửa hàng tạp hóa. Thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng và không cần thế chấp tài sản chính là cái bẫy khiến không ít những người đang gặp khó khăn về kinh tế sa chân vào “tín dụng đen”.
Là một trong số những nạn nhân, anh Trần Ngọc Linh, SN 1982, ở khu 1, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ cho biết, tháng 6/2018, do cần một khoản tiền lớn để trả tiền mua đất và mở rộng xưởng sản xuất nhôm kính nên anh vay của các đối tượng cho vay cầm đồ số tiền 570 triệu đồng.
Với mức lãi suất từ 4 đến 5 nghìn đồng/triệu/ngày, hàng tháng số tiền lãi anh Linh phải trả lên tới 70 triệu đồng. Ban đầu anh Linh dự tính, chỉ vay tối đa khoảng 1 tháng, sau khi có bìa đỏ trong tay, anh sẽ dùng để thế chấp ngân hàng rồi lấy tiền đó trả vào số tiền vay bên ngoài.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 5 tháng, số tiền lãi mà anh Linh phải trả cho các đối tượng cầm đồ lên đến hơn 300 triệu đồng. Nguy hiểm hơn, số tiền anh rút ra từ ngân hàng chỉ đủ để trả lãi hàng tháng. Do tiền lãi hàng tháng phải trả quá cao, trong khi thu nhập từ xưởng sản xuất chỉ từ 15 đến 20 triệu đồng, vợ chồng anh Linh đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.
Tang vật của vụ án |
Thiếu tá Lê Trí Dũng - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: “Các đối tượng phạm tội luôn tìm những thủ đoạn để mồi chài, khiến người vay chủ quan. Đối tượng đi vay cũng rất đa dạng, bên cạnh những người gặp khó khăn về kinh tế thực sự, cần tiền để chữa bệnh hoặc giải quyết những công việc đột xuất thì cũng không hiếm các trường hợp vay tiền là để phục vụ mục đích cờ bạc, hút chích. Khi đã vướng vào rồi thì người vay không thể dứt ra được. Đây là nguyên nhân làm phát sinh nhiều loại tội phạm như cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản…”
Chỉ tính từ tháng 11/2018 đến nay, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã bắt giữ 3 vụ với hàng chục đối tượng cho vay lãi nặng. Đây hầu hết đều là những đối tượng từng có tiền án, tiền sự, chúng tập hợp những đối tượng thanh, thiếu niên chơi bời, lêu lổng thành một nhóm hoạt động chuyên đi thu nợ, đòi nợ thuê hoặc đánh đập, dọa dẫm những người không trả lãi.
Là một đối tượng có “thâm niên” trong lĩnh vực cho vay cầm, Nguyễn Văn Hiếu (trú ở phố Nguyễn Trãi, Phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ cho biết, trên các hợp đồng vay tiền nhóm đối tượng này không ghi mức lãi suất hoặc chỉ ghi bằng mức lãi suất của ngân hàng, mọi thứ đều thỏa thuận miệng.
Giao dịch kín đáo
Kết quả điều tra cho thấy, để thực hiện trót lọt các giao dịch cho vay, khi người vay đến giao dịch thường diễn ra kín đáo, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn như: ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất, hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự, gây khó khăn trong công tác điều tra.
Công an tỉnh Phú Thọ đã tập trung đấu tranh triệt phá, ngăn chặn không để “tín dụng đen” hoành hành. |
Thực tế, mức lãi suất mà người đi vay phải trả thường từ 3.000 đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tương đương từ 109,5 đến 182,5%/1 năm. Như vậy, chỉ sau từ 6 đến 8 tháng số tiền lãi mà người vay phải trả tương đương với số tiền gốc ban đầu đi vay. Khi người vay mất khả năng chi trả, các đối tượng sẽ đe dọa, ném chất bẩn; cố ý gây thương tích; hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản... gây phức tạp về an ninh trật tự. Nguyên nhân để các hoạt động tín dụng có “đất sống” chủ yếu các giao dịch ngân hàng hiện nay còn khá chặt chẽ khiến người dân khó khăn trong việc tiếp cận những nguồn vốn vay chính thống.
Để hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, ông Phạm Trường Giang - Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Phú Thọ cho biết, tới đây ngành ngân hàng sẽ tập trung triển khai thực hiện nghị định 116, sửa đổi nghị định 55 về mở rộng cho vay các đối tượng, nâng mức cho vay không có thế chấp từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng cho bà con ở vùng nông thôn và thành thị; cùng với đó ngành ngân hàng tiếp tục mở rộng hệ thống mạng lưới để phục vụ bà con tiếp cận, cải tiến nhanh quy trình thủ tục vay vốn, đặc biệt cho vay tín chấp các đối tượng có nhu cầu cần tiền nhanh, gấp; ngân hàng nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các gói tín dụng kích thích tiêu dùng để mọi dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng…
Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không tiếp tay cho những hoạt động của bọn tội phạm, không tham gia vay mượn, cầm cố khi không thật cần thiết; khi có sự việc xảy ra cần báo với cơ quan chức năng giải quyết vụ việc./.
VOV