Tín dụng hết năm tăng khoảng trên 18%
Tính đến hết ngày 20/9, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,02% so với cuối năm 2016, theo báo cáo được công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước.
- 23-10-2017"Xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém với nợ xấu chưa căn bản và triệt để"
- 19-10-2017Trong vòng 10 ngày, tín dụng đã tăng thêm 1,14%
- 17-10-2017Thủ tướng: Cán bộ làm tín dụng nhất thiết phải gần dân, sát dân
Cụ thể, báo cáo cho biết, tín dụng đối với nền kinh tế liên tục tăng ngay từ những tháng đầu năm 2017, tăng đều qua các tháng và cao hơn mức tăng cùng kỳ 2 năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,46% và cùng kỳ năm 2015 tăng 10,78%).
Trong đó, cơ cấu tín dụng đã có sự tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, với một số ngành kinh tế trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống. Cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đều tăng so với cuối năm 2016 như tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn đến tháng Tám đạt 1.222.267 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng khoảng 20,2% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Tín dụng đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại (đến cuối tháng Tám) như lĩnh vực xuất khẩu đạt 207.001 tỷ đồng, tăng 8,14%; lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao đạt 35.012 tỷ đồng, tăng 25,12%; lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển đạt 153.837 tỷ đồng, tăng 18,9%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49%.
Trong bối cảnh tín dụng các tháng cuối năm thường tăng trưởng mạnh (tín dụng cuối năm 2016 tăng 18,71% trong khi cùng kỳ mới chỉ tăng 10,46%); nhiều khả năng tín dụng cả năm 2017 sẽ vượt mức mục tiêu 18% đề ra từ đầu năm và hướng tới mốc 21-22% theo định hướng của Chính phủ.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 9,59% so với cuối năm 2016 (tăng 15,36% so cùng kỳ 2016), hỗ trợ kiểm soát lạm phát tiếp tục ổn định ở mức thấp, đảm bảo kiểm soát lạm phát CPI theo mục tiêu trong bối cảnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý được điều chỉnh.
Thanh khoản của tổ chức tín dụng được đảm bảo, dư thừa ở mức hợp lý để hỗ trợ tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, từ đó góp phần ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, đồng thời hỗ trợ Bộ Tài chính phát hành thành công trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài và lãi suất thấp.
Về tổng thể, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước phát đi tín hiệu thuận lợi cho định hướng nới lỏng chính sách cho các tháng cuối năm, cũng là yếu tố mang tính hỗ trợ mạnh đối với thị trường chứng khoán.
Trao đổi với Tiền phong, một lãnh đạo ngành ngân hàng khẳng định hiện tín dụng đang tăng rất tốt và đảm bảo sẽ vào đúng những lĩnh vực trọng điểm ưu tiên của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng rất ủng hộ và tạo điều kiện cho các ngân hàng nới van tín dụng trong khả năng cho phép đặc biệt phải đảm bảo vừa tăng trưởng vừa kiểm soát rủi ro.
Tiền phong