Tín dụng tăng thêm 3% sẽ vào đâu?
Tín dụng tăng thêm 3% thì liệu nền kinh tế có hấp thụ được không, hấp thụ được thì vào đâu, bất động sản, thị trường chứng khoán?...
- 10-10-2017"GDP nhiều khả năng đạt được mục tiêu đề ra mà không nhất thiết phải đẩy quá mạnh tín dụng"
- 06-10-2017Thống đốc Lê Minh Hưng: Tín dụng 2017 tốt ngay từ đầu năm
- 06-10-2017Kích tín dụng - nên nhớ bài học cũ
Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% năm nay, cứ cho là giờ hoàn thành được gần 12% thì còn 9% nữa đến hết năm liệu có đạt - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi ngay đầu phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, sáng 12/10.
Băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội còn ở chỗ tăng thêm 3% thì liệu nền kinh tế có hấp thụ được không, hấp thụ được thì vào đâu, bất động sản, thị trường chứng khoán?
Hồi âm ngay, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nói chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đầu năm Ngân hàng Nhà nước đề ra mức 18%. Căn cứ vào các mục tiêu vĩ mô, thực hiện các giải pháp tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh chỉ tiêu lên mức 21%.
Với điều chỉnh này tín dụng có mức tăng trưởng hơn và đã đạt 11,8% (cao hơn một chút so với cùng kỳ năm trước, 11,69% của 2015). Chỉ số này đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu tín dụng tập trung vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Đầu tư vào bất động sản là lĩnh vực có rủi ro cần kiểm soát chặt nên tỷ lệ tăng trưởng tín dụng vào đây thấp hơn so với các lĩnh vực khác, đầu tư vào sản xuất, nông nghiêp sạch, làm hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao hơn - ông Tiến cho biết.
Phó thống đốc khẳng định, để khuyến khích tăng trưởng hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước vẫn xác định những tháng cuối năm điều hành một cách thận trọng, khuyến khích vào lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt tránh đổ vào lĩnh vực có rủi ro.
Theo quy luật, quý 4 và tháng 11, tháng 12 sẽ có mức tăng trưởng cao hơn nên chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát vĩ mô để kiểm soát tín dụng phù hợp. Nếu kiểm soát lạm phát, cân đối vĩ mô và chất lượng tín dụng đảm bảo thì có thể điều hành trên mức 18% - ông Tiến nói.
Nhất trí với ý kiến của Phó Thống đốc, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn băn khoăn: có thể thấy con số 18% rất hợp lý, đến đầu tháng 10 mới tăng 11,8%, trong khi mục tiêu cả năm của Chính phủ là 21%.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tăng trưởng tín dụng sẽ có tác dụng tốt với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn nhưng sẽ có là hệ quả lớn trong dài hạn nếu chất lượng tín dụng ko tốt, rủi ro sẽ cao.
"Anh Dũng Bộ trưởng Tài chính nên nhớ là tăng trưởng ở thị trường chứng khoán đang rất cao, cần kiểm soát tốt xem tín dụng đi đâu. Không nhất thiết đến 21% mà nếu đến thế thì cần xem tín dụng đi vào đâu, chất lượng tín dụng thế nào và rủi ro với nền kinh tế ra sao" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến tăng trưởng tín dụng, khi trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ảnh, nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3% nhưng thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao. Nếu tiếp tục yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% nhằm hỗ trợ đạt tăng trưởng GDP của năm nay sẽ gây sức ép vĩ mô khi mô hình tăng trưởng chưa có dấu hiệu cải thiện.
Có ý kiến lo ngại về hiệu quả và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp khi tăng trưởng tín dụng cao và dễ dẫn đến tác động tiêu cực tới kiểm soát lạm phát, gia tăng nợ xấu và tín dụng không đi vào những ngành, lĩnh vực có tác động tích cực tới nền kinh tế - ông Thanh cho biết.
Vneconomy