Tín dụng tăng trưởng cao: Mừng hay lo?
Tăng trưởng tín dụng đầu năm 2017 không theo qui luật hàng năm. Vốn đưa ra nhiều nhưng tăng trưởng GDP lại không như kỳ vọng.
- 02-05-2017Cơ cấu lại tổ chức tín dụng: Nguồn lực nào hợp lý?
- 23-02-2017Đề xuất thêm biện pháp để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng
- 16-12-2016Lúng túng trong xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017, tín dụng tăng cao nhất trong 6 năm gần đây, đạt 4,86%, cùng kỳ chỉ 3%. Tín dụng tăng cao trong khi tăng trưởng quý I chỉ đạt 5,1%, liệu đây có phải là một rủi ro cho nền kinh tế?
Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2017 không giống các năm trước.
Trước hết, có thể khẳng định, tín dụng tăng trưởng cao là tin vui của ngành Ngân hàng, chứng tỏ hệ thống ngân hàng đã hồi phục, nền kinh tế đã hấp thụ vốn, nhưng đây cũng chính là những rủi ro cho nền kinh tế, kèm theo đó là hàng loạt vấn đề liên quan đến lạm phát, huy động vốn, chạy đua lãi suất…
Trao đổi về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, khi mở rộng đầu tư, tăng trưởng tín dụng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
“Vấn đề nợ xấu thì chưa nói nhưng chất lượng tín dụng chúng tôi đã quán triệt nhiều, đặc biệt là đối tượng tín dụng đưa vào. Vừa qua, NHNN đã chỉ đạo các NHTM tập trung đưa vào lĩnh vực sản xuất nên có thể nói 88% tín dụng vừa qua tập trung cho sản xuất. Con số về tín dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cũng là một ví dụ, chỉ trong một thời gian rất ngắn mà đã đưa 26.000 tỷ đồng cho vay” – ông Tú cho biết.
Đặc biệt, theo lãnh đạo NHNN, cơ quan này hạn chế tối đa tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… đưa tín dụng vào sản xuất, mở rộng sản xuất thì chất lượng tín dụng sẽ tốt, hạn chế rủi ro, nợ xấu sẽ giảm và quan trọng là hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP. Tăng trưởng tín dụng đến thời điểm hiện nay là khoảng 5%. Đây là mức tăng tích cực nhất trong 6 năm qua.
Điều đáng quan tâm, theo ông Đào Minh Tú, thông thường tín dụng hay tăng vào cuối năm, có năm chỉ tăng 2 – 3% trong mấy tháng đầu năm. “Chúng tôi đánh giá ở góc độ vốn đầu tư cho nông nghiệp, sản xuất, cho nền kinh tế ngay từ đầu năm là hết sức tích cực”.
Vấn đề đặt ra là khi tăng trưởng tín dụng thì các ngân hàng cũng phải tăng cường huy động vốn thì mới có nguồn vốn để cho vay. “Tuy nhiên với khả năng huy động hiện nay của các ngân hàng thì tăng trưởng tín dụng cũng đảm bảo hài hoà. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt, tương xứng nên thanh khoản của các ngân hàng vẫn đảm bảo. Chúng tôi vẫn kiểm soát được toàn bộ các chỉ tiêu vĩ mô”.
Tăng trưởng tín dụng và kiểm soát lạm phát luôn là vấn đề song hành. Chính vì thế, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN quan tâm đặc biệt việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.
Theo Người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng, cho thấy nhiệm vụ của những tháng tiếp theo của năm 2017 là rất nặng nề, nhất là đối với mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4%. Bởi cả quý I tăng trưởng mới đạt 5,1%; trong 3 quý còn lại phải đạt được tăng trưởng trung bình khoảng 7,1%, phấn đấu quý II đạt 6,26%, quý III 7,29% và quý IV 7,49%.
Chính phủ vẫn kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra. Bởi thực hiện được các mục tiêu này thì mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu và việc làm, thu nhập, đời sống người dân. Đồng thời, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững những năm tiếp theo và bảo đảm đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 tăng trưởng 6,5-7%.
Theo NHNN, những tháng tiếp theo, cơ quan này sẽ tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát việc cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro./.
VOV