Tin lời quảng cáo trên mạng, mua điện thoại với giá siêu khuyến mại ai gặp ngay hàng 'dựng'
Xem review quảng cáo điện thoại “Samsung Galaxy A72” trên YouTube, cụ ông ở Hà Nội đã không ngần ngại đặt mua với giá “khuyến mại” mà không hề biết rằng mình đang mắc lừa.
- 06-05-2022Có nên chi 1.000 USD cho một chiếc điện thoại thông minh không?
- 26-04-2022Vì sao điện thoại tân trang ngày càng được ưa chuộng?
- 25-04-2022Quên điện thoại gập đi, bởi Samsung chuẩn bị cho ra mắt chiếc điện thoại màn hình trong suốt có thể cuộn lại đầu tiên
Chiếc hộp đựng và điện thoại “Samsung Galaxy A72” được giới thiệu là hàng chính hãng mà ông Phương nhận được từ người bán hàng trên mạng. |
Mua điện thoại Samsung Galaxy A72 thành “hàng dựng” của Trung Quốc
Câu chuyện vừa xảy ra đối với ông Nguyễn Xuân Phương (77 tuổi), một công chức về hưu, trú tại phường Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chia sẻ câu chuyện với PV Infonet, ông Phương cho hay, ông xem thông tin và bài giới thiệu về chiếc điện thoại “Samsung Galaxy A72” trên kênh YouTube.
Người bán hàng khẳng định chiếc điện thoại này là hàng chính hãng, được bán với giá “siêu khuyến mại” 1.990.000 đồng (giá bán ngoài thị trường từ 8 đến 11 triệu đồng tuỳ loại máy). Tin lời người bán hàng nên cụ ông cứ nghĩ rằng đã may mắn gặp được điện thoại chính hãng giá tốt, nên không ngần ngại “chốt đơn”.
“Theo như cảm kết về “chính sách bảo hành” người bán hàng giới thiệu gồm có: Bảo hành chính hãng 12 tháng; kiểm tra hàng trước khi thanh toán; một đổi một trong 30 ngày nếu lỗi từ nhà sản xuất; miễn phí giao hàng toàn quốc,…”, ông Nguyễn Xuân Phương kể lại.
Sáng hôm sau, ông Phương nhận được điện thoại từ người giao hàng, những biểu hiện của người giao hàng khiến ông khẳng định giữa người giao hàng và người bán hàng có mối quan hệ với nhau:
“Ban đầu người giao hàng không đồng ý cho tôi kiểm tra hàng. Tôi yêu cầu được kiểm tra như cam kết và người này ngay lập tức gọi điện hỏi và được người bán hàng đồng ý để tôi được kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Như vậy là anh thanh niên giao hàng này biết rõ số điện thoại của người bán điện thoại”, ông Phương kể.
Nhìn thấy hộp điện thoại ghi rõ dòng chữ “Samsung Galaxy A72” cùng điện thoại và đầy đủ phụ kiện gồm bộ sạc, tai nghe... |
...và phiếu bảo hành, ông Phương đồng ý thanh toán tiền mà không mảy may nghi ngờ. |
Sau khi kiểm tra hàng, nhìn thấy hộp điện thoại ghi rõ dòng chữ “Samsung Galaxy A72” cùng điện thoại và đầy đủ phụ kiện gồm bộ sạc, tai nghe, phiếu bảo hành, ông Phương đồng ý thanh toán tiền mà không mảy may nghi ngờ. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày ông Phương mang điện thoại “Samsung Galaxy A72” và chiếc điện thoại cũ đến cửa hàng Thế giới Di động gần nhà để nhờ chuyển thẻ sim và danh bạ từ điện thoại cũ sang. Sau khi kiểm tra, các nhân viên kỹ thuật của Thế giới Di động đều khẳng định với ông rằng điện thoại “Samsung Galaxy A72” ông mua chỉ là hàng nhái, “hàng dựng” của Trung Quốc, không phải là hàng chính hãng của Samsung.
“Họ khuyên tôi không nên dùng nó vì có thể không an toàn, nhất là khi sử dụng bộ sạc pin. Sau khi được thông tin như vậy, tôi quyết định không chuyển đổi sim sang máy mới, giữ nguyên vẹn máy để tiến hành giải quyết trả đổi điện thoại chính hãng”, ông Phương cho biết.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực liên lạc của ông Phương đến các số điện thoại của người bán hàng, người giao hàng, và số điện thoại ghi trên phiếu bảo hành đều không thể thực hiện được do các thuê bao này đã tắt máy.
Cũng theo chia sẻ của ông, người bán hàng khi giới thiệu sản phẩm đã cung cấp thông tin liên hệ gồm 3 cơ sở, tất cả đều là những địa chỉ rất mông lung, khó xác định gồm: Cơ sở 1 tại số 62 Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội; cơ sở 2 ở nhà B phố Nguyễn Hiền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; và cơ sở 3 chỉ ghi chung chung ở…. Thành phố Hồ Chí Minh. Cả 3 cơ sở này chỉ có chung một số điện thoại liên hệ 09858865…
Phóng viên Infonet đã tìm đến cơ sở 1 ở số 62 phố Định Công, quận Hoàng Mai. Tuy nhiên đây không phải là cửa hàng bán điện thoại, thay vào đó, địa chỉ số 62 chính là lối vào một toà chung cư trên con phố này. Trong khi đó, địa chỉ cơ sở hai tại Hà Nội cũng chỉ được người bán hàng giới thiệu một cách mập mờ: “Nhà B phố Nguyễn Hiền, quận Hai Bà Trưng”, chứ không ghi cụ thể số phòng, trong khi đây là một khu nhà tập thể cũ.
Phóng viên gọi vào số máy người bán hàng, tổng đài tự động báo “thuê bao không liên lạc được”.
Địa chỉ số 62 Định Công là lối vào một toà chung cư. |
Người mua vẫn phải tự bảo vệ mình
Việc mua hàng trên mạng thông qua các nền tảng trực tuyến đôi khi không thể kiểm chứng chất lượng nên đã khiến không ít khách hàng lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”. Thậm chí có nhiều trường hợp người bán nhận tiền đặt cọc xong rồi lặn mất tăm…
Vừa qua, chị N.M.H tại Thanh Xuân, Hà Nội đã ấm ức lên trang cá nhân tố một shop quần áo online lừa đảo. Trước đó, chị H. đã lướt mạng xã hội Facebook và thấy một shop bán bộ đồ rất ưng. Hình ảnh và kiểu dáng rất hợp với ý mình, thêm nữa là cô chủ shop rất nhiệt tình tư vấn sản phẩm. Không ngần ngại chị H. sau đó đã chuyển tiền mua 2 bộ đồ để được miễn phí vận chuyển.
Sau khi chuyển tiền, bên chủ shop nhận được tiền và báo chuẩn bị gửi hàng thì chị H. ngỡ ngàng khi không thể nào liên lạc được với cô chủ shop kia.
Hay như trường hợp của anh Đ.Q.H, TP Hà Nội, sau khi đặt mua hải sản trên “chợ hải sản” online, và chuyển khoản trước 5 triệu đồng để đặt cọc. Tuy nhiên, anh Đ.Q.H đợi không thấy hàng được chuyển tới nhà nên gọi lại cho chủ cửa hàng, nhưng lúc này số điện thoại của cửa hàng đã không liên lạc được.
Khó có thể thống kê hết lượng người tiêu dùng bị những cú lừa từ người bán hàng online. Lý do để những người bán online này vẫn tiếp tục lộng hành, lừa đảo mà hầu như không phải chịu một hậu quả nào là do việc kinh doanh buôn bán trên mạng hầu như chỉ bằng niềm tin, không có ràng buộc pháp lý rõ ràng. Do vậy, người mua hàng cần cảnh giác và thận trọng hơn khi mua hàng trên mạng, chỉ nên mua hàng tại website rõ ràng.
Liên quan đến việc lừa đảo trên mạng xã hội, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng. Nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin người bán, hàng hoá có nguồn gốc rõ ràng...
Infonet