MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tin rằng khối ngoại sẽ trả giá cao cho các thương vụ bán vốn, TTCK Việt Nam bứt phá không ngừng nghỉ trong năm 2017

CTCK HSC cho rằng thị trường đang trong một tình trạng khá đặc biệt trước niềm tin mạnh mẽ là các sự kiện IPO, niêm yết và phát hành của các doanh nghiệp tốt nhất thị trường tiếp tục thu hút được NĐTNN và họ sẵn sàng trả giá cao hơn so với hiện tại.

Tính tới hết phiên giao dịch 27/11, chỉ số VnIndex leo lên mức 938,61 điểm, tăng 41% so với thời điểm đầu năm 2017. Mức tăng trên đã giúp VnIndex lọt vào top 3 chỉ số chứng khoán tăng trưởng tốt nhất Thế giới.

Có lẽ đây là điều mà những người lạc quan nhất cũng không thể tưởng tượng VnIndex có thể chạm tới trong năm 2017. Thực vậy, trong các dự báo về TTCK Việt Nam năm 2017, hầu hết các chuyên gia, tổ chức đều đánh giá VnIndex chỉ có thể vươn lên vùng 760 – 780 điểm. Có chuyên gia lạc quan lắm cũng chỉ nhận định VnIndex leo lên 860 điểm, và tất nhiên ý kiến này cũng nhận phải không ít nghi ngờ.

Tuy vậy, TTCK Việt Nam năm 2017 như một dòng nước lớn không gì cản nổi. Lần lượt các mốc kháng cự “cứng” như 760 điểm, 800 điểm, 850 điểm, 900 điểm đều bị chinh phục và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Mục tiêu phá vỡ cột mốc 1.000 điểm hay thậm chí đỉnh cao 1.170 điểm được xác lập năm 2007 có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.


VnIndex lọt top 3 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới từ đầu năm tới nay

VnIndex lọt top 3 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới từ đầu năm tới nay

Tin rằng khối ngoại sẽ trả giá cao trong các đợt bán vốn?

Việc TTCK Việt Nam bứt tốc “ngoài dự báo” trong năm 2017 có rất nhiều nguyên nhân như hoạt động kinh doanh doanh nghiệp tiếp tục cải thiện, xuất khẩu kỷ lục, lạm phát duy trì ổn định, GDP tăng trưởng tốt, giá dầu hồi phục hay những tín hiệu tích cực từ việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu…

Dù vậy, những yếu tố trên vẫn chưa đủ để giúp TTCK Việt Nam nổi “sóng thần” trong năm 2017. Một nguyên nhân quan trọng khác là niềm tin của giới đầu tư vào các sự kiện IPO, niêm yết của các doanh nghiệp lớn cũng như đẩy mạnh thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước.

Trước năm 2015, TTCK Việt Nam có diễn biến không thực sự tích cực. Bên cạnh những yếu tố về vĩ mô thì một yếu tố khiến thị trường khó bứt phá là thiếu hàng hóa hấp dẫn để thu hút dòng tiền mới tham gia. Việc IPO cũng như đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước, nới room ngoại là yếu tố được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt NĐTNN quan tâm nhưng quá trình này diễn ra khá chậm chạp.

Tuy vậy, trong năm 2015, tín hiệu tích cực để giải quyết những bài toán trên đã ra đời khi Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP với những nội dung quan trọng bao gồm nới room cho khối ngoại lên 100% cũng như rút ngắn thời gian doanh nghiệp lên sàn niêm yết, Upcom sau khi IPO.

Ngay lập tức, thị trường đã đón nhận làn sóng lên sàn của hàng loạt tên tuổi lớn như Vinatex, Vietnam Airlines, ACV, Petrolimex, Sabeco, Habeco,… giúp quy mô thị trường rộng mở và nhà đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn.

Không những vậy, trong giai đoạn 2016- 2017, hàng loạt tên tuổi lớn như Vinamilk, Domesco, SSI, Nhựa Bình Minh… cũng tiến hành nới room lên mức tối đa 100% và lập tức thu hút sự quan tâm lớn của khối ngoại. Trong năm 2016, câu chuyện nới room đã trở thành đề tài nóng giúp thị trường “dậy sóng”.

Tuy nhiên, có nhiều hàng hóa lên sàn hay nới room vẫn chưa đủ. Điều mà nhà đầu tư ngoại quan tâm tiếp theo là việc thoái vốn Nhà nước tại những “con gà đẻ trứng váng” như Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Vinaconex… Thực tế cho thấy việc thoái vốn này diễn ra không hề dễ dàng bởi đây là những doanh nghiệp hàng đầu mà Nhà nước nắm giữ, mỗi năm mang về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức. Không những vậy, việc thoái vốn với quy mô lớn cũng khiến việc đàm phán trở nên phức tạp hơn nên chưa thể diễn ra một sớm một chiều.


TTCK Việt Nam bứt phá nhờ niềm tin khối ngoại sẽ trả giá cao trong các đợt bán vốn?

TTCK Việt Nam bứt phá nhờ niềm tin khối ngoại sẽ trả giá cao trong các đợt bán vốn?

Cuối năm 2016, “phát súng” đầu tiên về việc thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước chất lượng tốt đã nổ ra khi SCIC bán thành công lô 3,33% cổ phần Vinamilk. Việc bán thử nghiệm Vinamilk dù chưa thực sự “được giá”, nhưng đây là tín hiệu tích cực báo hiệu làn sóng thoái vốn mạnh mẽ sẽ được diễn ra trong năm tiếp theo.

Thực vậy, trong những ngày gần đây, câu chuyện thoái vốn đã trở nên nóng bỏng và là động lực quan trọng giúp thị trường bứt phá. SCIC tiếp tục bán 3,33% cổ phần Vinamilk, nhưng mức giá lần này đã rất cao, vượt xa thị giá cổ phiếu cho thấy sức hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn.

Nối tiếp thành công, những buổi Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư FPT, Vinaconex, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Domesco, Sabeco tiếp tục diễn ra rầm rộ thời gian gần đây hay những thông tin thoái vốn Nhà nước tại Viglacera, DIC Corp…càng khiến giới đầu tư thêm phần hào hứng với kỳ vọng thành công từ việc bán vốn Vinamilk sẽ lặp lại. Điều này không phải không có cơ sở khi có rất nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm và sẵn sàng tham gia mua cổ phần khi Nhà nước thoái vốn.

Trong bản tin nhận định, CTCK HSC cho rằng thị trường đang trong một tình trạng khá đặc biệt trước niềm tin mạnh mẽ là các sự kiện IPO, niêm yết và phát hành của các doanh nghiệp lớn hoặc các doanh nghiệp tốt nhất thị trường tiếp tục thu hút được NĐTNN và những NĐTNN này sẵn sàng trả giá mua cao hơn so với mặt bằng giá hiện tại. Cho đến khi niềm tin này còn được giữ vững thì VnIndex sẽ còn tăng trong vài tuần tới hay thậm chí còn lâu hơn thế.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên