Bất an nhà tái định cư ở Hà Nội
Khác với lời hứa hẹn được đến một nơi ở mới với chất lượng sống tốt hơn, rất nhiều người dân đang sống ở các khu tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo tại nơi ở mới.
- 16-07-2015Nhà tái định cư kém chất lượng: Doanh nghiệp làm ẩu, dân lãnh đủ
- 17-06-2015Hà Nội: Sắp có thêm khu tái định cư 3ha
- 12-06-2015Hà Nội: Sắp có thêm khu tái định cư rộng 5ha
Dạo qua một vòng, hầu hết các khu tái định cư đều đang xuống cấp nghiêm trọng.
Việc bảo trì, sửa chữa chậm chạp, thậm chí người dân kiến nghị hàng năm trời, những hạng mục xuống cấp vẫn cứ tiếp tục xuống cấp, không ai nhòm ngó. Bên cạnh đó, hàng loạt khó khăn về nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống sinh hoạt là thực tại mà người dân vẫn đang phải đối mặt hằng ngày.
Thấp thỏm nỗi lo bị cắt nước
Theo phản ánh của người dân khu nhà tái định cư NƠ 6 Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, thực trạng khu nhà xuống cấp một cách đáng báo động. Đợt Tết Nguyên đán vừa qua, khu nhà có được đầu tư kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng, nhưng thực chất cũng chỉ là quét lại vôi ve ở mặt ngoài, vá víu tạm lại những điểm bị lún nứt. Cư dân toàn khu nhà bức xúc cho biết, thực trạng khu nhà này đã quá báo động. Người dân đã ý kiến rất nhiều, hàng loạt đơn từ, kiến nghị đã được gửi đi suốt mấy năm qua nhưng cũng chẳng có ai hồi đáp.
"Bốn năm qua, chúng tôi đã ý kiến rất nhiều nhưng chẳng ai quan tâm cả. Nhà chúng tôi phải bỏ tiền mua nhưng sự thực là người ta quá vô trách nhiệm. Có lẽ hiếm ở đâu mà dân lại bơ vơ giữa Thủ đô như chúng tôi đây", ông Nguyễn Hữu Bình, P216, chua chát. Nhà cửa xuống cấp, thang máy như cái “bẫy người”… nhưng vấn đề thiết yếu nhất hiện nay là nguồn nước sinh hoạt để dùng ổn định, lúc nào cũng thấp thỏm lo bị cắt.
Ông Nguyễn Hữu Bình bức xúc cho hay, khi mời người dân đến tham quan trước khi nhận nhà thì nhà cửa sạch sẽ, điện nước đầy đủ. Thế nhưng, khi người dân dọn đến ở thì thực tế người dân chỉ có mỗi cái xác nhà, sau đó để người dân phải tự xoay sở.
“Chúng tôi phải tự liên hệ với xí nghiệp cấp nước của HUD để mua nước, nhưng ban đầu họ còn không kí hợp đồng mua bán nước vì chúng tôi không có tư cách pháp nhân. Lên đơn vị vận hành tòa nhà là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và Khai thác khu đô thị (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) kiến nghị để Công ty đứng ra ký hợp đồng mua nước cho dân, họ cũng không làm. Nói khó mãi xí nghiệp cấp nước của HUD mới bán nước cho dân, nhưng họ cũng chỉ bán cho từ đồng hồ tổng, người dân phải tự quản lý tính toán. Chậm nộp tiền lúc nào họ cắt lúc đó”, ông Bình chia sẻ.
Theo ông Bình, chưa có ở đâu người dân phải chịu cảnh khổ sở về nước sinh hoạt như ở đây. Chấp nhận trả tiền nước giá cao (9.000 đồng/m³), thế nhưng từ đồng hồ tổng vào khu nhà thất thoát lên đến 50%. Sau này, cư dân mới phát hiện nguyên nhân do bể ngầm bị rò. Thất thoát lớn nên có những hộ gia đình phải cắn răng trả số tiền lên đến 70.000 đồng/m³, để có nước sinh hoạt hằng ngày.
Ông Lê Công Khánh, P716, cho biết, rất nhiều người thuộc diện tái định cư đã đến xem nhà nhưng chẳng mấy ai dám đến ở, chính vì thế mà khu nhà này còn rất nhiều phòng trống. "Chẳng có người dân ở đô thị nào giống chúng tôi ở đây. Nước sinh hoạt, thi thoảng người ta dọa cắt là lại lo sốt vó. Cả tòa nhà dân phải tự quản, tự phòng. Thậm chí, đến giờ chúng tôi cũng chẳng thuộc tổ dân phố, cụm dân cư nào. Nhường đất lại cho dự án nhà nước, đáng ra chúng tôi phải được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống, thế nhưng giờ cứ như người phải đi ăn nhờ ở đậu. Kiểu làm ăn vô trách nhiệm thế này không thể nào chấp nhận được", ông Khánh than thở
Báo động tình trạng xuống cấp
So với nhiều khu khác, khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính được ví là “khu tái định cư VIP” vì có vị trí thuận tiện hơn hẳn, nằm dọc mặt đường Lê Văn Lương và Hoàng Đạo Thúy.
Khi mới chuyển về sống, phần lớn người dân đều cảm thấy hài lòng. Nhưng chỉ sau một năm, tình trạng xuống cấp bắt đầu xuất hiện và ngày càng trầm trọng. Người dân liên tục có ý kiến, nhiều cuộc họp dân được tiến hành nhưng đáp lại là sự thờ ơ từ phía cơ quan quản lý tòa nhà. Và đến thời điểm này, nhiều khu tái định cư lâm vào cảnh không khác ổ chuột. Thậm chí, nước không có, điện thiếu, thang máy hoặc hỏng hoặc vừa đi vừa run, tường nhà nứt toác…
Chị Lê Thùy Dương, đang sinh sống tại tầng 11 nhà N3A, cho biết, cả tòa nhà có 2 thang máy thì chỉ có một thang máy còn hoạt động. Một thang máy đã bị hỏng đến cả năm trời, cứ sửa xong, sử dụng 1-2 hôm lại hỏng, thậm chí có lần vừa sửa, người dân đi 2-3 chuyến đã hỏng ngay. Hàng trăm người trông chờ vào một chiếc thang máy, cứ đến giờ đi làm là nhốn nháo. Khổ nhất là những hôm mất điện, máy nổ không hoạt động, người già và trẻ nhỏ phải leo cầu thang bộ lên các tầng cao.
Chị Dương cho biết, dân cư sống tại khu nhà này đã kiến nghị nhiều lần nhưng mọi chuyện vẫn không thay đổi. Chuyện thang máy cái hỏng, cái tậm tịt rất phổ biến ở nhiều nhà chung cư khác. “Hàng xóm” không xa nhà N3A là nhà N5D, thang máy đã hỏng 2 năm, thậm chí còn bục cả sàn thang, nhưng đến tận thời điểm này, sau khi các hộ dân liên tục kiến nghị mới được sửa chữa. Mặc dù vậy, người dân sống ở đây cũng lo lắng, thang sửa rồi nhưng không biết đi lại có an toàn không, hay chỉ được dăm bữa nửa tháng lại “đắp chiếu”.
Không chỉ thang máy, các hạng mục khác của nhà tái định cư cũng xuống cấp không kém. Chỉ cần đi một vòng quanh các tòa nhà, có thể thấy, chất lượng nhà ở nơi đây đáng báo động. Cửa vào một bên tòa nhà được khóa kín nhiều năm trời. Cánh cửa sắt gỉ, gãy. Cửa gỗ của phòng dịch vụ tầng một cũng mọt, thủng. Hành lang được một số hộ dân tận dụng làm nơi chứa đồ nghề bán hàng. Thậm chí, buổi tối, các quán ăn tự phát còn kê bàn ghế vào hẳn trong hành lang nhà cho khách ngồi.